Giữ chuẩn tiêu chí lao động có việc làm

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tính đến nay, tất cả các xã xây dựng nông thôn mới (NTM) ở tỉnh ta đều có trên 90% tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm, nghĩa là đã hoàn thành tiêu chí số 12 - lao động có việc làm. Mặc dù đã hoàn thành tiêu chí, song nhiều xã vẫn băn khoăn, trăn trở trong việc giữ và nâng chuẩn tiêu chí số 12.

Ông Phạm Văn Hoành, Chủ tịch UBND xã Liêm Chung (thành phố Phủ Lý) cho biết: Liêm Chung đã đạt tiêu chí 12 ở mức khá. Hiện nay, tỷ lệ người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia lao động ở Liêm Chung đạt 92%, cao hơn yêu cầu đạt chuẩn tối thiểu 2%. Nhờ đó, Liêm Chung đã hoàn thành tiêu chí thu nhập, nhưng lại chưa có cơ sở để bảo đảm chắc chắn giữ vững được tiêu chí số 12.

Nguy cơ lao động thất nghiệp vẫn còn cao, vì trình độ lao động thấp, không đồng đều; ngành nghề nông thôn kém phát triển. Nông nghiệp là lĩnh vực không đòi hỏi khắt khe tay nghề của người lao động, nay nhiều nông dân không muốn gắn bó với đồng ruộng vì thu nhập thấp. Nếu tình trạng này gia tăng, phụ nữ từ độ tuổi trung niên trở đi chính là đối tượng dễ bị thất nghiệp, không có việc làm.

Nông dân xã Nhân Bình (Lý Nhân)  thu hoạch dưa bao tử xuất khẩu. Ảnh: Thế Tân

Trên thực tế, không chỉ ở Liêm Chung, nhiều xã khác trong tỉnh cũng đang phải đối mặt với tình trạng lao động nông thôn không có việc làm ổn định. Ở nhiều nơi, nông dân bỏ ruộng, không cày cấy, không tăng gia sản xuất, trong khi, ngành nghề kém phát triển.

Chưa có con số thống kê chính xác về tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên sau khi chuyển dịch cơ cấu lao động ở các xã, nhưng có một thực tế, lao động nông thôn đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ sang các ngành nghề phi nông nghiệp và người trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn so với lao động tuổi trung niên. Chính quyền cơ sở cho rằng, giải quyết việc làm cho lao động tuổi trung niên vẫn luôn là vấn đề khó khăn. 

Bà Phạm Thị Thắm, xã Hoàng Tây (Kim Bảng) thường ở trong tình cảnh quá nhàn rỗi. Đây là điều bà Thắm hoàn toàn không mong muốn. Do đã ở tuổi trung niên nên không có công ty nào muốn tuyển dụng bà Thắm. "Ở nông thôn mà không có việc làm thì túng bấn lắm! Đồng ruộng chỉ cung cấp đủ lương thực, trong khi đó, hàng ngày còn nhiều khoản phải chi tiêu. Tôi chỉ mong có cơ hội kiếm việc làm, tăng thu nhập" - bà Thắm chia sẻ.

Trong những năm qua, chính quyền xã Hoàng Tây (Kim Bảng) luôn trăn trở với bài toán lao động và việc làm. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, Hoàng Tây đã nỗ lực để hoàn thành tiêu chí số 12. UBND xã Hoàng Tây tiếp tục giao nhiệm vụ cho các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác phối hợp với các công ty giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động nhằm tạo cơ hội cho lao động của xã tìm kiếm việc làm.

Nhờ đó, đến cuối năm 2017, số lao động có việc làm ở Hoàng Tây đã tăng lên. Toàn xã có khoảng 3.000 lao động có việc làm thường xuyên, nhưng tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 58,9%, trong số này, phần nhiều là đào tạo ngắn hạn. Trao đổi với chúng tôi, người dân xã Hoàng Tây bày tỏ, không có trình độ hoặc tay nghề kém là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không có việc làm thường xuyên. Ngay cả những nghề mang tính phổ thông như: thợ xây, dịch vụ vận chuyển… cũng kén người và lao động trung niên càng khó tìm việc.  

Huyện Kim Bảng có 16 xã tham gia chương trình xây dựng NTM. Hoàng Tây được cho là xã nằm trong nhóm các xã có tỷ lệ lao động qua đào tạo ở mức khá. Vì, tính bình quân chung, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Kim Bảng cũng chỉ đạt bình quân ở mức 59%, cao hơn so với mức bình quân chung ở thành phố Phủ Lý (45%).

Thách thức đối với vấn đề lao động - việc làm không chỉ là hoàn thành tiêu chí số 12, mà chính là nâng cao năng suất, chất lượng lao động sau khi đạt chuẩn. Trao đổi với chúng tôi, nhiều lãnh đạo xã khẳng định, trình độ, tay nghề của người lao động ở mức thấp là thực tế không thể phủ nhận. Phần nhiều lao động qua đào tạo được đào tạo ngắn hạn, sơ cấp, số ít có trình độ trung cấp. Những lao động có tay nghề cao không ở lại nông thôn mà sống và làm việc ở các thành phố lớn. Làng quê đang thiếu lao động trẻ, lao động có tay nghề cao.

Nông nghiệp thiếu lao động trình độ cao nên không tạo được sự chuyển biến lớn về năng suất, chất lượng sản phẩm, ngành nghề ở nông thôn kém phát triển. Đến các làng nghề truyền thống cũng bị "chảy máu chất xám". Đó chính là lý do khiến cho nhiều xã lo ngại về tính thực chất trong việc việc nâng cao chất lượng tiêu chí số 12.

Lao động và việc làm có ảnh hưởng rất lớn đối với chất lượng, hiệu quả của chương trình xây dựng NTM, tác động trực tiếp đến nâng cao chất lượng đời sống cho người dân nông thôn. Chính vì vậy, các xã đều mong muốn thực hiện tốt chủ trương chuyển dịch cơ cấu lao động đi đôi với giảm lao động dôi dư ở một số ngành nghề và giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Nguyễn Trung Tuấn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Thọ (Bình Lục) cho rằng: Cần phải coi trọng hơn nữa công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Đây không chỉ là vấn đề hoàn thành tiêu chí trong xây dựng NTM mà còn là giải pháp để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển và bảo đảm an sinh xã hội.

Hiện UBND tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực. Đây là điều kiện thuận lợi để các xã tranh thủ cơ chế của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và thực hiện tiêu chí số 12 trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, giải pháp quan trọng, hiệu quả vẫn là sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền xã đối với vấn đề này, nhằm tìm giải pháp tốt, phù hợp nhất đối với điều kiện thực tế ở mỗi cơ sở.

Bích Huệ

Bích Huệ, Thế Trang

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy