An Ninh chú trọng nâng cao thu nhập cho người dân

Những năm gần đây, kinh tế của người dân xã An Ninh (Bình Lục) tăng lên đáng kể. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người tại xã đạt 67,6 triệu đồng, tăng hơn 3 triệu đồng so với năm 2021. Qua đó, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều của xã còn 0,94%, đời sống vật chất của người dân được nâng lên. Theo ông Phạm Trọng Tâm, Chủ tịch UBND xã An Ninh, địa phương luôn quan tâm nâng cao thu nhập và đời sống cho người dân. Nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai giúp thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, xã tập trung khai thác và phát huy thế mạnh đồng đất, lao động, vị trí địa lý của địa phương…

Xác định sản xuất nông nghiệp là hướng đi chính vừa giúp bảo đảm lương thực, vừa tạo bệ đỡ cho phát triển kinh tế chung, vì vậy, An Ninh đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Đối với cây lúa truyền thống, xã đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất. Địa phương xây dựng được vùng sản xuất lúa đạt tiêu chuẩn VietGAP có diện tích 5 ha, từ đó hướng nhân rộng ra các vùng sản xuất khác. Đồng thời, tổ chức vùng sản xuất lúa hàng hóa có diện tích 20 ha liên kết với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ (thị trấn Bình Mỹ).

Cùng với cây lúa, sản xuất vụ đông được duy trì với cây trồng chủ lực là cây bí đỏ được ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp… An Ninh chú trọng phát triển diện tích cây ăn quả trên cả đất vườn và đất màu với tổng diện tích 80 ha, chủ yếu trồng giống bưởi Diễn và một số loại cây ăn quả khác đang được thị trường ưa chuộng. Giá trị sản xuất trên diện tích canh tác của xã ước đạt bình quân hơn 100 triệu đồng/ha/năm.

Phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương được hướng đến nâng cao giá trị chăn nuôi, thủy sản. Với chăn nuôi lợn, tuy giảm đến 90% về số hộ nuôi (giảm chính ở những hộ nuôi nhỏ lẻ), nhưng phát triển theo quy mô tập trung, trang trại. Tổng đàn lợn của xã đạt hơn 13 nghìn con. Đàn gia cầm, thủy cầm được nuôi tập trung có số lượng tổng đàn thường xuyên duy trì lên đến 200 nghìn con. Đồng thời, khai thác hiệu quả gần 40 ha nuôi trồng thủy sản, đưa một số giống thủy sản mới vào sản xuất, như: Cá chép Koi Nhật Bản, cá trắm đen… Tổng giá trị từ chăn nuôi, thủy sản của xã đạt 225 tỷ đồng/năm, đóng góp đáng kể vào thu nhập của người dân. Nhiều hộ dân trong xã đã phát triển kinh tế và làm giàu từ chăn nuôi.

Bà Hà Thị Lục, Giám đốc HTXDVNN An Ninh cho biết: Người dân trong xã vẫn gắn bó và coi sản xuất nông nghiệp là hướng đi chính đem lại thu nhập và phát triển kinh tế hộ. HTX thực hiện tốt các khâu dịch vụ, chuyển giao khoa học – kỹ thuật… nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát triển cây bí đỏ vụ đông liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân tại xã An Ninh. Ảnh: Mạnh Hùng

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, xã An Ninh khuyến khích người dân chuyển dịch lao động nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Cả xã hiện có 132 cơ sở sản xuất, kinh doanh cá thể ở nhiều ngành nghề. Với nghề mộc truyền thống có 9 xưởng sản xuất thu hút 500 lao động có việc làm thường xuyên. Sản phẩm sàn gỗ của Công ty Daiki được xuất khẩu sang Nhật Bản. Trong xã có 3 xưởng may tập trung thu hút 200 lao động. Những năm gần đây, tại xã phát triển mạnh nghề may mặc tại hộ. Chỉ tính riêng cắt may gia công trên địa bàn có 112 hộ gia đình, quy mô từ 5 – 20 lao động/hộ. Xã thành lập được HTX may mặc Hoa Mỹ An thu hút 40 thành viên tham gia, sản phẩm quần áo được xuất bán khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang Lào, Campuchia…

Lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ đã thu hút hàng nghìn lao động, mức thu nhập bình quân từ 6 – 8 triệu đồng/người/tháng. Tổng thu nhập từ phi nông nghiệp của xã đem lại gần 310 tỷ đồng/năm, trở thành một trong những nguồn thu chính nâng cao thu nhập cho người dân. Người dân địa phương chia sẻ: Phát triển ngành nghề tại địa bàn giải quyết tốt việc làm, nâng cao thu nhập. Có việc làm tại chỗ, người dân thuận lợi cả trong sinh hoạt, đời sống do không phải đi xa, giảm nhiều chi phí.

Thu nhập của người dân nâng lên giúp địa phương có điều kiện đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao. Những tiêu chí gắn liền với phát triển kinh tế so với Bộ tiêu chí xây dựng NTM nâng cao của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025 đều đạt yêu cầu, như: Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Tiêu chí thu nhập; Tiêu chí nghèo đa chiều… Xã An Ninh đã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.

Năm 2024, An Ninh phấn đấu tổng thu nhập của xã đạt 413 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với năm 2023; thu nhập bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng, tăng 2,4 triệu đồng so với năm trước… Vì vậy,  An Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung; áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng để có giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 5,3% so với năm trước. Trong lĩnh vực công nghiệp – xây dựng xã tạo điều kiện, khuyến khích những ngành nghề thế mạnh phát triển... nhằm khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương, không ngừng nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.

Mạnh Hùng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy