Những công nhân U50

Ngoài 50 tuổi, thậm chí còn cao hơn nữa mới trở thành công nhân khu công nghiệp (KCN), các bà, các chị có phần vui lắm! Vui vì ở cái tuổi này rồi mà lại có được việc làm mới, với mức thu nhập khá ổn định tại KCN. Họ nói vui với nhau rằng, dù ở tuổi nào đi chăng nữa, khi đã bước vào KCN làm việc thì đều là công nhân.

Có thể nói về những công nhân U50 mới bắt đầu đi làm ở KCN Đồng Văn như vậy. Cũng ăn vận trang phục bảo hộ, trông họ như những công nhân thực thụ.

Ngoài 50 tuổi, chân tay vốn quen với việc đồng áng, nay đi vào doanh nghiệp hoặc theo các tổ nhóm lao động làm việc đúng giờ, theo ca, nhưng các chị thấy vui lắm. Vui vì được chứng kiến ruộng đất quê mình xưa làm ra hạt gạo thì nay lại làm ra "hạt vàng". Nhà xưởng, cơ sở sản xuất mọc lên san sát, con em được tạo việc làm có thu nhập đến cả nửa chục triệu đồng một tháng.

Những công nhân U50 mới bước vào nhà máy, dù làm thời vụ hay nấu bếp, quét dọn cũng có thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/tháng. Tiền đấy đong gạo, chi tiêu trong gia đình, giờ mới thấm câu tuyên truyền khi dành đất xây dựng nhà máy sẽ được tạo việc làm, nâng cao đời sống.

Dọc tuyến đường gom vào KCN đã chiều muộn mà vẫn có tới vài nhóm công nhân U50 đang làm việc. Nhóm của bà T. (xã Duy Hải, Duy Tiên) có 4 người vừa mới chuyển từ KCN Đồng Văn IV sang đây làm việc được ít hôm. Bà T. cho biết: Quét dọn vệ sinh sạch sẽ đường sá là công việc cuối cùng trong ngày mà nhóm chúng tôi ký hợp đồng với công ty. Công việc chính của nhóm là quét dọn đường sá, vệ sinh, dọn dẹp công trường xây dựng. Không chọn việc, công ty cần việc gì thì làm việc ấy.

Những công nhân U50 quét dọn đường trong KCN Đồng Văn (Duy Tiên).

Đều ở cái tuổi ngoài 50 nhưng các chị còn nhanh nhẹn lắm. Mỗi công làm 200.000 đồng, tiếng là làm thời vụ nhưng việc lại khá đều khiến nhóm lao động của bà T. luôn cố gắng. Bà T. nói: Lao động ở quê có thể ngày công cao hơn nhưng thất thường nên chúng tôi rủ nhau ra đây làm. Công việc thì nhiều chị em làm khi nào mệt hoặc có công việc nhà mới nghỉ, nhưng cũng phải nghỉ luân phiên, không được nghỉ cùng lúc hết cả nhóm.

Cách nơi làm việc của nhóm bà T. không xa, bà U. (xã Bạch Thượng, Duy Tiên) năm nay đã 54 tuổi đang nhặt sạch đám cỏ trên vỉa hè. Bà U. được nhận làm công việc này mới hơn 1 năm nay. Trước đó bà đã đi làm bảo vệ tại Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi. Khi con cái trưởng thành lập gia đình, sinh cháu bà xin nghỉ việc tại Công ty Sumi để về trông cháu. May mắn thay bà lại tìm được công việc mới gần nhà, vừa làm việc kiếm thêm tiền phụ giúp chi tiêu cho gia đình, lại vừa có thời gian trông cháu. Bà U. cho biết: Lương tháng được 2,9 triệu đồng. Dù thấp nhưng được cái vẫn có thời gian về trông cháu.

Trước đây nhà bà U. có 1,2 mẫu ruộng. Năm 2004, có 40% diện tích ruộng được thu hồi xây dựng KCN Đồng Văn. Đến năm 2014, toàn bộ diện tích còn lại được thu hồi xây dựng KCN mở rộng. Khi Nhà nước lấy ruộng làm KCN, bà U. cũng giống như nhiều người dân trong xã lo lắm, chỉ sợ rằng không có ruộng thì không biết làm gì để sống. Nhưng suy nghĩ ấy đã nhanh chóng được giải tỏa. Bà U. nói: Sau đó tôi đi làm bảo vệ tại Công ty TNHH hệ thống dây dẫn Sumi. Con trai, con gái và con dâu sau này đều được vào làm trong KCN. Thu nhập trang trải cho cuộc sống cũng ổn.

- Trong làng, trong xã có nhiều người như bà đi làm việc tại KCN không? Tôi hỏi bà U.

Bà U. trả lời: Cũng nhiều đấy. Trước đây thì lo không có việc làm. Giờ thì chỉ sợ không có đủ sức khoẻ để làm việc thôi!

Bây giờ bà U. cũng như nhiều bà, nhiều chị khác của xã Bạch Thượng không còn làm công việc đồng áng mà lại đi làm công nhân ở KCN Đồng Văn ở cái tuổi xế chiều. Bà U. cười và nói tiếp: 50 tuổi rồi tôi mới đi làm công nhân. Tôi được giao phụ trách vệ sinh cỏ dại trên quãng đường dài bằng 30 cái cột đèn.

Mang câu chuyện này trao đổi với ông Bùi Đức Long, Chủ tịch UBND xã Bạch Thượng, ông nói: Đúng như vậy đấy. Các bà, các chị, người nọ giới thiệu cho người kia đi làm ở KCN. Người 50 hay 55 thậm chí là 60 tuổi cũng đi làm, chỉ trừ những cô, những bà phải trông cháu thì mới chịu ở nhà.

Nữ giới làm công việc dọn dẹp vệ sinh đường sá, khuôn viên nhà máy, cắt tỉa cây xanh, cấp dưỡng; còn nam giới một số đi làm bảo vệ. "Bà nhà tôi 54 tuổi mới được làm công nhân. Lương tháng cũng được vài ba triệu đồng" - ông Thắng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bạch Thượng nói với tôi.

Đến các làng quê ven KCN bây giờ đường ngõ vắng teo, chỉ nhà nào có trẻ nhỏ thì có ông bà trông cháu, còn không các bà, các chị tuổi trung niên vẫn tranh thủ đi làm công nhân trong KCN. Người đi trước giới thiệu cho người làm sau. Có rất nhiều nhóm làm việc như nhóm của bà T. tại KCN Đồng Văn. Khi được hỏi rằng công việc làm có gì vất vả, nhiều bà, nhiều chị cho rằng: Vất vả cũng có nhưng cũng là lúc này, lúc khác. Tuổi này rồi không được kén chọn việc, mà có việc làm là vui lắm rồi. Gia đình còn nhiều việc phải lo, con cái đang tuổi học hành nên có thêm đồng nào quý đồng ấy.                                           

Thanh Bình

Tiến Đoàn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy