Ghi nhận tại Hội thi Cộng tác viên giỏi về văn hóa gia đình

Hội thi Cộng tác viên giỏi về văn hóa gia đình tỉnh Hà Nam lần thứ nhất năm 2024 là một trong những hoạt động sáng tạo kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6). Hội thi được tổ chức với quy mô từ cơ sở đến cấp tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, cộng tác viên (CTV), tuyên truyền viên (TTV) và hòa giải viên về văn hóa gia đình trên địa bàn toàn tỉnh. Từ gần 1.000 câu lạc bộ, tổ hòa giải, đội, nhóm văn hóa văn nghệ ở cơ sở, các huyện, thị xã, thành phố đã lựa chọn gần 100 cán bộ, CTV giỏi để tham gia cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh.

Hội thi tập trung tuyên truyền những nội dung của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ), Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; giá trị cốt lõi của văn hóa gia đình Việt Nam; kiến thức về hạnh phúc gia đình, kỹ năng ứng xử văn hóa gia đình; đạo đức, lối sống, giao tiếp trong gia đình; chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em và phát huy vai trò người cao tuổi trong gia đình; giải quyết các mâu thuẫn, hoà giải trong gia đình. Bám sát nội dung hội thi, các CTV, TTV đã vận dụng tốt kiến thức, kinh nghiệm để thể hiện tài năng, trí tuệ, cũng như sự thăng hoa trong phần thi của mình.

Hội thi có sự tham gia của các CTV, TTV nhiều lứa tuổi.

Dù chỉ giới hạn trong 20 phút, nhưng các đội tham gia đều thể hiện rõ các phần thi chào hỏi, kiến thức và năng khiếu. Để cung cấp đủ thông tin trong phần chào hỏi, ngoài giới thiệu các thành viên trong đội, các đội thi đều sử dụng pano, bảng biểu thông tin số liệu về xây dựng địa chỉ tin cậy, hệ thống mạng lưới hỗ trợ nạn nhân BLGĐ, số điện thoại đường dây nóng, nhóm phòng, chống BLGĐ, câu lạc bộ phát triển gia đình bền vững; phong trào và các hoạt động công tác gia đình nổi bật ở địa phương. Phần thi kiến thức, Ban Tổ chức chuẩn bị trước các câu hỏi, các đội bốc thăm trả lời. Phần thi này có 2 nội dung, nội dung tuyên truyền tập trung vào các câu hỏi về các chương, điều, nội dung cơ bản của các chương trong Luật Phòng, chống BLGĐ; thông tin và nội dung cơ bản của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; nguyên tắc phòng, chống BLGĐ; quyền và trách nhiệm của người bị BLGĐ, người có hành vi BLGĐ và trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống BLGĐ; điều kiện bảo đảm cho công tác phòng, chống BLGĐ. Phần câu hỏi tình huống đòi hỏi các CTV, TTV nắm rõ về các hành vi BLGĐ; phương pháp ngăn chặn hành vi BLGĐ, bảo vệ, hỗ trợ người bị BLGĐ; các giải pháp góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ; cách thức xử lý tin báo, tố giác về hành vi BLGĐ; tư vấn về phòng, chống BLGĐ. Phần kỹ năng nghiệp vụ, các đội lựa chọn tiểu phẩm biểu diễn hoặc diễn thuyết chuyên đề về tình huống trong hạnh phúc gia đình; phòng, chống BLGĐ; giáo dục văn hóa gia đình; giải quyết mâu thuẫn gia đình... Phần thi này luôn là điểm nhấn của hội thi các cấp. Ở hội thi cấp tỉnh, 6 đội thi của các huyện, thị xã, thành phố đều lựa chọn biểu diễn tiểu phẩm để xử lý các tình huống liên quan đến Luật Phòng, chống BLGĐ; kỹ năng hòa giải, chuyển tải các thông điệp về chủ đề Hội thi “Gia đình hạnh phúc – Quốc gia thịnh vượng”.

Nhận xét chung về hội thi, ông Phạm Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý, Phó Trưởng Ban Tổ chức hội thi cho biết: Các đội tham dự hội thi đều có sự tập luyện, chuẩn bị chu đáo. Các tiết mục tham gia dự thi được dàn dựng công phu, sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa tuyên truyền miệng và đạo cụ trực quan. Ban Tổ chức và khán giả đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau bởi sự linh hoạt, xử lý tình huống khá chuyên nghiệp, khả năng ứng biến của cá nhân và giọng nói truyền cảm, cuốn hút người nghe của các cán bộ, CTV, TTV trong các phần thi. Ngoài hiệu quả nâng cao nhận thức của các cá nhân, cộng đồng về vị trí, vai trò của gia đình trong giai đoạn hiện nay và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, CTV, TTV, hòa giải viên, hội thi còn là dịp để biểu dương, nhân rộng và lan tỏa các tấm gương điển hình là cán bộ, CTV, TTV giỏi, tiêu biểu xuất sắc trong công tác tuyên truyền, vận động về văn hóa gia đình trên địa bàn tỉnh.

Tuy được đánh giá cao, nhưng ở phần thi kỹ năng nghiệp vụ thiên về năng khiếu biểu diễn và khả năng sáng tạo cao, 6 đội dự thi lại đều lựa chọn hành vi BLGĐ đến từ tư tưởng trọng nam khinh nữ và thói gia trưởng, ích kỷ của người đàn ông trong gia đình, trong khi hành vi về BLGĐ có rất nhiều dạng thức khác nhau để khai thác. Với thời gian thi khá ngắn nên sự liền mạch của các phần thi khá quan trọng. Điều này có đội làm khá tốt, nhưng nhiều đội lại ngắt quãng khiến kết cấu tổng thể chương trình thiếu sự chặt chẽ và giảm sự cuốn hút từ người xem.

Để tạo tiền đề cho các năm tiếp theo, tại Hội thi CTV giỏi về văn hóa gia đình lần thứ nhất năm nay, Ban Giám khảo còn có phần chấm điểm cho các đơn vị tổ chức tốt hội thi cấp cơ sở. Các đơn vị giành điểm phong trào lần này có thể kể đến, như: thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Tiên và huyện Bình Lục. Cùng với phần thi chính và tài năng của các CTV, TTV, thành phố Phủ Lý đã giành Cờ giải Nhất; huyện Lý Nhân và Thanh Liêm giành Cờ giải Nhì; Cờ giải Ba thuộc về ba đơn vị: thị xã Duy Tiên, huyện Bình Lục và huyện Kim Bảng.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy