Bảo tồn, nhân rộng giống bưởi đào Đồng Du

Chúng tôi về thăm mô hình câu lạc bộ “Trồng bưởi” của Chi hội Cựu chiến binh (CCB) thôn Nội 2, xã Đồng Du, huyện Bình Lục đúng vào thời điểm người trồng đang thu hoạch lứa bưởi Diễn cuối năm. So với vài năm trước, giá bưởi Diễn giờ thấp hơn, nhưng so với cấy lúa, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích canh tác vẫn cao hơn nhiều.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đặng Trung Hoa, Chủ nhiệm CLB CCB Trồng bưởi thôn Nội 2 vui vẻ cho biết: Nhận thấy trên địa bàn thôn có nhiều hội viên CCB trồng bưởi đào (giống bưởi truyền thống của quê hương Đồng Du) và bưởi Diễn trên diện tích đất vườn, đất chuyển đổi để phát triển kinh tế, năm 2019, Chi hội CCB thôn Nội 2 đã quyết định thành lập mô hình CLB CCB trồng bưởi.

Mục đích chính của CLB là đoàn kết, tập hợp hội viên CCB đang trực tiếp trồng bưởi vào mô hình để cùng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm... Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, từ 36 thành viên ban đầu đến nay mô hình CCB trồng bưởi thôn Nội 2 đã phát triển lên 52 hội viên. Là CLB do Chi hội CCB thành lập nhưng CLB vẫn sẵn sàng mở rộng kết nạp hội viên không phải là CCB có diện tích trồng bưởi, có nhu cầu và nguyện vọng vào CLB để cùng tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình sản xuất nhằm nâng cao thu nhập từ cây bưởi.

Qua tìm hiểu được biết, đến thời điểm này, tổng diện tích trồng bưởi của các thành viên trong CLB CCB trồng bưởi thôn Nội 2 vào khoảng 10ha, trong đó 8ha (thuộc cánh sau xóm Cầu Gỗ, thôn Nội 2) là diện tích chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả. Ông Trần Văn Ưng, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội CCB, Phó Chủ nhiệm CLB CCB trồng bưởi thôn Nội 2 cho biết: Trước kia, toàn bộ diện tích chuyển đổi thuộc vùng chân cao, mặt ruộng lại cao thấp không đồng đều... vì vậy sản xuất lúa gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Năng suất nhiều vụ chỉ đạt từ 40 – 50kg sào. Phát huy phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ dám làm, sau khi được đồng ý chuyển đổi nhiều hội viên CCB trong thôn đi đầu trong việc nhận và triển khai trồng bưởi trên diện tích đất chuyển đổi nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả cây trồng, qua đó nâng cao thu nhập cho gia đình.

Trồng bưởi từ năm 2013, hiện gia đình ông Đào Văn Ấn, CCB thôn Nội 2 đang trồng 5 sào bưởi, trong đó có 2 sào bưởi Diễn, 3 sào bưởi đào. Theo ông Ấn, hiện nay giá bưởi xuống thấp, có thời điểm rất thấp so với những năm trước nhưng so với cấy lúa hiệu quả kinh tế vẫn cao hơn nhiều. Ngoài ra, do lao động ở nông thôn chuyển dịch mạnh sang các ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn, phần lớn lao động trong độ tuổi đi làm cho các công ty doanh nghiệp, trồng bưởi góp phần giải quyết được vấn đề lao động ở nông thôn. Vì trồng bưởi không áp lực bởi lao động thời vụ; đặc biệt không chỉ độ tuổi trung niên, người trên 70, thậm chí trên 80 tuổi vẫn có thể trồng, chăm sóc và có thu nhập từ trồng bưởi. Điển hình như ông Đặng Trung Hoa, Chủ nhiệm CLB hiện đã 86 tuổi nhưng vẫn tự mình chăm sóc 5 sào bưởi (trong đó có khoảng 70 -  80 gốc bưởi đào).

Kém tuổi ông Hoa, nhưng ông Ấn hiện nay cũng đã 72 tuổi. Tuy đã ở độ tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng 5 sào bưởi của gia đình đều do 2 vợ chồng ông chăm sóc. 3 sào bưởi đào của gia đình năm 2023 đã cho thu hoạch từ đầu tháng 7 âm lịch (thu hoạch đến hết rằm tháng 8). Năm nay, tuy giá bưởi thấp hơn những năm trước nhưng gia đình vẫn bán được từ 13-15 nghìn đồng/quả. Kết thúc vụ thu hoạch, 3 sào bưởi đào đem lại cho gia đình nguồn thu 21 triệu đồng. Bưởi diễn của gia đình bắt đầu thu hoạch từ tháng 10 âm lịch đến Tết Nguyên đán.

52 thành viên tham gia mô hình CLB CCB trồng bưởi thôn Nội 2, người trồng nhiều nhất lên tới 1,1 mẫu; người ít cũng trồng khoảng trên 2 sào... Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi cây bưởi đào trồng 10 năm cho khoảng 100 quả/cây, bưởi diễn khoảng 200 quả/cây. Đến mùa thu hoạch, thương lái vào tận vườn để mua theo cây. Có gia đình bán cả vườn cho thương lái... Trong diện tích hơn 10ha, hiện các thành viên trong CLB trồng khoảng gần 50% diện tích bưởi đào, còn lại là bưởi diễn. Từ trồng bưởi, các gia đình có nguồn thu khá ổn định, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo ông Đặng Trung Hoa, ưu điểm của giống bưởi đào Đồng Du là ít sâu bệnh, thu hoạch sớm (từ tháng 7 âm lịch đến hết rằm tháng 8), quả to (nặng từ 1,5-2kg/quả), giá bán cao hơn bưởi diễn, lại dễ bán hơn. Đặc biệt, bưởi đào Đồng Du chất lượng rất ngon: Ruột mầu hồng đậm, tép to giòn, vị đậm đà... Cách chăm sóc bưởi cũng hết sức đơn giản. Sau khi thu hoạch xong, người trồng cần xới đất cho đứt dễ tơ. Cho cây nghỉ một thời gian sau đó tỉa bớt cành, cắt ngọn. Từ khoảng tháng 10 âm lịch trở đi là bón phân (chủ yếu là phân chuồng ủ mục, phân kali...), đánh thuốc diệt côn trùng, phun thuốc kích thích ra hoa, đậu quả...

Về thôn Nội 2, qua trò chuyện được biết, hiện trong CLB trồng bưởi ông Hoa và ông Ấn là những người có kinh nghiệm và kỹ thuật cao trong chăm sóc, chiết, ghép bưởi. Nhận thấy hiệu quả bưởi đào cao hơn, chất lượng cũng ngon hơn, phù hợp với đồng đất địa phương hiện nhiều thành viên trong CLB (có sự hỗ trợ kỹ thuật từ ông Hoa, ông Ấn) đang chủ động ghép cành bưởi đào trên cây bưởi diễn để nhân rộng giống bưởi truyền thống của quê hương, góp phần nâng cao hiệu quả cây trồng. CLB đang phấn đấu, trong thời gian tới, nhân rộng giống bưởi đào truyền thống của quê hương lên 70% diện tích. 

Bảo tồn nhân rộng giống bưởi đào Đồng Du
Ông Trần Văn Ưng, Trưởng thôn, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn Nội 2
Vườn bưởi Diễn của gia đình ông Ấn (đứng giữa) đang vào vụ thu hoạch.

Ảnh: Thanh Châu

Về khó khăn, ông Trần Văn Ưng, Trưởng thôn Nội 2 chia sẻ: Khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Giống như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, giá bưởi hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do nên hết sức bấp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng. Hai ba năm trở lại đây giá bưởi lại giảm dần. Năm 2021 giá bưởi đào là 22 nghìn đồng trở lên/quả, đến năm 2022 giảm còn từ 15-18 nghìn đồng/quả, năm 2023 giảm còn từ 13 – 15 nghìn đồng/quả. Mong muốn lớn nhất của người trồng bưởi là tìm được đầu ra và giá bán ổn định cho sản phẩm, có như vậy người trồng mới yên tâm đầu tư, chăm sóc.

Năm 2021, mô hình CLB CCB trồng bưởi thôn Nội 2 được công nhận là mô hình dân vận khéo cấp tỉnh. Phát huy kết quả đạt được, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, thời gian tới CLB tiếp tục tuyên truyền, vận động cán bộ hội viên tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, hỗ trợ giúp đỡ nhau về kỹ thuật, về đầu ra cho sản phẩm ... cùng nhau bảo tồn, nhân rộng, quảng bá chất lượng giống bưởi đào của quê hương góp phần nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, nâng cao thu nhập cho người dân.

Khó khăn nhất hiện nay vẫn là đầu ra cho sản phẩm. Giống như nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, giá bưởi hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do nên hết sức bếp bênh, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng. Hai ba năm trở lại đây giá bưởi lại giảm dần. Năm 2021 giá bưởi đào là 22 nghìn đồng trở lên/1qủa, đến năm 2022 giảm còn từ 15-18 nghìn đồng/quả, năm 2023 giảm còn từ 13 – 15 nghìn đồng/quả. Mong muốn lớn nhất của người trồng bưởi là tìm được đầu ra và giá bán ổn định cho sản phẩm, có như vậy người trồng mới yên tâm đầu tư, chăm sóc.

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy