Độc đáo đình Thọ Chương

Đã thành lệ bao đời, sau các ngày Tết Nguyên đán, nhân dân làng Thọ Chương, bà con đi làm nơi xa, du khách trong vùng lại nô nức kéo về khu vực đình làng vui dự lễ hội. Không khí tưng bừng của ngày xuân như thăng hoa lòng người, làm sống dậy những giá trị lịch sử, văn hóa của ngôi đình, khơi nguồn nhớ ơn vị thành hoàng, tái hiện kho vốn văn hóa nghệ thuật dân gian độc đáo và đặc sắc.

Đến dự lễ hội, đầu tiên du khách được chiêm ngưỡng một công trình kiến trúc to đẹp. Đình Thọ Chương (xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân) xưa kia là đình thôn Hạ, xã Vũ Xá, tổng Ngu Nhuế, huyện Nam Xang, tọa lạc trên khu đất rộng rãi thoáng đãng. Ngôi đình gồm hai tòa, kiến trúc kiểu chữ đinh quay hướng Đông Nam, hồ nước trước mặt, đường đi bao xung quanh.

Tòa tiền đường 5 gian rộng, mái lợp ngói nam đồ sộ cong đều về bốn góc, hài hòa với các đại bờ, bờ dải, kìm nóc, đầu đao làm nổi vẻ cổ kính của ngôi đình. Kết cấu bộ khung gồm các vì liên kết với nhau bởi hệ thống xà dọc, chất liệu toàn bằng gỗ lim bền chắc. Mỗi vì gồm 4 hàng cột (4 hàng chân). Cột cái, cột quân đặt trên chân tảng hình vuông nổi mặt gương tròn, thân cột dáng búp đòng tạo vẻ thanh thoát, giảm sự thô cứng. Kiến trúc bộ vì theo phong cách cổ truyền: chồng rường giá chiêng kẻ, bẩy. Để tạo được bốn góc đao, nghệ nhân xưa đã làm các kẻ góc, thường gọi là xà cổ ngỗng, dài tới 8m.

Đình Thọ Chương, xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân (ảnh lớn); Cỗ kiệu Song Loan lưu giữ tại đình (ảnh nhỏ). Ảnh tư liệu

Hoa văn trang trí với các mô típ tứ linh, tứ quý được chạm khắc trên con rường, các xà, đầu dư, kẻ, bẩy… tập trung ở tòa tiền đường. Một số mảng chạm đặc sắc, hút mắt người xem. Mảng chạm trên xà gian phía đông thể hiện hình con rồng đang bay, đan xen là hoa lá cách điệu và những con ly dưới thân rồng. Cạnh mảng này là cảnh mẫu long giáo tử, hoa sen cách điệu, vân ám, lá hỏa bao quanh mặt nguyệt, chính giữa mặt nguyệt là chữ thọ khá đẹp. Vì phía Bắc có mảng chạm cảnh long chầu, cùng rồng mẹ, rồng con. Trên xà, chạm đôi rồng nhỏ chầu mặt nguyệt, xen cảnh ly chầu, ly nô đùa hòa nhập với các mô típ hoa lá. Trên ván bưng chạm lối kênh bong nổi họa tiết rồng võng yên ngựa, rồng bay trên lưng có người tiên cưỡi. Một mảng chạm quần long ở gian phía đông cũng gây được sự chú ý, với hình ảnh các con rồng lớn nhỏ xúm xít bên nhau, cảnh các con ly đùa giỡn trên mình rồng trên nền vân ám lá hỏa cách điệu.

Tọa đệ nhị gồm 3 gian lớn, với 4 hàng cột, kiến trúc hài hòa với tiền đường.

Đình Thọ Chương lưu giữ nhiều đồ thờ tự đẹp, giá trị nghệ thuật cao. Đặc biệt là cỗ kiệu lớn không ở đâu có. Kiệu có tới 16 tay đòn, đòn dài, đòn ngắn xếp chồng lên nhau thành 4 lớp, khác hẳn các loại kiệu bát cống thường thấy. Mười sáu người khiêng đi dọc trong gầm kiệu và nhờ các dây néo giữa các tầng đòn, các trục tay đòn mà khi rước, kiệu bồng bềnh như chiếc thuyền rồng bơi trên sông. Ngoài sự độc đáo về kiểu dáng và kích thước to lớn, cỗ kiệu đình Thọ Chương còn đặc sắc về nghệ thuật trang trí, chạm khắc cầu kỳ, công phu, tỉ mỉ qua các đề tài tứ linh, vân ám, lá hỏa. Các đồ thờ tự khác có giá trị còn phải kể đến đôi quán tẩy, hoành phi, hương án… Trong chính tẩm đặt tượng thành hoàng Vũ Lang Nữu. Tượng cao 1m trên ngai rồng, vẻ mặt vừa có nét nhân từ, vừa cương nghị, đầu tượng đội mũ cánh chuồn, mặc áo vẽ rồng, mang cân đai nên sự oai phong càng tăng. Tượng Vũ Lang Nữu còn giữ được lớp sơn son thếp vàng cổ kính. Lang Nữu được dân làng Thọ Chương tôn làm thành hoàng bảo trợ, các triều đại phong kiến Việt Nam đều có sắc phong.

Các nhà nho đến thăm đình hầu như đều làm câu đối tán dương công đức vị thành hoàng Vũ Lang Nữu, trong đó có đôi câu đối của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, tạm dịch:

Hai lần đánh giặc trong, giặc ngoài đều dẹp yên. Sự nghiệp không mất. Tiếng cũ ngàn xưa, từ làng đến nước ghi nhớ công ơn.

Hằng năm vào ngày 4/6 tháng Giêng âm lịch, nhân dân Thọ Chương và hai thôn Sàng, Lưu tổ chức kỷ niệm ngày ông Vũ Lang Nữu thắng trận trở về quê hương, cũng là ngày Vũ Xá xưa được triều đình công bố lệnh miễn trừ sưu thuế, tạp dịch. Nghi lễ diễn ra trang trọng: các giáp Bến, Đoài, Đông, Hệ, Trúc, Giữa thi làm cỗ cúng thành hoàng. Giáo nào cũng chọn gà to, gà béo làm thịt, gài cánh lên đầu, treo túi tiền vào mỏ mới đặt lên bàn thờ. Còn có lệ thi làm bánh dày, thi lợn béo làm cỗ cũng.

Ngày 20/7 âm lịch là ngày ông Vũ Lang Nữu qua đời, dân làng cũng tổ chức tế lễ, đọc văn tế ôn lại tiểu sử, nhắc nhở mọi người nhớ ơn thành hoàng:

Vũ Xá đan gầu

Đồng Lâu kéo sợi

Hai bên chờ đợi

Mồng tám, mười hai

Lệ định từ xưa: rước kiệu từ Đồng Lâu lên Thọ Chương rồi rước quay trở lại. Cả hai đình đều tổ chức tế lễ, ăn giao hảo. Ngày mùng 8, Đồng Lâu rước lên đến tối mới về. Ngày 12 Thọ Chương rước sang Đồng Lâu chiều lại rước về. Những ngày có đám rước, nhân dân địa phương náo nức tham dự. Nhà nhà đón mời khách thưởng thức chén nước trà ngon, miếng trầu têm khéo.

Các buổi tối trong hội đình Thọ Chương thường tổ chức diễn chèo. Tại đình có bức đại tự ghi 4 chữ: Vũ ấp huyền ca, nhắc nhở dân làng luôn nhớ tới tục lệ ca hát trong lễ hội. Bức cuốn thư ghi nội dung bài ca có niên hiệu Quang Hưng thứ 2 năm Kỷ Mão triều vua Lê Thánh Tông (1579), ca ngợi mảnh đất và con người Thọ Chương, được gánh hát chuyển thành bài thơ, hát trước khi mở màn:

Trời Nam thánh tiếp thánh

Thọ Chương nhiều người tài

Học thi đỗ đệ nhất.

Nghề nông vựa thóc đầy

Thợ được lộc tam phẩm

Thuyền buôn của cải đầy

Tốt thay ngày càng tốt

Giàu có lễ nghĩa hay

Chúc vua mở chiếu ngọc

Việc thần ngày mở mang

Lễ nghĩa thêm tề chỉnh

Tiếng chuông trống âm vang

Ca nữ theo khúc nhạc

Nhạc công giỏi sáo đàn

Trong làng cùng vui vẻ

Khách dự giữ điều nghiêm

Ai cũng đều chúc tụng

Phúc thọ được lâu bền

Hội làng Thọ Chương không chỉ có tế lễ, rước xách, ca hát mà còn có nhiều trò vui: đấu cờ tướng, đấu vật, chơi tổ tôm điếm… Trong đó, thi đấu vật là cuốn hút nhất. Ngoài các đô làng còn có các đô ở Đồng Lư, Đồng Yên, Mạc Thượng, Mạc Hạ, Phúc Châu… về giật giải.

Chuyện kể rằng:

Trước đây ở làng Thọ Chương có người đàn ông rất to khỏe vẫn cắp bò ra đồng rồi thả xuống cho bò ăn cỏ, nên dân gọi là ông xã khỏe. Ông đã nhiều lần vào xới vật, giật giải cao làm vẻ vang cho làng.

Đình Thọ Chương với các giá trị văn hóa lịch sử nghệ thuật đặc sắc và độc đáo. Lễ hội đình góp phần làm sôi động các sinh hoạt văn hóa vào dịp đầu xuân của tỉnh Hà Nam.

Mai Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy