Đẩy mạnh giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương trong trường học

Thời gian qua, việc đưa chương trình giáo dục văn hóa truyền thống, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học đã được đông đảo giáo viên, học sinh các nhà trường trên địa bàn tỉnh đón nhận tích cực. Qua đó, từng bước bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào về truyền thống dân tộc và hình thành năng lực, phẩm chất cần thiết cho các thế hệ học sinh.

Nhiều năm nay, Trường THCS Hòa Hậu (xã Hòa Hậu, Lý Nhân) đã được giao nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ Khu tưởng niệm Nhà văn - Liệt sỹ Nam Cao. Hằng tuần, thầy và trò nhà trường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng là chăm sóc khu mộ và nhà tưởng niệm của cố nhà văn. Các hoạt động tuy nhỏ, chỉ là quét dọn, lau chùi, nhổ cỏ… nhưng rất có ý nghĩa đối với học sinh. Bản thân các em nhận thấy, đó không chỉ là niềm vinh dự khi được góp một phần sức lực bé nhỏ của mình vào việc giữ gìn, bảo vệ một công trình có giá trị văn hóa của địa phương, mà còn tự hào vì được sinh ra trên quê hương của Nhà văn Nam Cao.

Bên cạnh đó, nhà trường còn xây dựng kế hoạch đưa nội dung về thân thế, sự nghiệp của Nhà văn Nam Cao vào giảng dạy trong các tiết học chính khóa; phân công tổ bộ môn khoa học xã hội xây dựng đề cương giảng dạy dựa trên việc dạy tích hợp, liên môn, lập video clip, tổ chức các chuyên đề nghiên cứu về thân thế, sự nghiệp của nhà văn. Các tiết học được thực hiện tương đối bài bản, nội dung phong phú, hình thức sinh động đã thực sự lôi cuốn sự quan tâm tìm hiểu, lắng nghe của các em học sinh.

Điều này rất quan trọng, vì qua đó, hơn ai hết chính mỗi học sinh sẽ được hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa, phẩm chất con người, cũng như quan niệm và lý tưởng sống của nhà văn. Đồng thời, bồi đắp tư tưởng, nhận thức để hình thành cho các em những năng lực, phẩm chất tốt.

Tại trường Tiểu học Chuyên Ngoại (thị xã Duy Tiên), bên cạnh việc xây dựng được tượng đài tưởng niệm Anh hùng Dương Văn Nội, nhà trường còn duy trì tốt các giờ học nhạc, các chương trình phát thanh măng non, phát động phong trào xây dựng mỗi chi đội, mỗi đội viên trở thành các tuyên truyền viên măng non, thường xuyên tuyên truyền về lịch sử quê hương cũng như tinh thần quả cảm của người anh hùng nhỏ tuổi Dương Văn Nội. Từ đó, hình ảnh người anh hùng Dương Văn Nội với sự mưu trí, gan dạ, kiên cường “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” hiện lên sinh động và rõ nét hơn bao giờ hết.

Đổi mới phương pháp dạy môn Lịch sử tại Trường THPT Lý Thường Kiệt giúp học sinh hứng thú và tiếp cận được nhiều kiến thức, thông tin quan trọng. Ảnh: Trần Hà

Xác định được tầm quan trọng của việc bồi đắp tư tưởng, tình cảm của học sinh đối với lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương, từ năm học 2013-2014, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã triển khai Chương trình Giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào giảng dạy trong trường học.

Để chương trình được thực hiện có chất lượng, hằng năm, Sở GD&ĐT đã tiến hành biên soạn bộ “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam” đưa vào giảng dạy trong các nhà trường, cấp học. Bộ tài liệu được biên soạn cho các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân với bố cục ngắn gọn, nội dung khúc triết, tích hợp được các giá trị văn hóa đặc trưng của từng địa phương, giúp học sinh dễ đọc, dễ hiểu, dễ tiếp thu. Trong đó, ở từng khối lớp, nội dung giảng dạy cũng được xây dựng phù hợp.

Trên thực tế, bộ “Tài liệu giáo dục địa phương tỉnh Hà Nam”, ngoài chức năng định hướng còn có tính chất gợi mở để các nhà trường, giáo viên tham khảo, sử dụng và biên soạn các chủ đề, chủ điểm giáo dục phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế địa phương.

Có tác dụng hỗ trợ không nhỏ cho chất lượng giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương là các hoạt động mang tính “mở” được các nhà trường linh hoạt tổ chức thực hiện, như: chiếu phim tư liệu văn hóa và lịch sử; đưa học sinh đi tham quan các bảo tàng, di tích, đài tưởng niệm, các làng nghề truyền thống; dạy hát các làn điệu dân ca; tổ chức liên hoan văn nghệ, thi tuyên truyền giới thiệu sách theo chủ đề… Để từ đó học sinh có thêm cơ hội được tìm hiểu, khám phá, mở rộng phông kiến thức về văn hóa, lịch sử của quê hương mình, khơi gợi những tình cảm tự nhiên.

Một điều đáng ghi nhận trong việc tăng cường giảng dạy môn học Lịch sử trong trường học chính là sự thay đổi về nội dung Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, đáp ứng nguyện vọng học tập của người học, phù hợp với sự lựa chọn môn học của học sinh. Với mục tiêu lấy người học làm trung tâm, tạo độ mở về nội dung, sự thay đổi của môn Lịch sử trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp trung học được đánh giá phù hợp với tổng thể các thay đổi của chương trình GDPT và định hướng đổi mới giáo dục hiện nay, đáp ứng yêu cầu: hợp lý, khoa học, bảo đảm hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.

Theo phân tích của cô giáo Nguyễn Thị Hường, giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, Trường THPT Lý Thường Kiệt (Kim Bảng), môn Lịch sử cấp THPT khi được đưa thành môn học bắt buộc theo Chương trình GDPT 2018 đã giảm một số chủ đề mang tính quá chuyên sâu, chủ đề khó, nặng tính hàn lâm không phù hợp với nhận thức của học sinh đại trà; giảm nội dung trong một số chủ đề mà kiến thức rộng hoặc đã được học kỹ ở cấp THCS. Qua đó, vừa giảm được nội dung kiến thức, thời lượng, mà không ảnh hưởng đến các nội dung cốt lõi của chủ đề, bảo đảm học sinh vẫn có những hiểu biết cơ bản về kiến thức của chủ đề đó. Đồng thời, tỉ lệ thời lượng dành cho các chủ đề chung, Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam các lớp 10, 11, 12 cũng khá phù hợp với các hoạt động định hướng nghề nghiệp, đánh giá định kỳ và thực hành lịch sử. Và, như vậy mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh vẫn được bảo đảm.

Đây được xem là sự thay đổi khá mạnh mẽ về nội dung, yêu cầu học tập và giảng dạy môn học này trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp trong các nhà trường. Từ đó, mở ra cho người dạy sự linh hoạt và những hướng lựa chọn, tiếp cận thích hợp các nội dung môn học. Đồng thời, tạo cho cả người dạy và người học được tiếp cận với các tiết học môn Lịch sử có nội dung mở, những điều mới mẻ và nhiều giá trị phù hợp với đòi hỏi của thực tế.

Tuy hiện nay, do kết cấu nội dung chương trình môn học thay đổi từ chiều dọc dựa theo tiến trình thời gian, nay được biên soạn theo các chủ đề nên giáo viên buộc phải có thời gian để đọc lại chương trình, nghiên cứu xây dựng bài dạy cho phù hợp với yêu cầu. Hơn thế, do trong chương trình môn học còn dành tới 20% thời lượng để tổ chức hoạt động thực hành lịch sử nên để làm tốt được phần việc này, giáo viên phải đánh giá được học sinh còn yếu ở nội dung thực hành nào để tăng cường hỗ trợ. Khi học đi đôi với hành, môn học sẽ không bị nhàm chán, khô khan và học sinh có hứng thú học tập.

Thanh Hà

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy