Nỗ lực xây dựng quê hương Hưng Công văn minh, giàu đẹp

Năm 1929, tại đình, chùa Cổ Viễn, xã Hưng Công, huyện Bình Lục, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Bình Lục được thành lập. Địa danh lịch sử đình, chùa Cổ Viễn cũng là nơi diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của Tỉnh ủy Hà Nam, Xứ ủy Bắc Kỳ và nhiều sự kiện chính trị khác, tạo nên dấu ấn đậm nét về phong trào cách mạng của quê hương Hưng Công. Tự hào, tiếp nối truyền thống cha ông, ngày nay nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên, nhân dân vùng quê cách mạng Hưng Công đã, đang ra sức thi đua xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, trở thành một trong những điểm sáng tiêu biểu trong các cuộc vận động và phong trào thi đua của huyện Bình Lục.

Theo tư liệu trong cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hưng Công: Đình, chùa thôn Cổ Viễn là cái nôi của phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931 cũng như trong suốt quá trình chuẩn bị, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Tháng Tám 1945. Đây cũng là cơ sở đầu mối tin cậy móc nối, trao đổi thông tin liên lạc, nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ, cán bộ Tỉnh ủy Hà Nam về hoạt động trong suốt thời kỳ ra đời và duy trì của tổ chức Hội Việt Nam Thanh niên Cách mạng. Tháng 10 năm 1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng chính thức được thành lập tại Hưng Công và là một trong ba chi bộ được thành lập đầu tiên ở Bình Lục. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng, hơn 300 nông dân Hưng Công đã kéo lên Phủ Bình Lục đưa đơn vạch trần tội ác của Hội đồng hương chính xã, đòi bỏ sổ chi thu, giảm sưu thuế… Thắng lợi của cuộc đấu tranh do chi bộ đảng và nhân dân Hưng Công lãnh đạo, tổ chức đã cổ vũ và tạo tiền đề quan trọng cho cuộc mít tinh tuần hành của nông dân Hưng Công, Bồ Đề, An Ninh (diễn ra ngày 20/10/1930) giành thắng lợi và gây được tiếng vang lớn, trở thành sự kiện lịch sử cách mạng tiêu biểu của tỉnh Hà Nam nói chung và huyện Bình Lục nói riêng.

Bước sang giai đoạn tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954, hưởng ứng chủ trương “kháng chiến toàn dân, toàn diện” của Đảng, Bác Hồ, dân quân du kích xã Hưng Công đã phối hợp với các đơn vị bộ đội chủ lực bí mật tấn công bốt Quắn, tiêu diệt, bắt sống 120 tên địch, tiêu hủy 3 xe tăng, thu trên 100 súng và nhiều quân trang, quân dụng. Tổng kết quá trình tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, toàn xã Hưng Công có trên 1 nghìn người nhập ngũ, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các mặt trận, trong đó 176 người con quê hương đã anh dũng hy sinh. Đảng bộ, quân và dân xã Hưng Công đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp; đình, chùa Cổ Viễn được công nhận là Cụm di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Nỗ lực xây dựng quê hương Hưng Công văn minh giàu đẹp
Diện mạo xã nông thôn mới Hưng Công (Bình Lục). Ảnh: Quang Huy

Bước vào thời kỳ đổi mới, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hưng Công đã đoàn kết, quyết tâm, chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển, nhất là từ khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Tình hình kinh tế, xã hội (KT-XH) có sự phát triển đáng phấn khởi; an ninh – quốc phòng được bảo đảm, đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Các chỉ tiêu về phát triển KT-XH của Hưng Công những năm gần đây đều cho kết quả năm sau cao hơn năm trước. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 68 triệu đồng/người/năm (tăng 18 triệu đồng so với năm đầu nhiệm kỳ - 2020); năm 2023 xã đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt mức thu nhập bình quân 70 triệu đồng/người. 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực do kinh tế phục hồi chậm sau đại dịch COVID-19 nhưng hầu hết các chỉ tiêu phát triển KT-XH cơ bản đạt và vượt so với kế hoạch. Tiêu biểu như: giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, xây dựng ước tăng 10% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách đạt trên 8,9 tỷ đồng (tăng 8,5% so với kế hoạch). Một số chỉ tiêu có mức đạt cao, như: tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,3%; tỷ lệ dân cư được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh ước đạt 100%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 4,09%; hằng năm có trên 95% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/5 thôn giữ vững danh hiệu thôn văn hóa. Các lĩnh vực văn hóa – xã hội, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư đúng mức và phát triển toàn diện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đến năm 2023, cả 3 nhà trường trên địa bàn xã đều đạt trường chuẩn quốc gia, riêng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ II từ năm học 2018 - 2019.  Quốc phòng – an ninh được bảo đảm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, góp phần giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân. Hiện xã đang duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; đồng thời, từng bước nỗ lực hoàn thành các tiêu chí và phấn đấu “về đích” xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2024.

Trao đổi với chúng tôi về phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, đồng chí Nguyễn Văn Duy, Chủ tịch UBND xã Hưng Công phấn khởi cho biết: Để có được những kết quả tích cực, toàn diện trong xây dựng quê hương, những năm qua, Đảng ủy xã đã đề ra một số nghị quyết chuyên đề  có nội dung đúng, trúng, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương để lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân toàn xã tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an sinh. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, xã đã, đang tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng; chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển ngành nghề, dịch vụ; khuyến khích hộ dân tham gia các mô hình, phương thức sản xuất mới, đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp...

Trần Ích

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy