Những thuyết minh viên bảo tàng

Trong công tác nghiệp vụ bảo tàng có rất nhiều hoạt động, từ nghiên cứu, sưu tầm, khảo cổ, kiểm kê, bảo quản đến trưng bày, tuyên truyền giáo dục và truyền thông. Trong đó, công tác tuyên truyền giáo dục chính là làm công tác thuyết minh viên, giới thiệu giá trị lịch sử, văn hóa mà các di tích, hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày trong và ngoài bảo tàng đến khách tham quan.

Phòng Nghiệp vụ bảo tàng của Bảo tàng tỉnh hiện có 5 cán bộ, nhân viên. Ngoài làm công tác chuyên môn, tất cả đều là thuyết minh viên hướng dẫn tham quan tại bảo tàng và tại một số di tích.

Chia sẻ về công tác thuyết minh bảo tàng, chị Trần Thị Mai Hương, Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng cho biết: Để thực hiện công tác thuyết minh hoạt động trưng bày, triển lãm trước hết phải chuẩn bị bài thuyết minh. Chúng tôi phải xác định tổng thể và quy mô hiện vật trưng bày, dựa trên yêu cầu, mục đích của cuộc trưng bày, triển lãm sau đó tìm hiểu thông tin tài liệu, tư liệu và các câu chuyện liên quan đến hiện vật trưng bày. Từ tài liệu sẵn có của đơn vị hoặc bản thân, chúng tôi còn tìm kiếm thêm tư liệu từ sách báo và các kênh truyền thông chính thống, tìm hiểu qua người sưu tầm cổ vật, xuống nơi xuất hiện cổ vật, có cổ vật và lắng nghe những câu chuyện truyền thuyết dân gian, qua thần tích, điển tích để sàng lọc làm phong phú thêm cho bài thuyết minh. Khi đã xây dựng được khung bài thuyết minh, chúng tôi từng người bổ sung hoàn thiện và phân công người thuyết minh.

Các hiện vật tại cuộc trưng bày “Dấu ấn thời bao cấp” được thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh giới thiệu đến các đại biểu tham quan. Ảnh: Bình Nguyên

“Có bài thuyết minh rồi còn phải nắm vững cách thức thể hiện”. Chị Khánh Ninh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tàng, một thuyết minh bảo tàng kỳ cựu cho biết. Theo chị Ninh, có nhiều cách thuyết minh, đó là phương pháp phân đoạn thuyết minh, thuyết minh thông tin mang tính khái quát trước, cụ thể sau, thuyết minh vấn đề trước, sau. Phương pháp thứ hai là thuyết minh trọng điểm, phương pháp này không theo trình tự, không đi vào chi tiết mà chỉ cần làm nổi bật hoặc chứng minh một vấn đề nào đó hay giá trị đặc sắc nhất, khác biệt nhất mà du khách có hứng thú nhất. Hoặc dựa trên năng lực người thuyết minh tạo chủ đề, tạo cảm hứng, tạo sự cảm kích của du khách thông qua lượng thông tin phong phú và đa dạng. Phương pháp kết hợp thực hư, kết hợp những thông tin chính thống với những câu chuyện thần thoại, truyền thuyết dân gian để tăng thêm sự tồn tại của cái thực, biến cảnh vật vô tình, hiện vật vô tri thành một thực thể sống động có bề dày lịch sử, văn hóa.

Tuy nhiên, để thuyết minh thành công, việc nắm được đối tượng khách từ ban đầu rất quan trọng. Các thuyết minh viên bảo tàng phải nắm rõ được số lượng, đối tượng khách tham quan, thời gian và mục đích tham quan. Từ các thông tin đó, người thuyết minh có cơ sở lựa chọn phương pháp thuyết minh để thỏa mãn nhu cầu khách tham quan và để họ có thể hiểu và cảm nhận được những giá trị của đối tượng tham quan.

Tại Bảo tàng tỉnh, hằng năm đều có các cuộc trưng bày, triển lãm với nhiều chuyên đề và mục đích khác nhau nên đối tượng khách cũng khá phong phú và đa dạng, từ người nghiên cứu, nắm bắt tư liệu, tham quan vì đúng vấn đề cần quan tâm, tham quan vì nhu cầu hiểu biết và đặc biệt hầu như năm nào bảo tàng cũng tiếp đón khách tham quan là các em học sinh từ cấp mầm non tới các cấp lớn hơn nên việc thuyết minh đòi hỏi các thuyết minh viên của bảo tàng phải rất linh hoạt trong việc nhận biết, phân loại nhu cầu khách tham quan để chọn nội dung và phương pháp thuyết minh phù hợp.

Ngoài thực hiện công tác thuyết minh tại bảo tàng, những thuyết minh viên còn thực thi công tác tại các điểm di tích. Trên địa bàn tỉnh có khá nhiều di tích thu hút khách tham quan và tìm hiểu như chùa Đọi Sơn, đền Trúc, chùa Bà Đanh, Đền thờ 10 nữ liệt sĩ dân quân phòng không Lam Hạ, Nhà lưu niệm đồng chí Lương Khánh Thiện… Là những người nắm giữ nhiều tư liệu, lại hiểu biết rất rõ và sâu sắc về giá trị của điểm di tích, điểm du lịch đó cũng như về những nét văn hóa, phong tục tập quán của địa phương nên thực hiện công tác thuyết minh tại từng địa điểm cụ thể, các thuyết minh viên của Bảo tàng tỉnh đã giúp du khách khi đến với Hà Nam hiểu biết sâu về những giá trị văn hoá, lịch sử của mỗi địa danh, mỗi di tích.

Những thuyết minh viên bảo tàng là những người thực hiện công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa thông qua du khách. Đây là khâu quan trọng bởi các di sản văn hóa tự nó không có ý nghĩa nếu không tổ chức việc tham quan để giới thiệu và tuyên truyền. Chỉ có tham quan mới có thể tạo điều kiện cho người xem hiểu phần trưng bày một cách rõ ràng, cụ thể về những hiện vật, di vật lịch sử, nắm được quy luật phát triển của lịch sử tự nhiên xã hội. Hoạt động thuyết minh, hướng dẫn tham quan chính là khâu cuối cùng mang trọng trách phát huy tác dụng trưng bày của bảo tàng, là cầu nối giữa bảo tàng với khách tham quan, là một trong những nhân tố thu hút lượng khách tham quan, quyết định sự phát triển của bảo tàng, nhất là trong thời kỳ hội nhập như hiện nay.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy