Quan tâm phát triển các loại hình du lịch đặc trưng

Du lịch tâm linh và du lịch lễ hội đã được nói đến nhiều khi bàn về du lịch Hà Nam. Tuy nhiên so với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Hà Nam không được ưu đãi những tài nguyên du lịch thực sự nổi bật. Phá bỏ quan niệm Hà Nam là điểm trung chuyển giữa các khu, điểm du lịch, tỉnh đã và đang có hướng khai thác đa dạng nhiều nguồn tài nguyên để phát triển du lịch.

Với sự nỗ lực của nhiều cấp, ngành, Hà Nam đã khôi phục được hai lễ hội lớn là Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn và Lễ Phát lương đền Trần Thương. Nhưng để tạo dấu ấn thôi thúc du khách quay lại tiếp tục khám phá phải có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng, khẳng định dấu ấn tâm linh, tô đậm thêm về nguồn gốc và ý nghĩa lễ hội.

Đối với Lễ Phát lương Đức Thánh Trần dựa trên những tư liệu lịch sử, sự liên kết và sáng tạo đã và đang là một nghi lễ khác biệt khi không theo các tỉnh trong khu vực cùng có các đền thờ Đức Thánh Trần lớn như Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng phát ấn mà đây là phát lương- loại ngũ cốc truyền thống nuôi sống người Việt. Việc phát lương đầu Xuân với ước mong một năm đủ đầy, sung túc là điều mà ai cũng mong ước.

Du khách trẩy hội chùa đọi Sơn, xã đọi Sơn, huyện duy Tiên. Ảnh: Lương Thế

Du lịch làng nghề đã được bàn đến khá nhiều trước đây. Chỉ nói đến những làng nghề truyền thống, toàn tỉnh có 32 làng nghề. Nhiều làng nghề hiện ngày càng phát triển được nhiều người biết đến và bước đầu đã thu hút được khách du lịch là làng dệt lụa Nha Xá (Mộc Nam), làng nghề trống Đọi Tam (Đọi Sơn) của huyện Duy Tiên. Và một làng nghề người dân phát triển lên là làng cá kho Đại Hoàng, xã Hòa Hậu (Lý Nhân).

Không nên quá chú trọng vào số lượng mà cần đặc biệt quan tâm đầu tư, có sự định hướng rõ ràng vào những làng nghề thật sự có tiềm năng như trên để phát triển thành các sản phẩm du lịch mới, thu hút du khách. Bởi đây là những làng nghề có truyền thống lâu đời, hầu như không bị ngắt quãng và mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc trưng.

Du lịch đường sông, cách đây không quá lâu, sông Đáy - tuyến du lịch chùa Hương đã được khai thác khá tốt. Nay tuy tuyến du lịch với điểm đến này có nhiều thuận lợi về đường bộ nhưng dọc sông Đáy, sông Châu, sông Hồng với những xóm làng trù mật, những danh lam thắng cảnh cổ kính nên thơ mang trong mình bao gửi gắm từ tư duy nền nông nghiệp lúa nước, trọng nhân, trọng tài dọc theo những dòng sông cũng là tuyến du lịch gợi mở hướng khai thác. Nhưng để giữ được sự trong sạch và nên thơ của các con sông chắc chắn cần một sự nỗ lực không nhỏ.

Hà Nam là tỉnh nông nghiệp với cảnh sắc nông thôn đặc trưng của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ. Đây là điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần với loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Khu du lịch tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao tại Hòa Hậu đang hướng đến loại hình du lịch này, trải nghiệm kết hợp nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, Hà Nam đang phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, những vùng chuyên canh rau sạch cũng sẽ là một sự trải nghiệm mới về nông nghiệp tại Hà Nam.

Để phát triển các loại hình du lịch đặc trưng trên, chúng ta đang có nhiều thuận lợi. Đó là Hà Nam gần Thủ đô Hà Nội. Đây là khu vực kinh tế năng động, phát triển nhanh, có một lượng khách lớn, thị trường đa dạng. Trên địa bàn có tuyến giao thông huyết mạch chạy qua cùng với hệ thống đường sá được định hướng đầu tư phát triển.

Tuy có khá nhiều thuận lợi để Hà Nam khai thác, phát huy những đặc trưng của mình trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch nhưng cũng còn những khó khăn, hạn chế. Đó là, du lịch Hà Nam chưa hình thành được các mạng lưới kết nối các điểm du lịch.

Hệ thống các sản phẩm du lịch chưa được hình thành rõ nét, quy mô nhỏ. Chưa xây dựng được hình ảnh là một điểm du lịch, khách du lịch chưa nhận thức được Hà Nam là một điểm du lịch. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch có quy mô nhỏ. Và Hà Nam hiện đang thiếu nguồn nhân lực du lịch, bao gồm cả nhân lực phục vụ và quản lý. Chưa có những chính sách đặc thù riêng cho phát triển du lịch.

Giải quyết được những hạn chế này, phát triển các loại hình du lịch đặc trưng sẽ tạo cơ hội cho du lịch Hà Nam phát triển trong tương lai.

Chu Bình

Chu Bình, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy