Nâng tầm giá trị Căn cứ địa Lạt Sơn

Quần thể di tích và danh thắng thờ Nữ tướng Lê Chân hay còn gọi theo địa danh lịch sử là Căn cứ địa Lạt Sơn, nơi ghi dấu ấn lịch sử về hoạt động của Chưởng quản binh quyền Lê Chân, đồng thời cũng là nơi Nữ tướng hy sinh. Khi cuộc chiến chống quân xâm lược Đông Hán rơi vào thế nguy cấp, Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng sông Hồng đã chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn để làm căn cứ phòng thủ chặn quân thù Đông Hán. Nơi đây có vị trí hiểm yếu, lưng tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước, tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7 km từ Bắc xuống Nam. Các tên thung, núi đồi và ký ức dân gian, mặc dù đã trải qua gần 2.000 năm vẫn giúp đời sau hình dung được những nét cơ bản về căn cứ và những trận đánh cuối cùng của bà Lê Chân. Mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa và khảo cổ học, vùng Căn cứ địa Lạt Sơn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia loại hình lưu niệm sự kiện.

Quần thể di tích và danh thắng thờ Nữ tướng Lê Chân được phân bố trong không gian rộng, gồm nhiều công trình, địa điểm như: đền Lê Chân, chùa Thánh Chân, Giát Dâu, đồi Ông Tượng, đồi Voi Phục, núi Bụt… Đền thờ Nữ tướng được dựng trên núi Ông Tượng. Theo truyền thuyết địa phương, một hôm trong khi dân làng đang tổ chức tế lễ, chiếc nón thờ trong đền tự nhiên bay vút lên không trung rồi xà xuống khu đất dưới chân núi Ông Tượng. Dân làng cho đó là điềm báo của Nữ tướng nên đã cho dựng đền tại nơi chiếc nón đậu. Tương truyền, vị trí dựng đền chính là điểm đầu của  căn cứ Lạt Sơn, nơi ở chính của Nữ tướng Lê Chân. Ngôi đền uy nghi nằm ở vị trí đầu làng và cũng là cửa rừng Lạt Sơn, vì vậy đền thờ bà còn có tên gọi khác là đền Cửa Rừng. Người dân Lạt Sơn xưa từng lấy củi, làm nương rẫy đi qua đền đều rất thành kính, nghiêm trang.

Nâng tầm giá trị Căn cứ địa Lạt Sơn
Đội trống hội đền Lê Chân Lạt Sơn trong ngày lễ hội. Ảnh: Bình Nguyên

Căn cứ vào các nguồn tư liệu Hán văn được khắc trực tiếp lên ba tấm bia ma nhai trên vách đá ở thung Bể (Lạt Sơn) nơi đây còn có chùa Thánh Chân. Chùa vốn được một Thiền sư tên là Đinh Hạc, quê ở phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam xây dựng. Chùa Thánh Chân tọa lạc tại vị trí của Tiên Động Thánh Chân, nơi chỉ huy của nữ tướng khi còn sống. Trải qua năm tháng, chùa xưa giờ chỉ còn nền móng. Sau này trên nền xưa dân làng dựng lại ngôi chùa nhỏ thờ bà.

Địa điểm ghi dấu ấn nhất của Căn cứ địa Lạt Sơn là núi Đồng Dâu, sau này được đổi tên gọi là núi Giát Dâu nơi Nữ tướng Lê Chân tuẫn tiết. Khu vực núi Giát Dâu có diện tích khoảng 2 ha, dãy núi này trải dài theo hình cách cung, có nhiều ngọn, trong đó núi Giát Dâu là ngọn núi cao nhất  Sau khi bà tuẫn tiết dân làng đã đặt ban thờ nữ tướng trên sườn núi Giát Dâu. Do nằm sâu trong rừng và tiếp giáp với Hoà Bình nên cảnh quan nơi đây còn rất hoang sơ, cây cối xanh tươi quanh năm. Các ngọn núi nơi đây rất cao, mọc dựng đứng như những bức tường thành bao bọc toàn bộ thung Bể. Thảm thực vật ở đây rất phong phú, đa dạng, có nhiều cây thuốc quý. Theo người dân địa phương khu vực này là nơi sinh sống nhiều động vật như tê tê, sóc, cầy, trăn, rắn…

Ngoài những đền chùa liên quan đến Nữ tướng Lê Chân, tại vùng đất cổ này các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều cổ vật quý, là dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn như: Trống đồng, mộ cổ, cuốc, rìu đồng, dao gặt lúa, lưỡi cày chìa vôi, giáo, chậu đồng, bát gỗ, khuyên tai bằng đá. Điều đó chứng minh rằng cư dân Việt cổ ở Thanh Sơn đã sinh sống từ lâu và đời sống có các bước phát triển. Mộ Lạt Sơn là loại mộ thuyền, quan tài bằng gỗ có niên đại khoảng cuối thế kỷ III đầu thế kỷ II (TCN). Nơi đây còn có ba tấm bia ma nhai được khắc trực tiếp lên một khối đá tự nhiên nặng khoảng vài tấn nổi lên trên mặt đất. Ba bia cùng nằm trên một mặt phẳng, có kích thước khác nhau, cùng hướng vào vách đá. Nội dung cả ba tấm bia đều là ghi lại sự hảo tâm công đức xây dựng chùa của các dòng họ, của thiện nam tín nữ trên đất Hà Nam và khách thập phương. Tại khu vực rừng núi Lạt Sơn – nơi Nữ tướng Lê Chân lập căn cứ chống giặc, các nhà khảo cổ còn khai quật được ba chiếc trống đồng có tên gọi là Trống Lê Chân, Bút Sơn I và Bút Sơn II. Ba Trống đồng trên được đánh giá có niên đại thời văn hóa Đông Sơn cách ngày nay trên 2000 năm. Hiện ba chiếc trống đồng đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hà Nam.

Nâng tầm giá trị Căn cứ địa Lạt Sơn
Tái hiện hình tượng Nữ tướng Lê Chân tại lễ hội đền Lê Chân năm 2023. Ảnh: Bình Chu

Cùng với những cổ vật độc đáo, cảnh quan vùng rừng núi Lạt Sơn nơi thờ Nữ tướng Lê Chân còn có không gian rộng, đẹp so với các khu vực lân cận. Đan xen các dãy núi, đồi là thung lũng xanh mướt cỏ cây. Hòa vào vẻ đẹp của cảnh quan là thảm rừng bao phủ các vách đá, mang lại không gian mát mẻ, hoang sơ. Đặc biệt, cảnh quan, không gian nơi thờ Nữ tướng Lê Chân lại tiếp giáp với vùng đệm của khu bảo tồn Voọc mông trắng của Khu du lịch quốc gia Tam Chúc nên rất có tiềm năng để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá và thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, nghiên cứu lịch sử. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã định hướng huyện Kim Bảng với hạt nhân là điểm du lịch Khu Du lịch quốc gia Tam Chúc, quần thể di tích và danh thắng Bát Cảnh Sơn, chùa Bà Đanh - Núi Ngọc, đền Trúc Ngũ Động Sơn, quần thể di tích và danh thắng thờ Nữ tướng Lê Chân là những điểm nhấn phát triển thành điểm du lịch văn hoá tâm linh quan trọng của tỉnh.

Hiện nay, đền thờ Nữ tướng Lê Chân và các địa điểm trên luôn được bảo vệ, giữ gìn, phát huy tốt các giá trị. Ban quản lý di tích địa phương đã làm tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu giá trị của địa điểm lịch sử, di tích thờ Nữ tướng, đồng thời vận động nhân dân và bà con xa quê hương xã hội hoá tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể di tích và xây dựng kế hoạch sưu tầm, khôi phục các hoạt động văn hóa dân gian, truyền thống... Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương dưới sự hướng dẫn của cơ quan chuyên môn còn phối hợp với các địa phương nơi thờ Nữ tướng Lê Chân như Quảng Ninh, Hải Phòng tổ chức hội thảo, phát huy giá trị lễ hội tại các nơi thờ bà. Những việc làm cụ thể, thiết thực trên của chính quyền, nhân dân địa phương đã góp phần phát huy tốt các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể di tích đền thờ Nữ tướng Lê Chân theo như định hướng phát triển du lịch của địa phương và của tỉnh.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy