Sử dụng chế phẩm sinh học EM xử lý nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản

Năm 2017, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN & PTNT) triển khai Dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá trắm cỏ làm chính sử dụng chế phẩm sinh học EM". Dự án được triển khai tại 2 hộ của xã Văn Xá (Kim Bảng). Ông Lại Văn Hiếu, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết, dự án hướng tới xử lý tốt nguồn nước nuôi thủy sản vốn thường xuyên bị ô nhiễm.

Tìm hiểu tại hộ chị Trần Thị Chuyên, thôn Trung Đồng (Văn Xá) một trong 2 hộ được hưởng lợi từ dự án đã có sự thay đổi căn bản trong sản xuất. Ngay trong năm 2017, khi xử lý bằng chế phẩm EM nước trong ao nuôi thủy sản có chất lượng tốt, trong xanh không bị vẩn đục, nhiều rêu như trước đây. Áp dụng mô hình nuôi cá trắm cỏ, gia đình chị Chuyên đã thu lãi hơn 50 triệu đồng, tăng lên rất nhiều so với trước đây.

Sang năm 2018, tuy dự án đã hết nhưng chị Chuyên vẫn duy trì sử dụng chế phẩm sinh học EM xử lý nguồn nước nuôi thủy sản của gia đình. Đồng thời, chị mạnh dạn thay đổi hình thức sản xuất bằng chuyển sang nuôi cá chép koi Nhật Bản bán làm cá cảnh. Đây là loại cá đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng nguồn nước nuôi. Đến nay, qua theo dõi cá chép koi có tốc độ sinh trưởng tốt. Với giá lên đến 250 nghìn đồng/kg, hứa hẹn cho gia đình chị thu nhập cao.

Chị Chuyên tâm sự: Sử dụng chế phẩm EM điều nhận thấy rõ nhất là tỷ lệ hao hụt cá hiện nay chỉ khoảng 5 - 7% (trong khả năng cho phép), trước đây phải lên đến 30 - 40%. Về giá thành của chế phẩm EM không cao, chỉ khoảng 4 triệu đồng cho 3.000 m2 ao nuôi trong cả năm, trong khi lợi nhuận tăng lên rất nhiều. Quan trọng hơn, nông dân chúng tôi không còn phải loay hoay lo xử lý nguồn nước bị ô nhiễm.

Diện tích nuôi thủy sản của gia đình chị Trần Thị Chuyên, xã Văn Xá (Kim Bảng) phát huy hiệu quả sau khi sử dụng chế phẩm sinh học EM.

Được biết, các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý nước nuôi thủy sản tại Văn Xá đều nằm trong Khu nuôi trồng thủy sản tập trung của xã. Đối với nguồn nước đưa vào các ao chủ yếu lấy từ sông Nhuệ, qua hệ thống Trạm bơm Giáp Ba, nên chất lượng không bảo đảm. Trong cả năm, chỉ có mấy tháng mùa mưa, nước nuôi thủy sản ở đây mới được cải thiện. Vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến các diện tích nuôi thủy sản.

Dự án xử lý nước bằng chế phẩm sinh học EM đang mở ra cách làm, hướng đi mới cho phát triển thủy sản nơi đây. Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc HTXDVNN Văn Xá cho biết: Chúng tôi đánh giá tích cực về việc sử dụng chế phẩm sinh học EM trong xử lý nước nuôi thủy sản. Từ thành công của dự án, mà cụ thể là các mô hình làm điểm, xã đang tuyên truyền, vận động để các hộ nuôi thủy sản áp dụng rộng rãi cách xử lý nguồn nước ô nhiễm này trong thời gian tới.

Mạnh Hùng

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy