Khó xử lý triệt để vi phạm về bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi

Đánh giá của Sở NN&PTNT cho thấy, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều và thủy lợi trên địa bàn tỉnh khá phổ biến. Thực trạng này đã diễn ra từ lâu, nhưng chưa được xử lý triệt để, làm ảnh hưởng đến việc bảo đảm an toàn các công trình trong mùa mưa bão.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở xã Mộc Nam, Chuyên Ngoại (Duy Tiên), tình trạng xe chở vật liệu, tải trọng lớn đi trên đê sông Hồng vẫn tiếp tục tái diễn, đặc biệt ở gần khu vực cầu Yên Lệnh. Xe quá tải trọng không chỉ làm mặt đê bị hư hỏng, xuống cấp mà còn tăng lượng bụi, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông trong khu vực.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Ngọc Hoa, cán bộ kỹ thuật Hạt Quản lý đê Duy Tiên khẳng định: Công tác xử lý vi phạm đê điều rất khó khăn, nhất là xử lý vi phạm xe chở vật liệu quá tải trọng đi trên đê, hoạt động của các bến bãi chứa vật liệu ngoài đê trong mùa mưa bão. Công an huyện  Duy Tiên đã nhiều lần phối hợp xử lý vi phạm, song khi lực lượng kiểm tra rời đi, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Hạt Quản lý đê chỉ biết báo cáo vấn đề này với cơ quan chức năng vì không có quyền ra quyết định xử phạt vi phạm.

Xe chở vật liệu đi từ vùng bãi qua đê sông Hồng khu vực gần cầu Yên Lệnh, xã Chuyên Ngoại (Duy Tiên).

Đê hữu Hồng chạy qua địa bàn 3 xã của huyện Duy Tiên. Trong những năm qua, hành lang an toàn bảo vệ đê đã được cơ quan chức năng kiểm tra với mục đích phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm. Tuy nhiên, có vi phạm chưa thể xử lý. Một số vị trí, do quá trình mở rộng mặt đê, cao trình đê nâng cao, hành lang an toàn bảo vệ đê đã lấn vào đất thổ cư của một số hộ dân. Nếu theo quy định, phải lập biên bản xử lý vi phạm.

Trong trường hợp này, đất thổ cư của người dân đã được cấp cho các hộ sử dụng trước khi mở rộng mặt đê mà các hộ dân chưa được bồi thường. Trên đê hữu Hồng, có nhiều đoạn khu dân cư nằm sát chân đê. Do nhu cầu đi lại, các hộ đã đổ bê tông làm ngõ đi, vi phạm quy định xây dựng công trình trên hành lang an toàn bảo vệ đê.

Cũng theo bà Nguyễn Ngọc Hoa, hành vi vi phạm này khá phổ biến, nhưng rất khó yêu cầu các hộ dân khắc phục, sửa chữa vi phạm. Chúng tôi chỉ tiến hành lập biên bản vi phạm.

Quản lý hoạt động của bến bãi ngoài đê cũng khó khăn và phức tạp. Các bến bãi hoạt động có phép, thường chứa lượng vật liệu lớn. Cơ quan chức  năng chỉ nhắc nhở chủ bến bãi hạ độ cao bãi chứa vật liệu, bảo đảm dòng chảy của sông lưu thông tốt trong mùa mưa lũ chứ không thể ép buộc đơn vị này di dời bến bãi để bảo đảm tốt yêu cầu thoát lũ.

Vi phạm pháp luật về bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi không chỉ diễn ra ở một xã, một số công trình mà diễn ra ở nhiều xã trong tỉnh. Năm 2017, lực lượng thanh tra chuyên ngành và các hạt quản lý đê phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện gần 600 vụ vi phạm trong lĩnh vực này.

Để bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, nâng cao năng lực tưới tiêu của các công trình thủy lợi trong mùa mưa bão, theo ông Nguyễn Quốc Đạt, Giám đốc Sở NN&PTNT, cần tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các vụ vi phạm Luật Đê điều và Luật Phòng chống thiên tai, Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thủy lợi.

Thực tế cho thấy, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý đê điều và các công trình thủy lợi, cần sớm thực hiện việc cắm mốc toàn tuyến hành lang đê hữu Hồng, hành lang bảo vệ công trình thủy lợi ở những nơi còn thiếu. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là những vi phạm về: đổ rác thải, chất thải chăn nuôi ra hệ thống kênh tưới, tiêu, xây dựng công trình trên hành lang bảo vệ đê điều và các công trình thủy lợi.

Bích Huệ

Bích Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy