Quan tâm nâng cao đời sống của người lao động trong khu công nghiệp

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có gần 60.000 lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), riêng các KCN ở Đồng Văn có gần 40.000 lao động, mức lương bình quân từ 4,1 - 4,5 triệu đồng/người/tháng. Với mức thu nhập còn thấp nên đời sống của công nhân vẫn gặp nhiều khó khăn.

Ở tuổi 42, chị Ngô Thị Liễu, công nhân Công ty TNHH Yokowo (doanh nghiệp Nhật Bản chuyên sản xuất dây và thiết bị dẫn điện), KCN Đồng Văn II (Duy Tiên) cố gắng bám việc để lo cho gia đình và con cái.

Lấy chồng muộn, con lớn chị Liễu giờ đang học tiểu học, chị nói: "Nếu làm việc đủ 8 tiếng một ngày, không làm thêm ca thì lương của chị chỉ gần 4 triệu đồng một tháng. Nhưng làm thêm 2 giờ mỗi ngày, mức lương có thể tăng thêm từ 2 đến 3 triệu đồng nữa. Được cái làm việc gần nhà, không mất tiền thuê trọ hay chi phí đi lại”.

Chia sẻ về hoàn cảnh gia đình, chị nói chồng chị trước làm công nhân tự do, này làm phụ hồ, mai nghỉ, thu nhập bấp bênh. Mới đây, anh đã xin vào làm công nhân Công ty Honda Việt Nam chi nhánh Hà Nam, nhưng cũng chỉ làm thời vụ. Đời sống gia đình với mức thu nhập thế này  không lấy gì làm dư giả.

Khác với chị Liễu, chị Trần Thị Tuyết Thương, công nhân Công ty TNHH ACE Antenna may mắn hơn khi được làm việc ở khu vực hành chính. Cả ngày chị ở công ty, lương mỗi tháng cộng tất cả thưởng, ăn ca, các khoản hỗ trợ xăng xe, nhà ở được ngót 10 triệu đồng. Nhà ở xã Nhân Bình, huyện Lý Nhân, cách công ty vài chục cây số, chị phải thuê nhà trọ, mỗi tháng bỏ ra 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà và tiền điện, nước chưa kể các chi phí khác.

Chị Thương nói: "Chúng em còn trẻ, lại chưa có con nhỏ nên cũng để ra được ít tiền. Nay mai sinh em bé, với mức thu nhập này chắc chẳng thể để dành được đâu".

Ở công ty của chị Thương, công nhân làm thời vụ mỗi tháng thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng là cao, công nhân làm việc lâu năm thì nhỉnh hơn mức ấy. Được cái, công ty thực hiện hỗ trợ công nhân chu đáo tiền đi lại, nhà ở nên cũng giảm bớt những khó khăn.

"Tất cả mọi người đều được công ty hỗ trợ gần 1 triệu đồng cho các khoản đi lại và nhà ở. Công nhân nào ở xa từ 50km trở lên hầu hết đều chọn phương án thuê nhà trọ, mức giá ở đây từ 600 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng/phòng/tháng. Nhà ai cách công ty 20 đến 30 km thì có thể đi về. Tiền xe mỗi tháng vị chi hết khoảng 500 nghìn đồng". Chị Thương chia sẻ.

Căn phòng nhỏ có giá thuê 1,2 triệu đồng/tháng của vợ chồng chị Trần Thị Tuyết Thương, nhân viên Công ty TNHH ACE Antenna. Ảnh: Chu Uyên

Thăm quan thực tế những phòng trọ cho công nhân thuê ở  khu vực thị trấn Đồng Văn, xã Duy Minh, xã Bạch Thượng, huyện Duy Tiên cho thấy, đa số các phòng trọ có diện tích trung bình từ 10 - 20 m2  gồm nơi ngủ, phòng vệ sinh, phòng bếp. Không gian quá chật chội, ẩm thấp và thiếu ánh sáng, nhưng người lao động vẫn phải thuê vì với mức thu nhập mỗi tháng bình quân chỉ từ 3,5 đến 4,5 triệu đồng/người, nếu không thắt lưng buộc bụng người lao động khó bảo đảm đời sống cho gia đình.

Trong số gần 60.000 lao động đang làm việc tại các KCN của Hà Nam, số phải thuê nhà trọ khoảng trên dưới 20.000 người. Chỉ tính riêng khu vực 3 xã, thị trấn của huyện Duy Tiên là Đồng Văn, Duy Minh, Bạch Thượng, nơi tập trung nhiều nhất công nhân lao động tại các KCN có tới 2.500 phòng trọ trong dân phục vụ xấp xỉ 6.000 công nhân.

Theo Công đoàn các KCN tỉnh, trong số 18.372 công nhân lao động trong KCN được khảo sát về nhà ở hồi tháng 3/2018, số có nhu cầu mua nhà tại khu vực Đồng Văn chỉ chiếm 28,4% (tương đương với 5.217 người), 10% có nhu cầu thuê nhà. Số công nhân lao động có gia đình và con nhỏ chiếm tỷ lệ cao.

Hiện số con của trên 18.000 công nhân là hơn 11.400 cháu, trong đó trẻ dưới 2 tuổi gần 3.000 cháu, trẻ từ 2 đến 6 tuổi trên 4.000 cháu, trẻ từ 6 đến 11 tuổi hơn 2.700 cháu, trên 11 tuổi gần 1.900 cháu. Gần 2.000 công nhân lao động có nhu cầu gửi con học các cấp học tại đây. Thực tế, số trẻ em con công nhân lao động trong các KCN ở Đồng Văn đang được gửi học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn gần 2.500 cháu mầm non, gần 3.600 cháu học sinh tiểu học, trong đó 19,6% con em của người lao động ngoại tỉnh.

Lao động làm việc tại Công ty TNHH Yokowo Việt Nam, KCN Đồng Văn II  (Duy Tiên). Ảnh: Lương Thế

Sau gần 10 năm các KCN trên địa bàn đi vào hoạt động, thu hút hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh, đời sống của người lao động thực sự đáng được quan tâm. Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 956/KH-UBND về việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động trong các KCN.

Một trong những mục đích của việc thực hiện kế hoạch là nhằm xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xây dựng đội ngũ công nhân lao động có đời sống văn hóa, lối sống tác phong làm việc công nghiệp, lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện tại, tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án đầu tư - thiết chế cơ sở công trình xây dựng Thiết chế Công đoàn tại KCN Đồng Văn II, tỉnh Hà Nam. Dự án có 768 căn hộ để bán và 208 căn hộ cho thuê. Hy vọng với sự nỗ lực cố gắng của các cấp ngành, các doanh nghiệp, cuộc sống của người lao động trong khu công nghiệp sẽ được nâng cao.

Chu Uyên

Chu Uyên, Thế Tuân

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy