Thay đổi của môn Ngữ văn trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) tổng thể được xây dựng với nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đó là sự thay đổi từ cơ cấu môn học, số môn học, số tiết từng môn cho tới nội dung các môn học. Trong đó, những thay đổi về nội dung giảng dạy của môn Ngữ văn trong các trường phổ thông đã và đang nhận được khá nhiều ý kiến.

Theo phân bố chương trình môn Ngữ văn trong dự thảo chương trình GDPT mới, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (chương trình cho cấp tiểu học và cấp THCS), căn cứ yêu cầu giáo dục của từng cấp học, khối lớp, học sinh sẽ bắt buộc phải học môn Tiếng Việt (thời lượng từ 245-420 tiết/năm học đối với học sinh cấp tiểu học) và môn Ngữ văn bắt buộc (với thời lượng từ 140 tiết/năm học đối với học sinh cấp THCS).

Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (đối với học sinh cấp THPT), với mục tiêu giúp cho học sinh nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động học tập, thực tiễn đời sống cũng như tiếp cận gần hơn với một số nội dung liên quan tới định hướng nghề nghiệp, đáp ứng sở thích và nhu cầu học tập của các em, tuy thời lượng nội dung môn Ngữ văn vẫn được cơ cấu với 105-140 tiết/năm học nhưng được nâng cao hơn về cả nội dung và hướng tới sự phân hóa.

So với chương trình GDPT hiện hành, đây là sự thay đổi khá mạnh mẽ về nội dung, yêu cầu học tập và giảng dạy môn Ngữ văn trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở các nhà trường THPT.

Theo dự thảo chương trình GDPT mới, học sinh sẽ được học môn Ngữ văn có nội dung mở và vẫn bảo đảm sự định hướng về tư tưởng, giáo dục trong nhà trường.

Trong giai đoạn này, các tác phẩm văn học có giá trị, có vị trí đặc biệt như: Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc hay Tuyên ngôn độc lập, Truyện Kiều vẫn được định hướng bắt buộc đưa vào giảng dạy nhưng lại không quy định cụ thể, thống nhất các văn bản (hay còn được gọi là các ngữ liệu) được dạy ở từng lớp như trước đây.

Các tác phẩm bắt buộc dạy trong chương trình được tính chỉ chiếm từ 2-3% trong toàn bộ chương trình Ngữ văn chung. Đồng thời, sự thay đổi về nội dung chương trình cũng được xem xét để mở ra cho người dạy sự linh hoạt và những hướng lựa chọn, tiếp cận thích hợp các tác phẩm văn học khi đưa ra quan điểm để cho giáo viên dạy môn Ngữ văn có thể không cần dựa vào bất cứ cuốn sách giáo khoa nào mà có thể tùy chọn bất cứ tác phẩm nào để dạy học.

Với nhận định của nhiều người, điều đó đồng nghĩa với việc tạo cho cả người dạy và người học được tiếp cận với các tiết học môn Ngữ văn có nội dung mở. Song, cũng đặt ra một số vấn đề, ví dụ như: gây khó khăn trong công tác quản lý quá trình giảng dạy của các nhà trường, làm thế nào để thống nhất được chương trình giảng dạy của các giáo viên và kiểm soát được các ngữ liệu được giáo viên đưa vào dạy học ở từng khối lớp?...

Một giáo viên dạy Ngữ văn có thâm niên chia sẻ: Với giáo dục, mọi sự thay đổi đều có mục đích cuối cùng là mang tới cho cả người dạy và người học những điều mới mẻ, những giá trị phù hợp với đòi hỏi của thực tế. Cá nhân tôi khẳng định, sau nhiều năm thực hiện chương trình giáo dục cũ, việc xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông mang tính tổng thể và có nhiều thay đổi về nội dung, chương trình là hoàn toàn cần thiết. Song, đối với một số thay đổi về nội dung môn Ngữ văn hiện mới đang là dự thảo và trong quá trình lấy ý kiến nhưng theo tôi cần cân nhắc một số nội dung. Trong đó, quan trọng nhất là việc nên hay không nên để người dạy tự lựa chọn các ngữ liệu đưa vào giảng dạy.

Tất nhiên, nếu cho người dạy quyền được lựa chọn ngữ liệu sẽ giúp gia tăng sự linh hoạt, sáng tạo và hạn chế sự nhàm chán trong quá trình giảng dạy, tạo cảm hứng cho cả người dạy và người học nhưng cũng phải tính toán đến việc mỗi giáo viên có cách lựa chọn tác phẩm phục vụ giảng dạy riêng thì học sinh sẽ xử lý thế nào khi trong các đề thi chung không đề cập tới các tác phẩm văn học đã được học trên lớp? Hay, các nhà trường có thể giám sát được toàn diện quá trình lên lớp của giáo viên cũng như việc lựa chọn ngữ liệu của giáo viên có chuẩn chỉ với mục tiêu vừa giáo dục, vừa định hướng tư tưởng hay không? Sự lựa chọn ngữ liệu sai, không phù hợp với yêu cầu giáo dục trong nhà trường sẽ mang tới những hậu quả khó lường…

Được biết, bên cạnh việc lấy ý kiến rộng rãi của xã hội đóng góp vào dự thảo nội dung chương trình GDPT mới, trong một số cuộc hội thảo được Ban chủ biên Chương trình GDPT tổ chức để lấy ý kiến các nhà chuyên môn, các nhà giáo, nhà văn, đã có không ít đề xuất, kiến nghị được đưa ra nhằm xây dựng một chương trình môn học hoàn chỉnh về cả nội dung và tính hiệu quả. Trong đó, riêng với việc cơ cấu tác phẩm bắt buộc với tác phẩm tự chọn, có ý kiến cho rằng cần điều chỉnh tỉ lệ tác phẩm tự chọn (phải là các tác phẩm được chương trình giới thiệu và những người viết sách hay người tổ chức giảng dạy cũng chỉ được lựa chọn trong số các tác phẩm đã được giới thiệu), nên hạn chế trong khoảng từ 20-25% chứ không nên mở rộng quá. Nếu giữ nguyên tỉ lệ 2-3% các tác phẩm bắt buộc trong toàn bộ chương trình thì không bảo đảm được yêu cầu định tính và định lượng cần thiết…

Trên cơ sở lĩnh hội và tiếp thu các ý kiến đóng góp từ nhiều phía, nội dung chương trình GDPT tổng thể nói chung và môn học Ngữ văn nói riêng tiếp tục được nghiên cứu xây dựng để đưa vào triển khai thực hiện theo đúng lộ trình.

Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy