“Sen Nhân Đạo, gạo Trần Thương” - Từ lâu, đất Nhân Đạo (nay sáp nhập với xã Nhân Hưng thành xã Trần Hưng Đạo), huyện Lý Nhân đã nổi tiếng với sản phẩm sen, cá, gạo. Trước kia, khi diện tích đầm ao còn rộng, các công ty doanh nghiệp chưa phát triển như bây giờ, ở xã người người làm sen, nhà nhà làm sen. Nghề làm sen ở xã góp phần quan trọng trong việc nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Năm 2022 sản phẩm “Hạt sen đặc sản Hà Nam” của cơ sở sản xuất Dũng Tâm, thôn Trần Thương, xã Trần Hưng Đạo được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Đây chính là động lực quan trọng để cơ sở tiếp tục khai thác tiềm năng sản vật đặc thù, lợi thế, truyền thống của địa phương; đồng thời khẳng định thương hiệu, chất lượng; mở rộng thị trường tiêu thụ; nâng cao giá trị sản phẩm; đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Tâm, chủ cơ sở sản xuất Dũng Tâm cho biết: Tôi là người xã Nhân Thịnh (Lý Nhân), về làm dâu thôn Trần Thương đã được hơn 20 năm (từ năm 2002). Nhà chồng tôi có nghề làm sen truyền thống, tôi là dâu trưởng, bố mẹ chồng tin tưởng nên đã truyền nghề. Trước khi lấy chồng, gia đình bố mẹ đẻ cũng từng nhận sen về làm thủ công. Biết làm sen thủ công từ sớm nên tôi nắm bắt các công đoạn trong quá trình sản xuất sen rất nhanh. Tôi yêu nghề làm sen nên dành nhiều thời gian, tâm huyết và công sức vào nghề. Tôi luôn mong muốn sản phẩm sen của quê hương ngày càng khẳng định được chất lượng, thương hiệu; nâng cao giá trị sản phẩm; được người tiêu dùng ưa chuộng và tin tưởng.
Mùa thu hoạch sen thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8 (âm lịch), nhưng cơ sở sản xuất Dũng Tâm thu mua sen đen khô quanh năm. Để có sen duy trì sản xuất thường xuyên, lúc nào trong kho bảo quản của gia đình cũng dự trữ khoảng 10 tấn sen đen. Để chủ động về nguồn, gia đình có ký kết thu mua với một số chủ đầm trồng sen lớn trong vùng, quanh vùng. Ngoài ra, chủ đầm nào có nhu cầu bán sen bảo đảm chất lượng, gia đình cũng sẵn sàng thu mua… Theo tính toán của chị Tâm, một năm gia đình chị sản xuất khoảng 10 tấn sen trắng sấy khô (tùy từng loại hạt, nhưng bình quân một tạ sen đen chất lượng sản xuất được khoảng từ 45-50 kg sen trắng). Sản phẩm sen trắng sấy khô của cơ sở đã được công nhận OCOP 3 sao năm 2022. Ưu điểm nổi bật của sản phẩm sen cơ sở Dũng Tâm là hạt to đều, khi chế biến sen ăn bở, bùi, đậm mùi hương. Để đa dạng các sản phẩm được làm từ sen, hiện gia đình đang thử nghiệm sản xuất hạt sen sấy khô ăn liền, long nhãn ôm sen, làm mứt sen bán trong dịp Tết Nguyên đán.
Về thị trường, là cơ sở sản xuất lâu năm, có nhiều mối mua bán thân quen từ trước nên khâu tiêu thụ sản phẩm của gia đình cũng có nhiều thuận lợi. Ngoài thị trường trong tỉnh, hiện sản phẩm sen của cơ sở được tiêu thụ nhiều nhất ở Hà Nội, Nam Định và Hưng Yên. Khách quen là người quê hương sống ở các tỉnh, thành phố trong cả nước cũng thường đặt mua và giới thiệu với bạn bè. Ngoài ra, cơ sở còn bán hàng trên zalo, facebook…
Chia sẻ về nghề làm sen, cô Trần Thị Chung, 70 tuổi, mẹ chồng chị Nguyễn Thị Tâm nhớ lại: Tôi lấy chồng người cùng làng, cùng ở đất sen nổi tiếng. Trước kia, vợ chồng tôi vừa trực tiếp trồng sen, vừa là một trong những hộ đầu tiên thực hiện thu mua và sản xuất sen trên địa bàn. Ngày trước, làm sen còn để đổi lấy vải, đường, mì chính… Thời ấy, công ty doanh nghiệp chưa nhiều như bây giờ, ở Nhân Đạo, nhà nhà làm sen, người người làm sen. Trước kia, tất cả các khâu đều làm thủ công (từ đẩn sen (tách vỏ), chà, thông tâm, sấy…). Lúc cao điểm, gia đình tôi giao sen đen cho khoảng 150 hộ gia đình làm thủ công. Ngày ấy, không chỉ người Nhân Đạo mà người các xã khác như Đạo Lý, Bắc Lý, Nhân Thịnh, thị trấn Vĩnh Trụ đều có người tới nhận sen về làm thêm. Thậm chí có cô người làng lấy chồng Nam Định cũng về nhận sen làm để có thêm thu nhập. Nhộn nhịp nhất là khi hè đến, làng có nghề phụ, các em ở nhà giúp bố mẹ làm sen để có thêm thu nhập. Được biết, ngày ấy, ngoài trồng sen trên diện tích đầm hồ của gia đình thầu được, chồng cô Chung còn mang giống sen Nhân Đạo đi trồng khắp vùng, ở cả Nam Định, Ninh Bình, Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Sau đó, có thỏa thuận thu mua với các chủ đầm. Mới đầu, gia đình chỉ làm sen hồng. Sau đó, qua tìm hiểu, nghiên cứu, sang Hưng Yên học hỏi, gia đình bắt đầu làm sen trắng. Gia đình cô Chung là gia đình đầu tiên làm sen trắng ở địa phương. Theo cô Chung, nghề làm sen vất vả, đòi hỏi kỹ thuật, sự khéo léo ở tất cả công đoạn. Ngay khâu phơi hạt sen cũng phải căn nhiệt độ để hạt khô từ từ, khi đẩn hạt sẽ không bị vỡ...
Nếu như trước tất cả các khâu hoàn toàn làm bằng thủ công, thì nay, nhờ đầu tư công nghệ, trên 90% các khâu được làm bằng máy. Chỉ còn thông tâm là giao cho các hộ gia đình làm thủ công. Nhờ đầu tư máy móc, hiệu quả sản suất của cơ sở được nâng lên rõ rệt. Năng suất cao hơn nhiều lần so với làm thủ công, hạt sen cũng đều và đẹp hơn…
Hiện, gia đình chị Tâm không còn trồng mà chỉ nhập sen đen về sản xuất. Nhờ đầu tư công nghệ, lượng lao động làm thủ công cho gia đình giờ còn khoảng 20 hộ. Chị Tâm tâm sự: Để giữ mối quan hệ làm việc lâu dài, người chủ và thợ phải luôn tin tưởng, hỗ trợ lẫn nhau. Người nhận và người giao đều vui vẻ, thoải mái, cùng hướng đến mục đích làm ra sản phẩm sen đẹp và chất lượng... Nói vậy nhưng nghề làm sen cũng có khó khăn riêng.
Chị Tâm cho biết: Hiện nay, trên thị trường có đa dạng các sản phẩm sen, vì vậy để cạnh tranh đòi hỏi mẫu mã, chất lượng sản phẩm không ngừng được cải thiện, nâng cao; giá thành phải phù hợp mới có thể thu hút được người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cũng như các sản phẩm nông nghiệp khác, giá sen hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do, khi lên, khi xuống hết sức bấp bênh (thời điểm cao giá sen trắng sấy khô lên tới 230.000đồng/1kg; giá sen đen tới 85.000 đồng/1kg. Thời điểm hạ, giá sen trắng sấy khô giảm xuống chỉ còn 130.000-140.000 đồng/1kg; giá sen đen theo đó cũng hạ xuống còn khoảng 35.000 đồng/1kg), nhiều thời điểm khó khăn người làm sen chỉ lấy công làm lãi...
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Trần Hưng Đạo có khoảng 4 cơ sở sản xuất sen lớn nhỏ. Cơ sở sản xuất sen Dũng Tâm là cơ sở đầu tiên có sản phẩm “Hạt sen đặc sản Hà Nam” được công nhận OCOP 3 sao. Chị Tâm chia sẻ: Để làm ra những hạt sen trắng sấy khô mất rất nhiều công sức, qua nhiều công đoạn khác nhau. Nghề làm sen cũng có lúc thuận, lúc gặp khó khăn, nhưng gắn bó, trách nhiệm, tâm huyết và yêu nghề, nghề cũng đem lại giá trị kinh tế cao cho gia đình. Về làm dâu nơi đất sen nổi tiếng, lại yêu nghề sen, tôi luôn mong muốn giữ và phát huy nghề truyền thống của quê hương, mang tới cho người tiêu dùng sản phẩm sen thật sự chất lượng, an toàn, giá thành hợp lý để thị trường sen đặc sản Hà Nam ngày càng được mở rộng, có nhiều người biết đến, lựa chọn, tìm mua.
Phạm Hiền