Thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6

Thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Hà Nam đã triển khai Đề án sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. Mục tiêu của Đề án đến năm 2020, tỉnh cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các thôn, tổ dân phố có quy mô, số hộ gia đình chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Thôn Vải, xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm là một thôn nhỏ chỉ có 100 hộ dân với gần 400 nhân khẩu. Nhiều năm qua, thôn Vải luôn được đánh giá là thôn có đời sống kinh tế - xã hội phát triển.

Khi Liêm Thuận phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, thôn Vải cùng với các thôn, xóm khác huy động tốt nguồn lực từ nhân dân, vận động nhân dân đoàn kết, thống nhất thực hiện mọi chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Chỉ trong hai năm, Liêm Thuận đã về đích nông thôn mới, trong đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của nhân dân thôn Vải.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân dù rất tích cực đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, nhưng vì ít dân, đầu việc mức đóng góp của người dân cao hơn các thôn đông dân. Bởi thế, khi tỉnh chủ trương thực hiện sắp xếp, sáp nhập tổ dân phố, thôn xóm, xã Liêm Thuận triển khai thực hiện các bước khá nhanh, nhận được sự đồng thuận của nhân dân.

Với những thôn xóm có quy mô nhỏ, việc sáp nhập với các thôn, xóm cùng quy mô, điều kiện giống nhau sẽ tinh gọn được bộ máy, tạo thuận lợi cho công tác quản lý điều hành của chính quyền cơ sở. Thôn Chằm có trên 310 hộ dân, sáp nhập với thôn Vải trở thành thôn Chằm Vải. Về tên gọi cũng như vị trí địa lý hai thôn, nhân dân đều thấy hợp lý khi thực hiện sáp nhập.

Bí thư Chi bộ thôn Chằm Lại Văn Hiền cho biết: Khi họp dân lấy ý kiến về việc sáp nhập, mọi người đồng tình ủng hộ. Thuận lợi lớn với chúng tôi ở đây là hai thôn sát nhau, tập tục giống nhau, người dân chủ yếu làm nông nghiệp, kinh tế tương đồng. Giờ sáp nhập lại thành thôn Chằm Vải với 419 hộ dân, 1.369 nhân khẩu, tổng diện tích tự nhiên 131,74 ha, đáp ứng yêu cầu của trên. Tôi nghĩ, quy mô thôn như thế này rất hợp lý, tăng sức mạnh của hệ thống chính trị cơ sở.

Khu văn hóa Tổ dân phố số 2, phường Quang Trung (TP. Phủ Lý). Ảnh: Điện Biên

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có 1.239 thôn, tổ dân phố, trong đó có 1.095 thôn, 144 tổ dân phố. Số thôn, tổ dân phố loại 1 là 40; số thôn, tổ dân phố loại 2 là 153; số thôn, tổ dân phố loại 3 là 1.046. Tổng số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố đến thời điểm này có 4.468 người.

Kết quả thống kê của Sở Nội vụ cho thấy, thôn có số hộ gia đình từ 400 hộ trở lên toàn tỉnh có 93 thôn (chiếm 8,5%), tổ dân phố có số hộ gia đình từ 500 hộ trở lên, chiếm 4,86%. Thôn có số hộ gia đình dưới 200 hộ có 589 thôn, tổ phố có số hộ dưới 250 hộ có 87 tổ dân phố. Theo đánh giá của Sở Nội vụ, phần lớn những thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có quy mô số hộ gia đình không đạt tiêu chuẩn theo Thông tư 09/2017/TT-BNV, do đó, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố khá lớn.

Thực hiện Nghị quyết số 18 - NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XII, Hà Nam đã và đang triển khai thực hiện Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh với 612 thôn, tổ dân phố trên địa bàn của 76 xã, phường, thị trấn để thành lập mới 228 thôn, tổ dân phố mới, đồng thời đổi tên 21 thôn, tổ dân phố. 101 thôn, tổ dân phố chưa đủ điều kiện sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện các bước theo quy định sáp nhập.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm hiệu quả của Đề án sắp xếp, sáp nhập các thôn, tổ dân phố chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định trên địa bàn tỉnh, tại Kỳ họp lần thứ 6, HĐND tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết về việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý; Nghị quyết về việc hỗ trợ kinh phí cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố nghỉ việc do việc thực hiện sáp nhập xã, phường, thị trấn; thôn, tổ dân phố.

Đánh giá về việc thực hiện đề án, ông Tống Văn Sử, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và công tác thanh niên, Sở Nội vụ cho rằng: Hà Nam là một trong những tỉnh đi đầu thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập thôn, tổ dân phố nên không thể tránh khỏi những khó khăn vướng mắc từ cơ sở.

Thực tế hiện nay tại các thôn xóm, tổ dân phố chuẩn bị sáp nhập vẫn còn những trăn trở. Đồng chí Nguyễn Trung Kiên, Bí thư Chi bộ xóm 4, xã Tràng An, huyện Bình Lục cho biết: Về phía người dân không có vấn đề gì khó khăn, tất cả bà con đều đồng thuận. Thế nhưng khi sáp nhập thôn mới, quy mô dân số tăng, diện tích rộng hơn, đòi hỏi cán bộ thôn phải phát huy cao hơn tinh thần trách nhiệm mới hoàn thành nhiệm vụ.

Với mức phụ cấp theo quy định như hiện nay, nhiều cán bộ thôn, làng mới sẽ cân nhắc, suy tính. Thứ hai, năng lực cán bộ thôn, tổ dân phố mới tới đây cũng cần bàn đến. Từ trước tới giờ, chúng tôi gần như không được đào tạo về quản lý bài bản, có thì mỗi năm tập huấn một hai lần về công tác quản lý cho cán bộ thôn xóm. Cán bộ thôn chủ yếu do dân bầu nên trình độ thực tế còn có những hạn chế nhất định. Tôi nghĩ, đây chính là điều đáng bàn nhất khi thực hiện sáp nhập.

Đây là điều được rất nhiều người suy nghĩ khi đang đảm đương chức vụ cán bộ thôn, tổ dân phố. Ông Chu Quang Kiều, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu, huyện Bình Lục chia sẻ: Trong số 101 thôn, tổ dân phố còn lại để tiếp tục rà soát, thực hiện sáp nhập sau năm 2018, có các thôn của Bối Cầu. Khi họp dân chúng tôi đã gặp nhiều ý kiến cần xem xét, cân nhắc. Chẳng hạn, hai thôn Ngọc Lâm và An Khoái cách nhau gần 3km, giờ sáp nhập công tác cán bộ có thể không lo, nhưng người dân cho rằng mọi hoạt động trong thôn sẽ rất khó khăn. Thôn có một chi bộ, có thể có 2 tổ đảng ở 2 thôn cũ. Thế nhưng để ra nghị quyết không thể họp riêng các tổ đảng được. Nếu họp chung những đảng viên 70 tuổi trở lên không thể đi lại từ làng này sang làng khác (địa giới cũ) để sinh hoạt. Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác cần giải quyết hài hòa…

Đồng chí Nguyễn Viết Phượng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tràng An, huyện Bình Lục:

Tràng An thuận hơn các xã khác về địa giới trong việc thực hiện sáp nhập. Ngoài ra, những điều kiện về văn hóa, xã hội ở đây cũng không phức tạp, ví dụ như 4 đội (đội 1, đội 2, đội 3, đội 4) sáp nhập thành thôn Ô Mễ có chung một đình, một chùa, dân cư sát nhau, phong tục tập quán tương đồng, khi đề cập đến việc sáp nhập nhân dân đồng thuận. Thế nhưng ở thôn mới Hòa Thái Thịnh, hợp nhất đội 8, đội 9, đội 10 và đội 11, trước đây làng An Thái gọi là xã An Thái, có hai HTX, nhưng chỉ có đúng 200 hộ, giờ ghép thêm 3 xóm nữa thành thôn mới. Phong tục, tập quán các xóm này khác nhau, mỗi xóm có đình riêng, chùa riêng. Chúng tôi phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu về ý nghĩa, mục đích của việc sáp nhập để họ thay đổi nhận thức, khó khăn ban đầu đã được giải quyết, nhân dân không còn ý kiến gì nữa.

Có nhiều vấn đề phải làm sau khi thực hiện sáp nhập xong. Song, tôi nghĩ khó nhất vẫn là công tác cán bộ. Thực tế là chúng tôi đang gặp khó trong việc vận động người ra làm cán bộ thôn hiện nay, vì địa bàn rộng. Các cán bộ thôn hầu hết tuổi cao, trẻ thì đi làm ăn xa, khó vận động họ tham gia công tác ở thôn nên chuyện đi lại trên địa bàn rộng của thôn mới chắc chắn họ gặp khó khăn.

Để lãnh đạo, tổ chức nhân dân thực hiện các hoạt động của thôn, vai trò của đội ngũ cán bộ rất quan trọng. Chúng tôi đang chờ hướng dẫn của trên về vấn đề này để bố trí, sắp xếp cán bộ, vận động những người có phẩm chất, năng lực, uy tín trong dân tiếp tục đảm nhận công việc, trên cơ sở tôn trọng ý kiến của nhân dân.     

Nhiều nơi, việc thống nhất tên làng cũng không hề suôn sẻ. Bốn làng cũ với bốn tên khác nhau, mỗi tên có tới hai, ba tiếng, giờ ghép thế nào cho hay, cho thuận lòng dân? Ví như ở xã Trác Văn, huyện Duy Tiên người dân cho rằng, làng mình đang thờ thành hoàng này, nếu ghép với làng kia họ có thành hoàng làng của làng họ, vậy là làng mới có tới hai thành hoàng sao?

Gặp một số cán bộ xã ở Bình Lục, các đồng chí chia sẻ: Không chạm đến thì thôi, chứ chạm đến là có nhiều chuyện chưa bao giờ bộc lộ. Thí dụ ở một thôn có quỹ khuyến học lên tới 150 triệu đồng, theo chủ trương sẽ sáp nhập với một xóm nhỏ hơn, dân số chỉ bằng một nửa, quỹ khuyến học có hơn 10 triệu đồng. Thế là dân làng họp, giải tán số quỹ ấy như thế nào cho đỡ thiệt khi sáp nhập… Những vấn đề văn hóa tâm linh, tín ngưỡng cũng chẳng xóm nào, thôn nào giống nhau nên bà con nhân dân chưa thực sự cởi mở đón nhận sự hòa nhập này. 

Những câu chuyện xung quanh việc sáp nhập thôn, tổ dân phố còn nhiều vấn đề phải bàn, phải suy tính. Nhưng suy cho cùng, mục tiêu của Đề án không chỉ giảm số lượng thôn, tổ dân phố thiếu tiêu chuẩn, giảm số lượng cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố góp phần giảm chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị mà còn phát huy vai trò tự quản, tự chủ, hiệu quả huy động nguồn lực từ cộng đồng dân cư trong xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng thiết chế văn hóa, xây dựng nông thôn mới.                      

Chu Uyên                     

Chu Uyên, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy