Ôn thi THPT quốc gia 2018: Khối kiến thức KHTN có độ phân hóa cao

Theo phương án thi THPT quốc gia năm 2018, các môn thi và bài thi được giữ nguyên như Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Theo đó, thí sinh học chương trình giáo dục THPT dự thi sẽ phải làm 4 bài thi với các môn thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (môn thi độc lập, bắt buộc) và tự chọn 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học Xã hội (với các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) hoặc tổ hợp Khoa học Tự nhiên (với các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học). 

Lịch thi chính thức được thống nhất bắt đầu từ ngày 25-27/6/2018. Đến thời điểm này, công tác tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12 dự Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 được các nhà trường tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm giúp học sinh củng cố được khối lượng kiến thức và ổn định tâm lý trước khi bước vào kỳ thi.

 Giờ ôn tập môn Ngữ văn của các em học sinh lớp 12A2, Trường THPT B Phủ Lý. Ảnh: Thế Trang

Do lượng kiến thức được yêu cầu không bó gọn trong chương trình lớp 12 như mọi năm mà được trải rộng xuống cả chương trình lớp 11 nên quá trình ôn tập các nhà trường đã có kế hoạch tương đối chi tiết, chỉ đạo các giáo viên chủ động lập kế hoạch dạy ôn; đồng thời, thực hiện kiểm tra, đánh giá, phân loại học sinh để có phương pháp dạy ôn phù hợp nhất. 

Hiện tại, tuy chưa có số liệu tổng hợp chính xác về số lượng, tỉ lệ học sinh đăng ký các bài thi tổ hợp, nhưng qua tìm hiểu thực tế, do nhu cầu tuyển sinh của nhiều trường cao đẳng, đại học có nhiều mã ngành liên quan đến các khối thi tự nhiên nên tỉ lệ học sinh đăng ký dự thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN) có xu hướng tăng cao hơn so với Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.

Riêng với việc dạy ôn tập tổ hợp KHTN, bên cạnh việc dành thời gian nhất định cho học sinh ôn lại toàn bộ kiến thức lớp 11, hệ thống lại kiến thức lớp 12, các trường THPT trên địa bàn còn chỉ đạo các giáo viên xây dựng các câu hỏi theo từng phân môn phục vụ ngân hàng đề của nhà trường và xác lập các mẫu đề thi thử theo đúng hình thức, nội dung của đề thi tham khảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó. 

Với phân môn Vật lý, thầy giáo Trần Đức Anh (Trường THPT Lê Hoàn, huyện Thanh Liêm) cho biết: Căn cứ theo đúng sự phân bố tỉ lệ câu hỏi của đề thi tham khảo, việc lập các đề thi thử được chúng tôi xác định phải đi từ mức độ dễ đến khó, bám sát định hướng đánh giá năng lực người học. 

Về cơ bản, các kỳ thi THPT quốc gia sẽ ngày càng tiệm cận tới gần với mục tiêu phân hóa, phân loại thí sinh để nâng cao chất lượng thực chất đầu vào cho các trường cao đẳng, đại học. Vì vậy, khối lượng kiến thức học ôn và thi của các em học sinh cũng có nhiều đòi hỏi cao hơn, khó hơn… 

Theo đề thi tham khảo, phân môn Hóa học cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá có nội dung thi bám sát khung kiến thức, có tỉ lệ câu hỏi mang tính phân hóa cao. 

Với các giáo viên dạy ôn tập thi THPT quốc gia năm 2018, đây là yếu tố quan trọng không chỉ giúp giáo viên định hình sớm được nội dung, phương pháp dạy ôn bảo đảm đúng định hướng, sát yêu cầu mà còn giúp cho học sinh chủ động hơn trong việc tự học. 

Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền (giáo viên Trường THPT B Phủ Lý) khẳng định: Đề thi tham khảo môn Hóa học có cấu trúc hợp lý, cân đối giữa các phần kiến thức và kỹ năng. Trong đó, về nội dung các câu hỏi, bên cạnh bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng học gì thi đó còn có tính phân hóa khá rõ ràng. Với tỉ lệ 60% câu hỏi thuộc khối lượng kiến thức cơ bản và 40% câu hỏi rơi vào dạng bài tập tính toán và phân hóa. 

Hiện tại, việc học ôn của học sinh vẫn đang diễn ra tích cực, công tác dạy ôn được hướng theo các chủ đề tổng hợp, có lồng ghép kiến thức giữa lớp 11 và 12 như: dạng bài tập toán hóa cơ bản, dạng câu hỏi lý thuyết tổng hợp, số đếm, kỹ năng vận dụng kiến thức hóa học để giải quyết tình huống… và một số phương pháp, kỹ thuật giải bài quan trọng (bài dạng quy đổi, kỹ năng biện luận, đồng đẳng hóa…).

Cũng như hai phân môn Vật lý và Hóa học, nằm trong tổ hợp KHTN, phân môn Sinh học có lượng kiến thức ôn tập khá rộng, đan xen kiến thức lớp 11 và lớp 12, tỉ lệ câu hỏi phân hóa trong đề thi tham khảo tương đối cao. 

Theo nhiều giáo viên, căn cứ vào tỉ lệ phân bố câu hỏi như trong đề thi tham khảo, lượng kiến thức cung cấp cho học sinh sẽ được chia thành các dạng: kiến thức ở mức độ nhận biết, kiến thức ở mức độ thông hiểu, kiến thức vận dụng và kiến thức vận dụng cao. Trong cơ cấu câu hỏi đề thi tham khảo, tỉ lệ các câu hỏi theo dạng kiến thức là 30% câu hỏi dạng nhận biết, 27,5% câu hỏi dạng thông hiểu, 30% câu hỏi dạng vận dụng, còn lại là câu hỏi vận dụng cao. 

Như vậy, để có thể đạt được điểm tốt, ngay từ lúc này, các em học sinh đã phải có được cho mình khung kiến thức vững, kỹ năng làm bài tốt và chủ động về thời gian.

Trần Thanh Hà

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy