Nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo. Và tôi luôn nghĩ rằng, sự cao quý, sáng tạo ấy chắc chắn được tạo nên bởi những con người cao quý, sáng tạo - những người làm nghề dạy học. Trong cuộc sống, chúng ta có thể bắt gặp nhiều con người như thế, họ như những bông hoa nở giữa đời thường, đang từng ngày điểm tô cho cuộc sống. Tôi muốn nói đến một người như thế, một tấm gương tâm huyết, sáng tạo luôn tự giác học tập, làm theo lời Bác, từng ba mươi năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, đó là nhà giáo Đỗ Thị Khánh Huệ, Tổ trưởng Tổ Khoa học Xã hội (KHXH) Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân).

Năm 1993, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Nam Hà, khoa Ngữ văn, về công tác tại Trường Năng khiếu huyện Lý Nhân, với lòng yêu nghề, nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô giáo Đỗ Thị Khánh Huệ luôn chịu khó học hỏi, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tự trau dồi kiến thức chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập. Nhiều năm liền cô phụ trách bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 dự thi cấp tỉnh và có nhiều học sinh đạt giải cao. Với cô, thành tích học trò đạt được là những bó hoa đẹp nhất, món quà lớn nhất mà khi nhận được, cảm xúc không hề bị bào mòn theo thời gian. Để có được thành tích trên, cô giáo Đỗ Thị Khánh Huệ đã cùng tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành Giáo dục và nhiệm vụ của nhà trường. Đó cũng là kết quả từ nỗ lực của bản thân cô khi không ngừng học tập, nâng cao trình độ nghiệp vụ, chủ động nghiên cứu đổi mới, vận dụng sáng tạo những phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp với điều kiện thực tế của trường cũng như trình độ, năng lực cảm thụ của học sinh.

Trong công tác chuyên môn, với tâm niệm: thầy giỏi mới có trò giỏi, thầy tốt mới dạy nên trò ngoan, cô giáo Đỗ Thị Khánh Huệ luôn quan tâm chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ, hỗ trợ đồng nghiệp về cách vận dụng đổi mới phương pháp dạy học, đặc biệt là những giáo viên mới ra trường. Cô thường nói với đồng nghiệp: Làm nghề gì cũng cần cẩn trọng, nghề giáo càng cần cẩn trọng hơn. Người thợ kim hoàn làm hỏng một sản phẩm có thể làm lại, nhưng với nhà giáo làm hư một con người là một lỗi lầm lớn không thể nào sửa được. Tâm sự chân tình ấy của cô là động lực giúp bao thầy cô giáo thêm yêu nghề, thêm cẩn trọng, nhiệt huyết hơn trong công việc giảng dạy.

Nhà giáo tâm huyết với sự nghiệp trồng người
Cô giáo Đỗ Thị Khánh Huệ (người đứng) trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp trẻ. Ảnh: Vũ Huệ

Tâm huyết với nghề, cô Đỗ Thị Khánh Huệ cũng luôn dành thời gian thăm lớp, dự giờ của giáo viên để kịp thời đưa ra những lời khuyên bổ ích. Nhờ những lời nhận xét, góp ý quý báu ấy mà nhiều đồng nghiệp trẻ ngày càng trưởng thành trong sự nghiệp, ngày càng tự tin, đĩnh đạc trong mỗi tiết dạy. Cô luôn tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tinh thần chủ động, tự giác, tích cực trong công việc, từ đó khẳng định mình. Không những thế, cô luôn đào sâu suy nghĩ, tìm tòi những phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tối ưu mang lại thành công cho từng tiết chuyên đề, tiết thi giáo viên dạy giỏi các cấp. Nhiều đồng nghiệp trẻ luôn nhìn theo gương cô để không ngừng phấn đấu, tự rèn luyện trên con đường hoàn thiện mình.

Cùng với cố gắng không ngừng về công tác chuyên môn, cô giáo Đỗ Thị Khánh Huệ còn tổ chức nhiều hoạt động sáng tạo, trải nghiệm cho học sinh và rất tâm huyết trong công tác xã hội, từ thiện. Cô luôn mong muốn bằng những việc làm thiết thực để giáo dục học sinh lòng nhân ái và truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Lá lành đùm lá rách”. Không chỉ quan tâm đến những phận đời éo le ngoài xã hội, nhiều năm qua, cô luôn quan tâm đến những học sinh hoàn cảnh khó khăn trong trường. Ngoài sự tận tình khi ở trường, cô tranh thủ thời gian đến thăm gia đình, dành thời gian dạy các em kĩ năng sống, nhắc nhở từng em từ cách ăn mặc; ủng hộ đồ dùng học tập và quần áo mới cho các em. Cô luôn tâm sự, động viên, chia sẻ với các em, là người bạn đồng hành cùng các em. Vì thế, nhiều học sinh đã tự tin hơn trong học tập và cuộc sống. Cô đã làm rất nhiều việc không tên, nhưng chính những việc làm đó đã in đậm trong tâm trí của biết bao thế hệ học trò, để mỗi khi nhớ về cô, phụ huynh và học sinh luôn dành cho cô những tình cảm đầy thương mến, kính trọng.

Ba mươi năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Đỗ Thị Khánh Huệ đã gặt hái được nhiều thành tích rất đáng trân trọng: hai mươi năm là Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều năm là Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen. Năm 2021, cô là một trong những nhà giáo tiêu biểu, được dự hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp gỡ, động viên các nhà giáo toàn quốc và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, cùng với dịp Trường THCS Nam Cao kỷ niệm 30 năm thành lập, cô Đỗ Thị Khánh Huệ đã vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Trong một buổi trò chuyện thân mật, khi tôi hỏi về bí quyết nghề nghiệp, cô nói: Chẳng có gì là bí quyết riêng cả. Hãy cố gắng hoàn thành thật tốt công việc của mình vì sự phát triển của ngành, vì học sinh. Làm giáo dục quan trọng nhất là danh dự, uy tín nghề nghiệp, sự tin yêu, kính trọng của học sinh và phụ huynh đối với mình.

Vũ Thị Huệ

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy