Chuyện của những người thợ phụ hồ

Chị Lê Thị Hiên (ở xã Đinh Xá, thành phố Phủ Lý) năm nay mới ngoài 40 tuổi nhưng đã gắn bó với công việc của một thợ phụ hồ được trên 10 năm. Chị vốn không được học hành nhiều nên không có cơ hội lựa chọn cho mình một thứ nghề như ý.

Chuyện của những người thợ phụ hồ
Công việc phụ hồ vất vả nhưng với chị Lê Thị Hiên, đó là công việc giúp chi có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống.

Trước đây, khi còn nhiều đất, nhiều ruộng, công việc nhà nông những tưởng gắn với chị suốt cả cuộc đời. Nhưng cuộc sống với nhiều đổi thay, nghề nông dần không mang đến cho chị thu nhập đủ để trang trải cuộc sống, đáp ứng những nhu cầu mới của một gia đình, bắt buộc chị phải suy tính. Khi ấy, cũng có không ít thứ nghề mang tính phổ thông, không đòi hỏi quá nhiều về trình độ, tay nghề như: giúp việc, trông trẻ, đi lao động xuất khẩu… để có thể chọn lựa. Song, vì đó đều là những thứ công việc phải thoát ly khỏi gia đình trong một khoảng thời gian nhất định nên chị cứ lần lữa mãi. Và, công việc phụ hồ đến với chị ngẫu nhiên qua lời giới thiệu của một người họ hàng làm "cai xây". Chị chính thức làm nghề từ đó. Buổi ban đầu bỡ ngỡ, chưa quen việc dần qua, mọi việc vào nếp rất nhanh. Chị được học cách trộn vữa, xử lý và vận chuyển vật liệu xây dựng, cách sử dụng và điều khiển những dụng cụ chuyên dụng… Hơn 20 năm làm nghề đã cho chị Hiên nhiều kinh nghiệm và được chị chia sẻ với những "cánh" thợ phụ mới vào nghề. Chị coi họ như chính mình thuở nào, bỡ ngỡ và chưa quen việc, cần có người bảo ban, hướng dẫn. Làm nghề nào phải theo nghề nấy, dù cho việc làm nghề của chị tương đối vất vả, nặng nhọc…

Không phải đắn đo lựa chọn như chị Hiên, sinh ra và lớn lên ở nơi có nghề xây đá một thời phát triển, chị Hoàng Thị Tân, ở xã Tân Sơn (Kim Bảng) đến với việc phụ hồ rất đơn giản vì gia đình có nhiều người làm công việc này. Trước là cả bố mẹ chị, sau này lấy chồng thì gia đình nhà chồng cũng có nhiều người gắn bó với nghề. Bản thân chồng chị cũng là một thợ phụ hồ rồi "trưởng thành" thành thợ xây chính. Từ thời còn là con gái, chị Tân đã cùng bố mẹ theo những tốp xây làm công việc của người thợ phụ hồ nên cô rất hiểu thế nào là công việc phụ hồ. Công việc không đòi hỏi nhiều kiến thức nhưng lại có yêu cầu khá cao về sự cẩn thận, chu đáo. Việc trộn được một "mẻ" vữa xây tưởng chỉ cần vài thao tác cơ bản như nhào, trộn là được nhưng nếu làm theo đúng bài bản thì phải biết tỉ lệ chuẩn của các loại vật liệu cát, xi măng, nước là bao nhiêu mới có thể có được những "mẻ" vữa chất lượng. Nếu nhiều cát, ít xi măng thì độ kết dính kém. Ngược lại, nếu nhiều xi măng, ít cát lại gây lãng phí. Ngay cả việc cho lượng nước trộn bao nhiêu thì vừa cũng phải học mới biết để tránh sự khô quá hoặc nhão quá, ảnh hưởng đến quá trình xây, trát của thợ. Cứ tẩn mẩn, tỉ mỉ thế thôi nhưng cũng phải trải qua thực tế mới làm được.

Ai đó bảo rằng, việc phụ hồ là một thứ công việc đơn giản, chỉ dùng sức lực là đã có thể làm được, có thể đúng nhưng chưa đủ. Bởi đằng sau những động tác xúc, trộn, xếp, chuyển… của những người phụ hồ còn ẩn chứa nhiều nỗi niềm. Câu chuyện của chị Xuân (ở Phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý), một người thợ hồ đi theo các tốp thợ chuyên nhận đổ bê tông cho các công trình, phần nào thấy rõ điều đó. Công việc chị làm ở mỗi công trình thường chỉ diễn ra trong vòng vài tiếng đồng hồ đến nửa buổi là cùng. Nhưng trong khoảng thời gian ấy, việc lao động của chị cực kỳ vất vả. Mặc dù đã có sự hỗ trợ của máy móc nhưng sức người vẫn phải là chủ đạo. Bê tông được máy trộn xong, đổ đều vào những chiếc thùng cao su to. Để lượng bê tông đến được từng ngóc ngách của công trình, không một thứ dụng cụ, một thứ máy móc nào có thể làm thay con người. Các chị phải oằn lưng làm công việc gánh, khiêng nặng nhọc đó. Với phần đổ móng công trình, việc đi lại còn dễ dàng, sự nặng nhọc, vất vả có phần đỡ hơn. Công trình càng cao tầng, sự khó khăn của các chị càng nhân lên gấp bội. Chị Xuân cho biết: “Hiện nay, do nhu cầu xây dựng khá lớn nên công việc dành cho chúng tôi rất nhiều, chỉ sợ không có sức để làm”. Tuy vậy, thu nhập từ nghề của các chị còn chưa tương xứng với sức lực bỏ ra. Thường thì tùy theo diện tích công trình mà tính ra khối lượng công việc, theo số mét khối bê tông được trộn đổ để tính công cho những phụ hồ như chị. Càng ở tầng cao, số tiền công này được cộng thêm nhiều hơn một chút hoặc được gia chủ, chủ công trình bồi dưỡng thêm một khoản cho ngày lao động nặng nhọc.

Chuyện của những người thợ phụ hồ
Những người làm công việc phụ hồ luôn phải đối diện với nguy cơ, rủi ro tai nạn lao động nên luôn có ý thức và chủ động tự bảo vệ sự an toàn cá nhân. Ảnh: Trần Hà

Tuy vậy, bên cạnh sự nặng nhọc, người thợ phụ hồ còn phải đối mặt với không ít rủi ro khi chỉ cần sơ sểnh một chút là bị tai nạn lao động đủ mức độ nặng, nhẹ. Nhưng do làm việc hoàn toàn tự nguyện, theo mùa vụ và không có bất cứ một thứ giấy tờ, hợp đồng nào ràng buộc trách nhiệm giữa người làm công với ông "cai" nên khi rủi ro xảy đến, việc bồi thường cũng khó nói trước.

Với chị Tân hay chị Hiên cũng vậy, cứ có việc thì làm, nhiều việc thì thu nhập tăng đôi chút chứ không có một sự bảo đảm lâu dài cho công việc, cho thu nhập. Các chị cũng được tuyên truyền nhiều về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế tự nguyện cùng những lợi ích mà nó mang đến sau này nên cũng cố chắt chiu từ những khoản thu nhập phụ hồ của mình để mua trước chiếc thẻ bảo hiểm y tế, phòng những lúc rủi ro, đau ốm. Và để bảo đảm cho sức khỏe, sự an toàn của mình trong quá trình làm việc, người phụ hồ buộc phải tự bảo vệ chính mình…

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy