Quá ít những điểm vui chơi miễn phí cho trẻ em

Những năm qua, công tác xã hội hóa trong tạo khu, điểm vui chơi cho trẻ em khá phát triển. Nhưng ngược với sự phát triển của các điểm vui chơi dịch vụ, những chỗ chơi miễn phí cho trẻ lại quá ít và đang dần bị thu hẹp. Điều này dẫn đến một thực tế: dù chỗ vui chơi nhiều hơn nhưng trẻ vẫn thiếu chỗ chơi thường xuyên, trong khi vui chơi là nhu cầu hằng ngày của trẻ.

Có ít điểm vui chơi miễn phí cho trẻ

Ở góc Công viên Nguyễn Khuyến phía đường Trường Chinh, thành phố Phủ Lý có một điểm vui chơi miễn phí do một nhóm tình nguyện nước ngoài tặng trẻ em Phủ Lý từ năm 2007. Điểm vui chơi miễn phí này có một số thiết bị: cầu trượt đa năng, bảng trèo mạo hiểm, đu quay tròn, xích đu, con lăn,…nằm sát với một khu vui chơi phải trả phí. Đây là điểm đến yêu thích của nhiều trẻ em mỗi sáng sớm hay chiều mát, đặc biệt là trong những ngày hè. Thậm chí nhiều người cho rằng khu vui chơi trả phí bên cạnh đông hơn là nhờ có điểm vui chơi miễn phí bên cạnh.

Trẻ em chơi ở điểm vui chơi miễn phí trong Công viên Nguyễn Khuyến, TP. Phủ Lý.

Được biết, nhóm tình nguyện đã bỏ tiền túi, tự làm, rồi mang sang tận đây tự tay lắp đặt. Ngoài chất lượng tốt, ai nhìn các thiết bị trong khu vui chơi này cũng phải thán phục bởi sự sáng tạo, tinh thần "vì trẻ em" hiển hiện trong từng chi tiết của sản phẩm. Các thiết bị phục vụ vui chơi được thiết kế cho mọi lứa tuổi của trẻ em, từ mầm non đến thiếu niên, đáp ứng mọi nhu cầu - từ nhẹ nhàng cho đến khám phá, mạo hiểm. Chơi với các thiết bị này trẻ không chán, lại rèn luyện sức khỏe, khả năng khéo léo, dẻo dai. 11 năm qua kể từ khi được lắp đặt, không biết bao nhiêu trẻ em đã say sưa vui chơi với những thiết bị chứa đựng tấm lòng của những người bạn phương xa này.

Ngoài địa điểm trên ra, ở thành phố Phủ Lý chỉ có một điểm vui chơi miễn phí nữa trong sân Nhà Thiếu nhi tỉnh. Dù số lượng ít, nghèo nàn về kiểu dáng, công năng, lại đã quá cũ kỹ nhưng các thiết bị vui chơi ở đây cũng gần như luôn được các cô bé cậu bé khai thác tối đa, nhất là trong những buổi sớm, chiều và ngày hè.

Còn ở các huyện chỉ có một số đơn vị có một vài thiết bị đơn giản phục vụ việc vui chơi miễn phí cho trẻ em đặt ở trung tâm huyện. Ở các xã, thôn, xóm gần không có một chiếc xích đu, xà đơn, đu quay,…nào đặt ở nơi công cộng. Cũng không có khu vui chơi nào dành riêng cho trẻ em. Có chăng chỉ là vài thiết bị vui chơi đơn giản đặt ở sân trường mầm non với hàng rào bao quanh, trẻ bên ngoài không vào chơi được và kể cả trẻ học trong trường nhưng ngoài giờ học cũng không thể vào chơi.

Trẻ em gần như gia đình nào cũng có, khu dân cư nào cũng đông. Thế nhưng lại chưa có điểm vui chơi miễn phí cho các em ở các vùng nông thôn. Trong khi, nếu chính quyền cơ sở quan tâm và quyết tâm đầu tư cùng với sự đóng góp của nhân dân vẫn có thể làm được.

Chúng ta đã dành những gì cho trẻ em?

Có một khẩu hiệu "Hãy dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em" đã trở thành quen thuộc với người lớn và ai cũng thấy là nó đúng. Điều kiện kinh tế tốt hơn, đúng là trẻ đã được chăm sóc về dinh dưỡng, y tế tốt hơn, trường học khang trang hơn. Nhưng vui chơi là một nhu cầu không thể thiếu của trẻ. Trong khi đó, thực tế việc tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi còn rất hạn chế.

Sự phát triển của các điểm vui chơi dịch vụ là tốt, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện chi tiền để con được chơi. Và nhiều gia đình khác cũng chỉ thi thoảng mới có thể cho con đến các điểm vui chơi này, vì thời gian và vì cả kinh phí. Ví dụ như tại điểm vui chơi thu phí ở Công viên Nguyễn Khuyến với mức vé từ 5 - 20 nghìn đồng/lượt chơi, cho con đi chơi mỗi lần cũng mất ngót trăm nghìn/cháu. Sân bóng đá cỏ nhân tạo với mức phí thu từ 200-250 nghìn đồng/giờ, tính ra dăm chục nghìn/người/buổi, lại phải tập hợp được một đội mới "gánh" được phí thuê.

Mặt khác, để bảo đảm việc kinh doanh, các điểm vui chơi thu phí này đều đặt ở các khu trung tâm, chỉ gần với trẻ em thành thị. Với trẻ em nông thôn, liệu có mấy gia đình vừa bỏ tiền, bỏ thời gian, công sức chở con lên thị trấn, thành phố chơi? Gia đình nào quan tâm đến con lắm chắc một năm cũng chỉ được 1-2 lần. Trong khi đó, vui chơi là nhu cầu hằng ngày của trẻ. Nếu có khu vui chơi miễn phí gần nhà, trẻ có thể ra đó chơi bất cứ lúc nào. 

Không những không có các điểm với thiết bị phục vụ vui chơi miễn phí, ngay cả mặt bằng, không gian chơi của trẻ cũng rất thiếu. Thời bao cấp, kinh tế còn khó nhưng ở không ít cơ sở, người dân đã tự làm các cầu trượt bằng bê tông cho trẻ em chơi. Ngoài ra, trẻ em có thể chơi ở bất kỳ đâu trong khu dân cư, từ đường làng, ngõ xóm, sân nhà, ven đường, mặt ruộng,… Nhưng những chỗ chơi như thế này nay đã bị thu hẹp và nếu có thì đầy rẫy nguy cơ. Tốc độ đô thị hóa mạnh, "tấc đất tấc vàng", mấy gia đình, kể cả ở nông thôn còn để sân rộng có chỗ cho trẻ chơi? Những con ngõ yên bình xưa kia giờ luôn có nhiều xe qua lại. Nhưng vì nhu cầu, nhiều khi trẻ vẫn không đừng được mà chơi ở những chỗ này. Đi ở các con đường gần khu dân cư không khó để gặp hình ảnh trẻ chơi bóng, cầu lông,…ở hè phố, lòng đường...

Hiện ở mỗi thôn xóm, tổ dân phố đều có nhà văn hóa nhưng thường sân nhỏ hoặc không có sân. Và nếu có sân thì cũng thường bị người lớn "chiếm chỗ". Sân bóng đá nhiều xã có nhưng thường chất lượng mặt sân hạn chế, chỉ các cháu tầm tuổi thiếu niên mới tự chơi được và cũng không mấy khi "tranh" được sân với các anh thanh niên.  

Với mỗi trẻ em, có rất nhiều thứ kỳ diệu, nhiều lợi ích mang lại từ một khu vui chơi miễn phí ở trong khu dân cư. Các em có thể chơi bất cứ lúc nào, để phát triển thể chất, để vui vẻ, lớn lên khỏe mạnh. Có những điểm vui chơi như thế này kéo các em vào những hoạt động lành mạnh. Nhưng không có các điểm vui chơi, các em ở trong nhà chìm vào thế giới ảo với internet, máy tính, tivi, điện thoại, hoặc tụ tập quán sá đâu đó, vừa không tốt cho sức khỏe, sự phát triển thể chất, vừa đầy rẫy nguy cơ bị lôi kéo vào con đường xấu.

Hà Nam đang trong quá trình đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Một trong các tiêu chí là phải có khu thể thao của thôn xóm, xã. Dù còn nhiều khó khăn trong thực hiện, như có quy hoạch được vị trí nhưng lại là ruộng trũng và chưa có kinh phí san lấp; có mặt bằng nhưng chất lượng chưa bảo đảm. Tuy nhiên, đây cũng là một lối mở, để ít nhất là có mặt bằng sân chơi cho mọi người nói chung và trẻ em nói riêng. Còn việc tiếp theo là xây dựng các điểm, khu vui chơi miễn phí dành riêng cho trẻ em ở trong mỗi khu dân cư có thể sẽ thành hiện thực sau này, khi đã có mặt bằng.

Đỗ Hồng

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy