Phát huy tiềm năng du lịch làng nghề

Du lịch làng nghề được coi là một sản phẩm du lịch đầy tiềm năng của Hà Nam. Với trên 100 làng nghề truyền thống, trong đó có những làng nghề được cả nước biết đến như: Dệt lụa Nha Xá, thêu ren An Hòa - Hòa Ngãi, trống Đọi Tam… Tuy nhiên, để khai thác tiềm năng du lịch làng nghề, Hà Nam cần có những chính sách đầu tư mới cho những vùng, khu vực có những làng nghề này.

 Vậy đâu là thuận lợi và khó khăn, phóng viên (P.V) Báo Hà Nam đã có cuộc trao đổi với ông Trần Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nam về vấn đề này.

Làm trống tại cơ sở sản xuất Ngọc Chung, thôn Đọi Tam, xã Đọi Sơn (Duy Tiên). Ảnh: Lương Thế

P.V: Thưa ông, Hà Nam có hơn 100 làng nghề truyền thống, rất nhiều làng nghề nổi tiếng được cả nước biết đến. Ở khía cạnh phát triển du lịch, những làng nghề này có phát huy được không?

Ông Trần Văn Tiến: Du lịch làng nghề được coi là một sản phẩm du lịch, muốn khai thác và phát triển hiệu quả phải có sự kết hợp với các sản phẩm du lịch khác, tạo nên sự đa dạng, bền vững. Đồng thời, du lịch Hà Nam phải thực sự phát triển, được coi là ngành kinh tế quan trọng, được đầu tư, có cơ chế chính sách phù hợp thì các làng nghề truyền thống mới là điểm đến của du khách. Nghĩa là, du lịch làng nghề phát triển được, phát huy được tiềm năng khi được đặt trong sự liên kết, thống nhất với các sản phẩm du lịch khác chứ không thể phát triển đơn phương, độc lập được.

P.V: Theo ông, muốn khai thác và phát huy được sản phẩm du lịch làng nghề như mong muốn đòi hỏi phải có những điều kiện gì?

Ông Trần Văn Tiến: Mỗi một làng nghề đều mang trong mình những giá trị văn hóa riêng. Người ta đến với làng nghề là muốn tìm hiểu sản phẩm ấy đã ra đời và tồn tại trong lịch sử như thế nào, mang bản sắc văn hóa ra sao,  cả việc ứng xử của con người bản địa với nghề nữa. Từ việc sản xuất, lao động, những tập tục văn hóa ra đời, gắn với đời sống cư dân vùng đó… du khách đều muốn khám phá.

Nắm bắt nhu cầu ấy, những người làm công tác du lịch phải nhạy bén, biết khai thác những thế mạnh của sản phẩm để đáp ứng nhu cầu du lịch. Hạ tầng làng nghề phục vụ du lịch phải cơ bản đáp ứng nhu cầu du lịch, phải có tổ chức không gian để hướng dẫn khách du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho chính những người làm nghề thấy được nghề mà họ đang làm, đang gìn giữ và phát triển không chỉ phục vụ nhu cầu sản xuất đơn thuần mà còn có cả du lịch, văn hóa du lịch nữa.

P.V: Ở Hà Nam đến thời điểm này, những làng nghề nào thực sự có khả năng phát triển du lịch, trở thành một sản phẩm du lịch tiêu biểu, thưa ông?

Ông Trần Văn Tiến: Hiện nay, Hà Nam đang phát triển tốt một sản phẩm du lịch là du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đồng quê. Sự kết hợp các sản phẩm này với sản phẩm du lịch làng nghề rõ ràng nhất là làng nghề dệt lụa Nha Xá, làng nghề trống Đọi Tam, làng nghề thêu ren Thanh Hà… Thí dụ làng dệt lụa Nha Xá sẽ gắn với du lịch đền Lảnh Giang, làng dệt Đại Hoàng gắn với du lịch văn hóa Nam Cao…

Tuy nhiên, các làng nghề dệt hiện nay đang chuyển đổi sản xuất mạnh, đưa công nghệ hiện đại vào, không còn giữ được nguyên vẹn những phương cách làm nghề thủ công truyền thống - thứ để thu hút du khách. Chỉ còn lại làng trống Đọi Tam, gắn với khu du lịch tâm linh chùa Long Đọi Sơn là có thể đáp ứng nhu cầu khách tham quan.

P.V: Từ trước đến giờ, ở Hà Nam đã có nhà đầu tư nào chú ý đến hoạt động này chưa, thưa ông?

Ông Trần Văn Tiến: Thực tế là chưa có nhà đầu tư nào chú ý đến việc đầu tư cho sản phẩm du lịch làng nghề. Bởi vì, đầu tư phát triển du lịch làng nghề nào đó cần nhiều yếu tố. Như tôi nói ở trên, ngoài yếu tố hạ tầng như đường giao thông trong làng nghề đó, phải tổ chức được không gian du lịch, phải có những con người biết làm du lịch, hiểu về du lịch.

Ở làng nghề thêu ren An Hòa, chủ trương của tỉnh xây dựng nơi đây trở thành một điểm du lịch làng nghề từ nhiều năm trước, nhưng đến giờ vẫn còn vướng mắc nhiều thứ nên chưa thực hiện được. Tôi nghĩ, cái cơ bản nhất vẫn là vấn đề con người, đội ngũ làm du lịch. Thí dụ bây giờ vào làng An Hòa thăm làng nghề, du khách phải có chỗ đỗ xe, có khu vệ sinh bảo đảm yêu cầu, được thăm quan những khu nhà truyền thống, giới thiệu sản phẩm; thăm các công đoạn sản xuất; thậm chí được trải nghiệm và hòa nhập cùng các nghệ nhân làm nghề để du khách thực sự có sản phẩm của chính mình làm kỷ niệm.

Hoạt động này cũng đã góp phần kéo chân du khách ở lại đây lâu hơn. Họ có thời gian tìm hiểu thêm về đời sống tâm linh, tập tục văn hóa của người bản địa thông qua các di tích văn hóa lịch sử… Cái đích cuối cùng của du lịch làng nghề là tạo cho du khách một cảm nhận, một cái nhìn về sinh hoạt của làng nghề, văn hóa làng nghề, cách ứng xử của con người với các sản phẩm thủ công truyền thống tồn tại và gắn bó với đời sống của nhân dân nông thôn bao đời nay.

Kết hợp với việc tổ chức không gian ấy, những người làm du lịch làng nghề cũng phải chú trọng xây dựng các dịch vụ khác như vận tải, ăn uống, nghỉ dưỡng, vui chơi, chợ quê…

P.V: Nói như vậy nghĩa là du lịch làng nghề ở Hà Nam còn gặp rất nhiều khó khăn để phát triển. Theo ông, chính quyền cơ sở, các tổ chức xã hội, các làng nghề có vai trò như thế nào trong việc này?

Ông Trần Văn Tiến: Trước hết, chính quyền cơ sở phải phối hợp với các ngành thực hiện bảo tồn, phát huy làng nghề truyền thống, xây dựng các sản phẩm làng nghề mang tính độc đáo. Bản thân họ phải nhận thức phát triển du lịch làng nghề là phát triển kinh tế bền vững, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, cải thiện mức sống. Chính quyền cơ sở muốn làng nghề phát triển trở thành một sản phẩm du lịch phải kêu gọi đầu tư, vận động các thành phần kinh tế tham gia theo phương châm xã hội hóa sản phẩm du lịch; bình chọn các doanh nghiệp ưu tú, nổi trội thực hiện đầu tư.

Cùng với đó, ban hành hay đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, tạo hành lang pháp lý cho nhà đầu tư, hỗ trợ họ về các khâu dịch vụ phục vụ du lịch như làm đường, quảng bá giới thiệu sản phẩm du lịch, xây dựng môi trường sạch đẹp... Quan trọng nhất vẫn là xây dựng đội ngũ làm công tác du lịch bằng cách đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ. Ví dụ như ở Kim Bảng vừa rồi, bà con ở những xã thuộc Khu du lịch Tam Chúc - Ba Sao chuẩn bị cho hoạt động du lịch họ đã được đi học các lớp nấu ăn, chèo thuyền… Những hoạt động giúp họ hòa nhập với nghề mới.

Chính quyền cơ sở khi xác định làng nghề là một sản phẩm du lịch, có thể gắn kết với các sản phẩm du lịch khác để phát triển bền vững, cần tuyên truyền, thay đổi nhận thức của nhân dân, tạo sự quan tâm của họ đến phát triển du lịch và coi đây là việc chuyển dịch ngành nghề tích cực của lao động địa phương.

P.V: Xin cảm ơn ông!

Giang Nam (Thực hiện)

Chu Uyên, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy