Tự hào là người lính tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử

Bị thương và ngất lịm trước thời khắc Sài Gòn được giải phóng chỉ vài tiếng, khi tỉnh dậy, mọi người nói: Giải phóng rồi! Tôi ngỡ ngàng rồi vỡ òa trong niềm vui sướng. Mình sống rồi! Miền Nam được giải phóng rồi… Không còn cảm giác đau đớn, trong lòng chỉ ngập tràn niềm vui -  cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Vinh, thôn Văn Lâm, xã Liêm Tiết, thành phố Phủ Lý nhớ lại thời khắc lịch sử không bao giờ quên 49 năm về trước.

Tháng 6/1974, mới 17 tuổi, đang học lớp 10, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, CCB Nguyễn Văn Vinh tình nguyện lên đường nhập ngũ (ở Đại đội 2, Trung đoàn 19, tỉnh Hà Nam). 50 năm đã trôi qua, từ chàng thanh niên mới lớn sẵn sàng lên đường chiến đấu với quyết tâm cao giờ mái tóc đã bạc trắng nhưng những kỷ niệm năm nào vẫn đậm sâu trong ký ức CCB Nguyễn Văn Vinh.

Tham gia huấn luyện 2 tháng, 6 ngày, chúng tôi được lệnh lên đường đi B, vào chiến trường B2. CCB Nguyễn Văn Vinh chậm chãi kể. Từ miền Bắc vào đến Tây Ninh chúng tôi đi bằng ô tô. Từ Tây Ninh tới địa điểm đơn vị đóng quân là khu rừng Làng, huyện Củ Chi, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) chúng tôi hành quân bộ. Lúc này tôi là lính trinh sát thuộc Đại đội trinh sát, Trung đoàn 1 Gia Định. Nhiệm vụ của tôi là cùng đồng đội đi trinh sát tình hình của địch. Nhiệm vụ hết sức quan trọng, tuyệt đối bí mật, đối mặt với muôn vàn hiểm nguy, thậm chí là cái chết, nhưng anh em vẫn luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

CCB Nguyễn Văn Vinh (bên phải) kể chuyện về những năm tháng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Tôi là lính mới, thời gian đầu (khoảng chừng 1 tháng) luôn được 3 đồng chí lính cũ tận tình kèm cặp, giúp đỡ, hướng dẫn, chỉ dạy rất cụ thể, chi tiết. Mọi người dạy cho tôi cách quan sát và chui rào. Gặp hàng rào đơn phải làm thế nào, hàng rào kép phải xử lý ra sao, cách vượt qua hàng rào mái nhà, hàng rào bùng nhùng (ở dưới những kênh nước) sao cho vừa an toàn, vừa bảo đảm bí mật. Trong khi học, tôi được mọi người dặn kỹ, khi chui ra phải nhớ ngụy trang lại địa hình giống như cũ để không bị địch phát hiện…

Cùng với học chui rào, là học cách quan sát, phát hiện và gỡ các loại mìn. Thời gian đó, tôi được hướng dẫn học cách gỡ các loại mìn: k58, k62, mìn lá, lựu đạn. Mỗi lần đi trinh sát chúng tôi chỉ mang theo trên người 2 quả lựu đạn, một khẩu AK và một băng đạn. Trước khi đi đơn vị thường cấp cho mỗi người 2 viên thuốc (mỗi ngày uống một viên thay lương thực). Tất cả những thông tin (về vị trí, địa điểm, lực lượng, vũ khí trang bị của địch...) khi đi trinh sát được đều phải ghi nhớ trong đầu, lúc trở về báo cáo rõ ràng, cụ thể, chi tiết với chỉ huy đơn vị.

Nhiệm vụ tuyệt đối bí mật, chúng tôi chỉ đi trinh sát ban đêm, ban ngày không kịp về đến đơn vị thì tìm chỗ ẩn nấp. Hôm thì giấu mình dưới kênh rạch, hôm thì ẩn dưới cỏ năn lác… thậm chí nghĩa trang cũng là nơi chúng tôi ẩn nấp để tránh tai mắt của địch. Đặc biệt, nhiều lần đi trinh sát chúng tôi được người dân huyện Củ Chi - những người một lòng theo cách mạng nuôi giấu dưới hầm bí mật. Để bảo đảm an toàn, bí mật, không bị địch phát hiện, sáng sớm người dân mở nắp hầm “câu xuống” cho chúng tôi mấy nắm cơm, vài miếng thịt, vài miếng đậu và một chai nước để uống rồi nhanh chóng đóng nắp hầm lại. Có những lần, nằm dưới hầm bí mật chúng tôi còn nghe thấy rõ những tiếng chửi thề của bọn lính đi càn, đi tuần tra ngay ở phía trên.

Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn luôn nhớ và biết ơn tình cảm của người dân Củ Chi, nhất là các xã Tân Phú Trung, Trung Lập Thượng, Trung Lập Hạ… dành cho những người lính Cụ Hồ làm nhiệm vụ thiêng liêng: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Những năm tháng gian khổ, ác liệt ấy nếu không dựa vào dân, được nhân dân che chở, nuôi giấu, chúng tôi khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Ngày 24/4/1975, từ khu rừng Làng đơn vị nhận lệnh hành quân xuống Đồng Bưng Mỹ Hạnh, ém quân ở dưới đó 2 ngày. Đêm ngày 26/4/1975, đơn vị hành quân đánh bốt nhà Tôn, khu Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Giải phóng bốt nhà Tôn, ém quân đào hầm phòng ngự ở đó 2 ngày, chờ Quân đoàn 4. Ngày 27/4/1975, hành quân về khu vực Ngã ba bà Quẹo đánh và giải phóng bốt bà Quẹo. Ngày 28/4/1975, chốt ở bốt bà Quẹo. 3 giờ sáng ngày 29/4/1975, được lệnh hành quân về Biệt khu đô thành Sài Gòn. Trên đường tiến về Biệt khu, đơn vị bị Tiểu đoàn lính dù của địch chặn tại Ngã tư Bảy Hiền. Khi Quân đoàn 4 đưa 6 chiếc xe tăng cùng lực lượng của một sư đoàn tiến về Ngã tư Bảy Hiền phối hợp với Trung đoàn, Tiểu đoàn dù của ngụy đã bị đánh bật, ngã Tư Bảy Hiền được giải phóng. Hơn 8 giờ sáng ngày 30/4/1975, trong khi chiến đấu, tôi không may bị một mảnh đạn găm vào đầu và ngất xỉu. Khi tỉnh dậy, tầm 3 giờ chiều, lúc mở mắt ra thấy mình đang nằm trong một căn phòng sạch đẹp, tôi băn khoăn không hiểu chuyện gì đã xảy ra (Sau này tôi mới biết, nơi tôi nằm điều trị lúc bị đó là bệnh viện Vì Dân của ngụy. Khi quân ta tiến đánh Sài Gòn, lực lượng y bác sỹ trong bệnh viện bỏ chạy, lực lượng của ta tiếp quản để cứu chữa thương bệnh binh). Thấy tôi tỉnh lại, mọi người vui mừng thông tin: Miền Nam giải phóng rồi! Nghe xong câu nói đó tôi ngỡ ngàng rồi vỡ òa trong niềm vui sướng. Vậy là mình sống rồi! Sài Gòn giải phóng rồi. Ước mong bao năm đã trở thành hiện thực...

 17 tuổi lên đường nhập ngũ, 18 tuổi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, gần 50 năm đã trôi qua, CCB Nguyễn Văn Vinh luôn ghi nhớ và tự hào về những năm tháng tuổi trẻ đã cống hiến cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng khi nhớ về những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống, CCB Nguyễn Văn Vinh vẫn lặng đi trong niềm xúc động. Dù bị thương, nhưng tôi vẫn là người may mắn được trở về với quê hương, với gia đình và người thân. Rất nhiều người lính đã anh dũng ngã xuống ngay trước thời khắc Sài Gòn được giải phóng – CCB Nguyễn Văn Vinh nghẹn lời.

Trong những năm tháng chiến đấu hết sức gian khổ, ác liệt ấy, trong tôi đậm sâu rất nhiều kỷ niệm. Đó là kỷ niệm về những y, bác sỹ tận tâm, tận tình chu đáo cứu chữa, chăm sóc khi tôi bị thương phải nằm điều trị. Đó là kỷ niệm với những người dân huyện Củ Chi một lòng đi theo cách mạng, sẵn sàng nuôi giấu cán bộ không sợ sự đe đọa của kẻ thù. Đó là tình đồng chí đồng đội keo sơn gắn bó, sẵn sàng chia sẻ mọi buồn vui và khó khăn gian khổ... Tôi vẫn nhớ, thời gian đầu nhập ngũ, khi tham gia huấn luyện, chúng tôi được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống yêu nước, anh dũng chống ngoại xâm của dân tộc. Hiểu rõ được trách nhiệm, khi đất nước có chiến tranh, thanh niên trai tráng phải lên đường ra trận để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Trước khi lên đường vào Nam chiến đấu, chỉ huy đơn vị có nói: Đợt này các đồng chí sẽ lên đường vào Nam chiến đấu, đã vào Nam chiến đấu thì nhất định phải mang thắng lợi trở về… Lời nói đó đã thành hiện thực. 11h30 ngày 30/4/1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, hai miền Nam – Bắc đã thống nhất một nhà.

Chiến tranh đã qua đi gần nửa thế kỷ, trở về với cuộc sống đời thường, những năm qua, CCB Nguyễn Văn Vinh luôn giữ vững và phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ. Trong những ngày cả nước sôi nổi hướng tới kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, CCB Nguyễn Văn Vinh xúc động kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến đấu gian khổ, ác liệt đã qua; tự hào đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy