Nhân rộng diện tích cấy lúa bằng máy

Với nhiều ưu điểm: giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật), nâng cao năng suất; hạn chế tình trạng lúa cỏ... nên những năm qua, diện tích cấy lúa bằng máy trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Nếu như năm 2021 diện tích cấy máy toàn tỉnh mới đạt 1.252 ha (đạt 75,9% so với kế hoạch), chiếm 2,2% diện tích gieo cấy thì đến năm 2022 đạt 4.654,5ha (đạt 145,4% so với kế hoạch), chiếm 8,1% diện tích gieo cấy. Năm 2023, diện tích cấy máy toàn tỉnh đạt 9.644 ha (đạt 192,9% so với kế hoạch), chiếm 16,8% diện tích gieo cấy. Vụ xuân năm 2024 diện tích cấy bằng máy đạt 5.837,3 ha, đạt 108,2% kế hoạch.

Vụ mùa năm 2022, HTXNN Nhân Mỹ (Lý Nhân) bắt đầu đưa máy cấy vào sản xuất trên diện tích 5ha. Đến vụ thu hoạch, năng suất, chất lượng lúa cấy máy cao hơn hẳn so với diện tích gieo sạ cùng giống. Nhận thấy rõ những lợi ích tích cực từ mô hình cấy máy đem lại, vụ xuân năm 2023 HTX tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mở rộng diện tích cấy máy lên 25ha. Đến vụ mùa năm 2023 diện tích cấy máy của HTX đạt 35ha. Đáng chú ý, vụ xuân năm 2024 diện tích cấy máy của HTX tăng lên 72ha.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTXNN Nhân Mỹ cho biết: Cấy máy đã khẳng định được hiệu quả rõ nét trên đồng ruộng. Cụ thể cấy máy giúp giải phóng sức lao động, giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được tình trạng lúa cỏ gây hại, năng suất, chất lượng được nâng lên (tùy theo từng giống cao hơn từ 30 – 40 kg so với gieo sạ)... Thời gian tới, HTX sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục mở rộng diện tích cấy máy nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cây trồng.

Ra đồng chăm sóc diện tích lúa xuân năm 2024 được cấy bằng máy đang lên xanh tốt, ông Nguyễn Phú Định, thôn Cự Xá, xã Liêm Phong, huyện Thanh Liêm chia sẻ: Gia đình tôi thực hiện cấy máy đã nhiều vụ nay năng suất cấy máy cao hơn so với gieo sạ (từ 20-30kg/sào, tùy theo giống). Lúa cấy bằng máy hạt mẩy hơn, chất lượng hơn. Những vụ tới gia đình tôi sẽ tiếp tục thực hiện cấy máy trên diện tích đất canh tác của gia đình mình.

Diện tích lúa cấy máy ở Liêm Phong (Thanh Liêm) đang phát triển tốt. Ảnh: Thanh Châu

Nhằm đẩy mạnh tiến trình thực hiện cơ giới khâu gieo cấy, góp phần thực hiện đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí vật tư nông nghiệp, nâng cao hiệu quả cây trồng... thời gian qua, diện tích cấy máy trên địa bàn tỉnh không ngừng được mở rộng. Năm 2021 diện tích cấy máy toàn tỉnh mới đạt 1.252ha, chiếm 2,2% diện tích gieo cấy, đến năm 2022 đạt 4.654,5ha, chiếm 8,1% diện tích gieo cấy. Năm 2023 đạt 9.644 ha, chiếm 16,8% diện tích gieo cấy. Huyện Thanh Liêm có tốc độ mở rộng diện tích cấy máy nhanh nhất (năm 2023 đạt 4.940 ha, chiếm 43% diện tích gieo cấy); các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, thành phố Phủ Lý đều đạt và vượt kế hoạch. Vụ xuân năm 2024, diện tích cấy bằng máy toàn tỉnh đạt 5.837,3 ha, trong đó thị xã Duy Tiên 350 ha; huyện Kim Bảng 580,6ha; Lý Nhân 970ha; Bình Lục 1.220 ha; Thanh Liêm 2.538,7ha; Phủ Lý 178 ha. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 326 máy cấy, trong đó 262 máy cấy cầm tay, 64 máy ngồi.

Có thể khẳng định, nhờ đẩy mạnh thực hiện đưa máy cấy vào đồng ruộng đã góp phần tháo gỡ khó khăn về tình trạng thiếu lao động cho nhiều địa phương. Cùng với đó, nông dân được giải phóng công lao động nặng nhọc, sức khỏe được nâng cao. Cấy lúa bằng máy còn giúp giảm chi phí, giảm công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất (năng suất lúa cấy máy cao hơn từ 15 - 20%, tương đương 7 - 10 triệu đồng/ha so với phương pháp gieo cấy khác); bảo vệ môi trường sinh thái; xử lý tình trạng lúa cỏ; khắc phục tình trạng bỏ ruộng...

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện mô hình, nông dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật dần thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, nâng cao thu nhập, góp phần xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở địa phương. Đặc biệt, từ việc đưa máy cấy vào đồng ruộng đã hình thành chuỗi liên kết giữa các tổ dịch vụ gieo cấy, góp phần thúc đẩy các chuỗi liên kết khác trong sản xuất nông nghiệp.

Qua tìm hiểu thực tế ở các địa phương, hiệu quả cấy lúa bằng máy đã được khẳng định, tuy nhiên, việc đưa máy cấy vào đồng ruộng hiện vẫn gặp những khó khăn nhất định. Đó là thời tiết diễn biến bất thường, tình hình dịch hại diễn biến phức tạp; giá phân bón, các loại vật tư nông nghiệp khác so với giá lúa vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh cho sản xuất. Một số người dân chưa quen cấy máy mật độ thưa hơn so với gieo thẳng hoặc cấy tay, từ đó có tâm lý lo lắng, dặm thêm làm ảnh hưởng đến sinh trưởng phát triển, năng suất lúa, cũng như tăng công lao động.

Do chi phí ban đầu cao (công cấy máy và giống khoảng 300.000 đồng/sào), một số địa phương nông dân vẫn chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, diện tích gieo sạ vẫn chiếm ưu thế do chi phí ban đầu thấp và không bị áp lực nhiều về lao động. Mặt bằng để xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ cho các tổ làm dịch vụ còn gặp nhiều khó khăn, công tác tổ chức sản xuất ở nhiều địa phương còn hạn chế nên chưa xây dựng được vùng cấy máy tập trung. Nguồn nguyên liệu giá thể làm mạ khay trong tỉnh chưa chủ động được, vẫn phải mua giá thể từ Thanh Hóa, chi phí vận chuyển lớn, nên giá thành sản xuất khay mạ còn cao...

Cấy máy là hướng đi tất yếu trong thực hiện đồng bộ cơ giới hóa các khâu sản xuất. Trên địa bàn tỉnh ta, hiện cơ giới khâu làm đất và khâu thu hoạch đã đạt tỷ lệ cao (làm đất đạt 100% diện tích, thu hoạch đạt trên 95% diện tích), khâu gieo cấy tỷ lệ vẫn còn thấp (đạt gần 17% diện tích).

Theo ông Nguyễn Văn Của, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để mở rộng diện tích mạ khay cấy máy thời gian tới các cấp, các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, nắm bắt và thực hiện cấy máy trên đồng ruộng. Cùng với việc chú trọng hướng dẫn, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân và người sử dụng máy cấy các địa phương cần quy hoạch lại đồng ruộng, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, tập trung, hoàn chỉnh hệ thống giao thông, thủy lợi, xây dựng cánh đồng với phương châm "một cánh đồng - một giống" để thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa khâu gieo cấy.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện về mặt bằng để các tổ dịch vụ xây dựng kho bãi, nhà xưởng chứa máy móc, giá thể, tập kết khay mạ; chủ động kết nối, điều tiết với các tổ dịch vụ mạ khay cấy máy trong và ngoài tỉnh nhằm đáp ứng việc mở rộng diện tích cấy máy. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp để xây dựng chuỗi thu mua lúa gạo từ các mô hình mạ khay cấy máy nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân...

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy