Khó khăn trong thi hành án kinh doanh, thương mại

Thi hành án kinh doanh thương mại (KDTM) thường liên quan đến giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng kinh tế giữa các pháp nhân kinh tế, hợp đồng tín dụng, ngân hàng... có giá trị lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp.

Do tính chất phức tạp liên quan đến giá trị tài sản thi hành lớn nên việc kê biên, xác định tài sản của doanh nghiệp, người phải thi hành án là một khó khăn đặc thù của thi hành án KDTM.

Mặc dù pháp luật đã có quy định, văn bản hướng dẫn trách nhiệm phối hợp của các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội, nhưng thực tế, khi vận dụng, cơ quan thi hành án kinh doanh thương mại gặp rất nhiều khó khăn, phần lớn do sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan còn thiếu tính ràng buộc trách nhiệm và tính minh bạch.

Ví dụ việc yêu cầu ngân hàng, doanh nghiệp liên quan cung cấp số vốn góp, tài khoản của doanh nghiệp thường bị từ chối cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ. Cá biệt có trường hợp do liên kết, thỏa thuận "ngầm" giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cố tình cung cấp thông tin sai lệch gây bất lợi cho công tác xác minh, kê biên tài sản của cơ quan thi hành án dân sự, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ, chất lượng thi hành án.

Cán bộ Chi cục Thi hành án huyện Duy Tiên trao đổi về hồ sơ thi hành án kinh doanh, thương mại.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa người phải thi hành án, ngân hàng và tài sản thi hành cũng tồn tại nhiều yếu tố phức tạp. Người phải thi hành án (trong trường hợp là khách hàng của ngân hàng) thiếu hợp tác, trốn tránh, gây khó khăn trong xử lý tài sản thế chấp.

Người phải thi hành án trong vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng thường là mất khả năng thanh toán, có nguy cơ bị xử lý tài sản. Họ cố tình chống đối thi hành án bằng nhiều cách, không hợp tác trong xác minh tài sản, ủy quyền cho người không đủ điều kiện, trách nhiệm, quyền hạn đến giải quyết với cơ quan thi hành án dân sự...

Việc xác minh, kê biên tài sản thi hành đã khó, bên được thi hành án là ngân hàng, tổ chức tín dụng lại từ chối nhận tài sản để trừ vào khoản vay, càng gây khó khăn trong thi hành. Do vậy, việc xử lý tài sản thế chấp (đặc biệt là nhà, đất) bị đẩy trách nhiệm cho cơ quan thi hành án dân sự.

Trên thực tế, nhiều tài sản đã giảm giá nhiều lần (theo quy định của Luật Thi hành án dân sự) nhưng vẫn rất khó bán. Một phần do tâm lý e ngại khi mua tài sản liên quan đến thi hành án, một phần do địa thế nhà đất không thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh (SXKD). Vì vậy, tài sản kê biên thường không xử lý được ngay, kéo dài thời gian, tài sản trượt giá qua nhiều lần bán đấu giá không thành, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thi hành án cũng như quyền lợi của người có tài sản thi hành.

Thi hành án KDTM thường liên quan đến giải quyết các tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng kinh tế giữa các pháp nhân kinh tế, hợp đồng tín dụng, ngân hàng... nên thường có giá trị lớn, chế độ quản lý tài sản phức tạp. Tuy nhiên, cơ chế bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí đặc thù cho hoạt động thi hành án KDTM hiện chưa có.

Quá trình kê biên, định giá, cưỡng chế, bảo quản, bán đấu giá tài sản đều cần chi phí (thuê đơn vị thẩm định giá tài sản, máy móc thiết bị cho cưỡng chế, rà phá bom mìn trong cưỡng chế, chi phí bán đấu giá...). Nếu bên được thi hành án không hỗ trợ tạm ứng thì cơ quan thi hành án buộc phải áp dụng nhiều giải pháp, vận dụng mối quan hệ linh hoạt, thậm chí đứng ra ký nợ với đơn vị cung cấp dịch vụ. Không những gây khó khăn cho hoạt động, việc phải tạm ứng chi phí vô hình trung tạo tâm lý e ngại cho chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự.

Mặt khác, thi hành án KDTM cũng còn tồn tại một số khó khăn như: trong quá trình tổ chức thi hành án, theo quy định, chấp hành viên phải ban hành nhiều loại quyết định, thông báo, trong đó có một số trình tự, thủ tục không cần thiết. Đơn cử như thủ tục về thông báo, đặc biệt là trong trường hợp đương sự bỏ đi nơi khác sinh sống (niêm yết thông báo không dưới 10 lần ở cả 3 nơi cho mỗi lượt bán đấu giá); quy định về thỏa thuận của đương sự trong quá trình kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản...

Những quy định này tốn nhiều thời gian để ban hành nhưng ít có giá trị thực tế, ảnh hưởng nhiều đến quá trình kê biên, xử lý tài sản thi hành án. Hoặc bản thân chấp hành viên chưa có đủ kỹ năng, chưa được bồi dưỡng toàn diện, chuyên sâu về hoạt động doanh nghiệp vốn phức tạp, ngày càng phát sinh nhiều hình thức kinh doanh mới.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy