Khai thác hiệu quả mô hình tủ sách pháp luật

Triển khai thực hiện từ năm 2006, đến nay mô hình tủ sách pháp luật (TSPL) được xây dựng, duy trì ở 100% xã, thị trấn và nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh. Không thể phủ nhận hiệu quả tích cực của TSPL đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL). Tuy nhiên, để TSPL thực sự phát huy hơn nữa lợi ích thiết thực, công tác quản lý, khai thác cần được quan tâm, chú trọng đúng m

Đánh giá về hiệu quả tích cực mà TSPL mang lại, cán bộ đại diện Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp cho biết: TSPL là mô hình thiết thực giúp cung cấp những tài liệu, văn bản pháp luật chính thống, chính xác đến người dân. TSPL giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân tiếp cận được các chính sách, quy định của pháp luật một cách dễ dàng, tiết kiệm, hệ thống; giúp người đọc nắm bắt các quy định mới, quy định đã bị thay thế, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung. Mô hình TSPL truyền thống là kênh thông tin pháp luật quan trọng đối với người dân ở cơ sở, nhất là những nơi còn nhiều khó khăn về điều kiện hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, người dân ít có điều kiện tiếp cận thông tin về pháp luật.

Cán bộ, nhân dân thôn Lác Nội, xã Thanh Hương (Thanh Liêm) tra cứu thông tin pháp luật tại tủ sách nhà văn hóa thôn.

Bên cạnh những yếu tố tích cực trên đây, thực tế quá trình xây dựng, quản lý, khai thác TSPL vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Tại một số cơ sở, đơn vị, việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL chưa đem lại hiệu quả thiết thực, đôi khi còn mang tính hình thức do nhận thức chưa đúng về vai trò, ý nghĩa của TSPL. Cá biệt, tại một số cơ sở TSPL trong suốt thời gian dài không được cán bộ, nhân dân khai thác, bụi phủ dày, mạng nhện chăng, mất chìa khóa…

Bên cạnh đó, nhân lực phụ trách TSPL hiện nay chủ yếu là cán bộ tư pháp hộ tịch cấp xã, cán bộ văn phòng các cơ quan, cùng lúc kiêm nhiệm nhiều việc, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý, khai thác TSPL. Mặt khác, số lượng văn bản quy phạm pháp luật quá nhiều, thường xuyên có sự thay đổi nên việc cập nhật, bổ sung kịp thời văn bản mới cho TSPL gặp nhiều khó khăn. Số lượng đầu sách hiện nay tại các TSPL chưa phong phú, chưa đáp ứng nhu cầu của số đông người đọc. Bên cạnh đó, tình trạng khó khăn, eo hẹp về kinh phí cũng ảnh hưởng lớn đến việc cập nhật, bổ sung đầu sách và các văn bản, tài liệu mới cho TSPL.

Để việc quản lý, khai thác TSPL thực sự phát huy hiệu quả cần có sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ của cán bộ các cấp, ngành chức năng mà trước hết là cần thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý về vai trò, sự cần thiết phải duy trì mô hình này. Cùng với đó, đa dạng hóa hình thức lưu trữ, quản lý, khai thác theo hướng phù hợp với xu thế phát triển.

Thực tế cho thấy, điều kiện hiện tại vẫn cần thiết phải duy trì TSPL, ngăn sách pháp luật truyền thống, đặc biệt là tại các đơn vị còn khó khăn, hoặc một số ngành, đơn vị đặc thù (công an, quân đội, trường học…). Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong khai thác TSPL cũng cần được triển khai thông qua nhiều hình thức như: giới thiệu những quy định pháp luật mới trên cổng thông tin điện tử các địa phương, đơn vị. Đặc biệt, mô hình xây dựng TSPL điện tử của Sở Tư pháp là một hướng mở rất cần tham khảo, ứng dụng, nhân rộng.

Xét ở một khía cạnh khác, việc đặt TSPL tại các thiết chế văn hóa, thông tin của cơ sở còn có nhiều yếu tố thuận lợi. Trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 có quy định văn hóa phẩm sử dụng trong các thiết chế văn hóa gồm có sách pháp luật; nguồn sách, kinh phí thực hiện theo Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. Như vậy, việc đặt TSPL tại thiết chế văn hóa, thông tin của cơ sở không chỉ tạo thuận lợi cho người dân khi thường xuyên lui tới tra cứu, tìm hiểu mà còn giải quyết được phần nào vấn đề kinh phí trong việc phát triển nguồn sách và bố trí cán bộ quản lý.

Bên cạnh đó, việc luân chuyển sách pháp luật về tới người dân ở thôn, tổ phố cũng là một phương pháp nhằm mở rộng phạm vi tiếp cận, từ đó nâng cao hiệu quả của mô hình TSPL. Tại huyện Thanh Liêm, các xã Thanh Bình, Thanh Hương nhiều năm nay đã thực hiện thường xuyên việc luân chuyển sách pháp luật tới từng tủ sách thôn xóm. Mỗi tủ sách đặt tại nhà văn hóa thôn đều có ngăn sách pháp luật riêng biệt, cung cấp nhiều đầu sách phục vụ nhu cầu tra cứu của nhân dân. Cán bộ tư pháp, hộ tịch xã Thanh Hương còn tham mưu, thực hiện luân chuyển các đầu báo pháp luật 1 lần/tháng. Cách làm sáng tạo này xuất phát từ việc nắm bắt nhu cầu thực tế của người dân rất quan tâm đến những tình huống pháp luật cụ thể, nóng hổi, thời sự, qua đó dễ tiếp nhận những thông tin pháp luật thiết thực, góp phần thu hút được nhiều lượt người dân tới đọc sách, báo, tạo thói quen chủ động tìm hiểu pháp luật.

Việc quản lý, khai thác thuộc về cơ quan chức năng, các cấp lãnh đạo cơ sở nhưng việc làm thế nào để thu hút người dân chủ động tìm hiểu pháp luật lại là vấn đề cần được quan tâm đúng mức. Thực tế, cán bộ cơ quan, đơn vị thường xuyên tìm hiểu, tra cứu pháp luật theo nhu cầu công việc, nhưng người dân phần lớn chỉ có nhu cầu tìm hiểu pháp luật khi gặp vấn đề liên quan đến pháp luật, dẫn đến tình trạng tìm hiểu không có hệ thống, chiều sâu. Việc tìm hiểu trên mạng dễ dẫn đến những văn bản không chính thống, đã hết hiệu lực.

Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiểu không đúng, không rõ, không hệ thống những quy định pháp luật, từ đó có những phản ứng tiêu cực với cách thực thi của cơ quan chức năng. Từ thực tế trên, việc thu hút người dân chủ động tìm hiểu thông tin pháp luật tại những địa điểm tin cậy như TSPL là điều rất quan trọng và cần thiết.

Thực tế này cũng đòi hỏi cơ quan quản lý cần có cách thức tuyên truyền, định hướng người dân phù hợp. Việc lựa chọn các đầu sách để bổ sung cho TSPL cũng cần lưu tâm. Bên cạnh những văn bản luật cơ bản, cần ưu tiên bổ sung những đầu sách tập trung vào hỏi đáp pháp luật, bình luận các trường hợp vướng mắc cụ thể, thiết thực, dễ tiếp cận, tiếp nhận.

Nguyễn Khánh

Khánh Chi

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy