Tôn vinh những sáng tạo của các nhà thơ qua giao lưu thơ Xuân

Hà Nam đang đón chào một mùa Xuân mới trong niềm hân hoan của đất trời và lòng người. Mùa Xuân gợi nhiều cảm xúc thi ca, những vần thơ, ý thơ… vì thế cũng được dịp ngẫu hứng nảy nở nhiều hơn trong tâm hồn người nghệ sĩ.

Từ năm 1997, khi tỉnh Hà Nam vừa được tái lập, phong trào xây dựng đời sống văn hóa khắp nơi trong tỉnh trở nên sôi nổi. Ở các thôn xã, phường phố, cùng với bổ sung, hoàn thiện hương ước, quy ước, bắt tay xây dựng gia đình, thôn làng, khu dân cư văn hóa, các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, thơ ca cũng được dịp nở rộ. Nhận rõ vai trò quan trọng của các CLB thơ trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, Sở Văn hóa - Thông tin (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã quan tâm theo dõi, kịp thời động viên và tạo điều kiện hỗ trợ phát triển loại hình sinh hoạt văn hóa lành mạnh, bổ ích này. Sau gần 1 năm các CLB thơ sinh hoạt, Tết Canh Dần năm 1998, lãnh đạo Sở đã giao Trung tâm Văn hóa tỉnh (nay là Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh) xây dựng kịch bản, dàn dựng chương trình giao lưu thơ xuân đầu tiên. Chương trình giao lưu thơ xuân năm đó có 45 hội viên sinh hoạt ở 3 CLB thơ trong tỉnh tham gia. Qua hơn 20 năm, đến thời điểm này, số CLB thơ tham gia chương trình giao lưu thơ xuân đến từ 6/6 huyện, thị, thành phố, số lượng lên tới hàng trăm người, trong đó tiêu biểu là: CLB thơ Việt Nam tỉnh Hà Nam (có chi nhánh tại 6/6 huyện, thị, thành phố), CLB thơ văn Sông Châu (thành phố Phủ Lý), CLB thơ văn Núi Ngọc (huyện Kim Bảng), CLB thơ Facebook Sông Nhuệ, CLB thơ huyện Bình Lục...

Biểu diễn giới thiệu tác phẩm của hội viên các CLB thơ.

Để duy trì giao lưu thơ xuân định kì vào ngày mùng bốn Tết hằng năm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cử cán bộ chuyên môn theo dõi sinh hoạt thường kì của các CLB thơ. Đồng thời, vào thời điểm trước Tết Nguyên đán khoảng 2 tháng thông báo cụ thể về chủ đề, nội dung giao lưu tới ban chủ nhiệm các CLB thơ trong toàn tỉnh. Thơ của hội viên gửi tham dự chương trình giao lưu thơ xuân, ban chủ nhiệm các CLB có trách nhiệm lựa chọn những bài tiêu biểu, đúng chủ đề, gửi về Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh để ban biên tập tuyển chọn, xây dựng kịch bản. Nội dung các chương trình giao lưu thơ xuân hằng năm luôn bám sát những định hướng lớn của Đảng, Nhà nước về văn hóa, văn nghệ; luôn đậm đà tình yêu, niềm tự hào, tinh thần lạc quan trước khung cảnh quê hương đổi mới. Đó là những cái nhìn chân thành, lắng đọng, nồng nàn của người Hà Nam viết về mùa xuân trên vùng đất quê hương sông Châu - núi Đọi.

Tại chương trình giao lưu thơ xuân, ngoài đọc, ngâm những sáng tác mới của hội viên các CLB thơ trong tỉnh còn có phần trình bày những thi phẩm nổi tiếng của các nhà thơ lớn, mang đậm bản sắc dân tộc… Điều đó khẳng định truyền thống thơ ca, sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện tại, đồng thời thể hiện mạch nguồn dào dạt của thơ ca Hà Nam trong dòng chảy chung của thơ ca dân tộc. Cùng với đó, góp phần cổ vũ lực lượng sáng tác, thúc đẩy và tiếp thêm nguồn sinh khí mới cho phong trào thơ tỉnh Hà Nam không ngừng phát triển sâu rộng, mạnh mẽ. Việc tổ chức các chương trình giao lưu thơ xuân cũng là giải pháp khơi nguồn cảm hứng, sáng tạo, động viên các CLB tăng cường sinh hoạt thơ, để mỗi sáng tác khẳng định chất lượng, giá trị và được công chúng, bạn đọc, giới chuyên môn ghi nhận, đánh giá cao, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của hội viên và người yêu thơ.  

Chủ đề, nội dung giao lưu thơ xuân luôn được thay đổi hằng năm để phù hợp với những ngày kỉ niệm, ngày lễ lớn của quê hương, của dân tộc và đất nước, phù hợp với nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng thời điểm cụ thể và tạo được ấn tượng sâu sắc, như: “Hà Nam trên đường xuân” (năm 1999); “Thơ xuân, thơ chúc Tết của Bác Hồ” (năm 2000); “Lễ hội trên quê hương Hà Nam” (năm 2014); “Thơ viết về Tổ quốc” (năm 2015); “Trẩy hội mùa xuân” (năm 2020); “Tình thơ dâng Đảng” (năm 2022); “Điệu chèo vang vọng ngày Xuân” (năm 2023)…

Giao lưu thơ xuân ngày càng được tổ chức chu đáo và nhiều đổi mới. Sau mỗi năm gặp lại, các tác giả dường như trưởng thành hơn với nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh thực tế cuộc sống hơn.

Nhà thơ Lại Ngọc Ngà, Chủ nhiệm CLB thơ Facebook Sông Nhuệ.

Chương trình giao lưu thơ xuân cũng là điểm hẹn để các nhà thơ trong tỉnh tay bắt mặt mừng, chia sẻ, trao gửi những lời chúc mừng, thăm hỏi, những tác phẩm cùng những tâm giao…, tạo nên không khí thật đầm ấm, thân tình. Nhà thơ Lại Ngọc Ngà - Chủ nhiệm CLB thơ Facebook Sông Nhuệ cho biết: “Giao lưu thơ xuân ngày càng được tổ chức chu đáo và nhiều đổi mới. Sau mỗi năm gặp lại, các tác giả dường như trưởng thành hơn với nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh thực tế cuộc sống hơn”. Còn nhà thơ Nguyễn Ngọc Thao, Chủ nhiệm CLB Thơ văn Sông Châu, thành phố Phủ Lý thì bộc bạch rằng ông và các hội viên trong CLB rất hân hoan, phấn khởi khi được thưởng thức những ý thơ tâm đắc, được gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, đắm mình trong không gian thi ca. Từ đó, ông thấy mình có động lực, trách nhiệm hơn trong hoạt động sáng tác cũng như trong cuộc sống.

Hội viên các CLB thơ đến với chương trình giao lưu thơ xuân phần đông là người cao tuổi, vốn sống phong phú, luôn hướng đến mục đích “sống vui, sống khỏe, sống có ích” cho quê hương, đất nước, sống mẫu mực làm gương cho con cháu noi theo. Những nhà thơ không chỉ là người làm thơ, mà còn là những “cây” bình luận, phân tích thơ, những giọng đọc, giọng ngâm, tay đàn, cây sáo… rất ngẫu hứng, tài hoa. Họ đọc, ngâm, bình, giới thiệu thơ của mình hoặc thơ của người khác, góp thêm nhiều giọng điệu, phong cách và cá tính sáng tạo, làm cho buổi sinh hoạt trở nên phong phú, đa dạng. Giao lưu thơ xuân thực sự là dịp tri ân, giúp hội viên xích lại gần nhau, kết nối trong sinh hoạt, giao lưu giữa các CLB. Có những người hơn 20 năm nay không chỉ tham gia mà còn có nhiều đóng góp tích cực tại các buổi giao lưu, như các nhà thơ: Phạm Minh Tường, Nguyễn Xuân Công, Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Thao…

Với vai trò chịu trách nhiệm tổ chức chương trình giao lưu thơ xuân nhiều năm nay, ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đánh giá: Giao lưu thơ xuân đã trở thành nét đẹp truyền thống, là nơi tôn vinh thơ, quy tụ những nhà thơ và người yêu thơ trong tỉnh. Các nhà thơ chuyên và không chuyên tỉnh nhà đã đóng góp không nhỏ vào việc giữ gìn, phát huy vốn văn hóa dân tộc, phát triển nền văn thơ cũng như sự nghiệp phát triển văn hóa, kinh tế chính trị của tỉnh. Giao lưu thơ xuân góp phần khẳng định giá trị tinh thần cao quý của thơ ca, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân. Hoạt động này không chỉ dừng ở việc chọn ra những bài thơ chất lượng để ngâm cho hay, bình cho sâu sắc, hoặc là dịp để người làm thơ học hỏi kinh nghiệm… mà cái chính là tạo động lực thúc đẩy cảm hứng sáng tạo, để có thêm nhiều sáng tác mới ca ngợi quê hương, đất nước, động viên con người hướng đến những giá trị chân - thiện - mỹ, đem lại sự lành mạnh, tươi vui, ý nghĩa thiết thực, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Hoàng Oanh, Trung tâm VHNT tỉnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy