Những phụ nữ không có ngày 8/3

Hình ảnh chị Đỗ Thị Hoa, ở phường Châu Sơn (TP.Phủ Lý) với chiếc xe cải tiến cũ kỹ cùng những bó mía ngày ngày len lỏi khắp các phố phường ở TP.Phủ Lý gần 10 năm nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Bất kể nắng, mưa, sáng sớm hay chiều muộn, người phụ nữ cần mẫn đi khắp các ngõ ngách đon đả mời chào, rồi tay thoăn thoắt róc, tiện mía bán cho khách.

Chị Đỗ Thị Hoa thường ngày vẫn mưu sinh từ việc bán mía trên đường.

Hình ảnh chị Đỗ Thị Hoa, ở phường Châu Sơn (TP.Phủ Lý) với chiếc xe cải tiến cũ kỹ cùng những bó mía ngày ngày len lỏi khắp các phố phường ở TP.Phủ Lý gần 10 năm nay đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Bất kể nắng, mưa, sáng sớm hay chiều muộn, người phụ nữ cần mẫn đi khắp các ngõ ngách đon đả mời chào, rồi tay thoăn thoắt róc, tiện mía bán cho khách.

Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Hoa chia sẻ, sau khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ sản xuất công nghiệp, không còn ruộng để canh tác, chồng chị đi làm bảo vệ cho một doanh nghiệp gần nhà. Còn chị ngày ngày đẩy xe mía đi bán để lấy tiền trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Vất vả là thế, nhưng bù lại thu nhập cũng được 100-120 nghìn đồng/ngày. Nếu không ốm đau, mỗi tháng chị thu khoảng trên 3 triệu đồng cùng với tiền lương bảo vệ của chồng cũng đủ lo cuộc sống gia đình cùng 2 con ăn học. 

Khi được hỏi về ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, chị Hoa ngậm ngùi: Tôi biết ngày 8/3, nhưng đối với tôi ngày này vẫn như ngày thường. Tôi thấy trong ngày này thường chỉ chị em đi làm trong các cơ quan Nhà nước hay các gia đình có điều kiện khá giả mới được quan tâm tặng quà, chúc mừng, còn đối với những người lao động chân tay như chúng tôi ngày này hầu như không có.

Cũng giống như chị Hoa, chị Nguyễn Thị Lương, quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình) ngày ngày đi khắp nơi bán hàng rong với đủ các thứ như: ví da, băng đĩa nhạc, bấm móng tay, tất,... Trên chiếc xe đạp cà tàng, mỗi ngày chị đi hàng chục cây số. 

Chị Nguyễn Thị Lương thường ngày vẫn mưu sinh từ việc bán rong trên đường.

Chia sẻ cùng chúng tôi, chị Lương cho biết: Làm nghề này cực lắm. Mưa nắng gì cũng phải lao thân ra đường, đi hết đường lớn đến ngõ hẻm. Là đồ bán dạo nên rất rẻ và thu nhập cũng không được đáng kể. Khi nói về ngày 8/3, chị Lương cười: Ăn còn chả đủ chứ hoa, quà gì 8/3 hả nhà báo? Với tôi, những ngày này làm sao bán được hàng, kiếm lấy trăm nghìn về phụ giúp gia đình chăm lo cho con cái học hành là vui lắm rồi.

Ở những vùng nông thôn càng có nhiều phụ nữ không bao giờ biết đến ngày 8/3. Chị Đào Thị Quynh, xã Văn Xá (Kim Bảng) có thâm niên hàng chục năm trong nghề buôn bán đồng nát. Chiếc xe cà tàng, cái nón rách vành, chiếc áo mưa mỏng cùng đôi sọt sắt là những vật dụng theo chị hằng ngày trên những nẻo đường mưu sinh. Từ khi lấy chồng, cuộc sống gia đình vất vả, rồi các con nhỏ khiến chị không có chút thời gian dành cho chính mình. Tuy cực nhọc, nhưng bù lại mỗi ngày chị cũng có thêm khoản thu nhập trên dưới 100 nghìn đồng để lo cho con ăn học cũng như trang trải cuộc sống gia đình. 

Chị Đào Thị Quynh thường ngày vẫn đi mua đồng nát khắp vùng.

Nói về ngày 8/3, chị Quynh chia sẻ: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Phụ nữ thì ai cũng muốn làm đẹp, muốn những lời động viên và được nhận quà từ người chồng nhưng điều đó phụ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Với tôi, điều mong muốn nhất là chỉ cần chồng quan tâm, cảm thông và chia sẻ trước công việc nhọc nhằn hằng ngày vợ làm.

Ở nhiều nơi, với nhiều gia đình, ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được mặc định là ngày những người mẹ, người vợ, người em gái được quyền ưu tiên tặng hoa, tặng quà cùng những lời chúc tốt đẹp. Tuy nhiên, không phải người phụ nữ nào cũng được tặng quà, chúc mừng trong ngày này bởi cuộc sống còn quá nhiều những lo toan vất vả. Với những phụ nữ lao động chân tay, một bó hoa hay món quà trong ngày này là điều chưa từng nghĩ đến. Điều tự hào, trân trọng nhất là đằng sau những vất vả, nhọc nhằn của những người mẹ là những đứa con có cơm ăn, áo mặc và được cắp sách đến trường, gia đình no ấm, hạnh phúc.

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy