Trảy hội mùa Xuân

Mùa Xuân là mùa khởi đầu của một năm, cây lá đâm chồi nảy lộc, đất trời giao hòa. Mùa Xuân cũng là mùa của lễ hội. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đông đảo người dân đi đến các lễ hội, các điểm tâm linh vừa là du lịch vãng cảnh, thưởng thức văn hóa các vùng miền, cũng là cầu cho bản thân, gia đình một năm mới sức khỏe dồi dào, mọi điều tốt đẹp. Tuy nhiên, du xuân trẩy hội thế nào để dạ an yên, tâm cảm được niềm vui, mang đến những tác động tích cực cho mỗi người, mỗi nhà đầu năm mới có lẽ là điều cần được lưu tâm.

Chị Nguyễn Thị Lộc, nhà ở phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý cho biết, du xuân, thăm viếng các điểm tâm linh đầu năm là một hoạt động không thể thiếu của gia đình chị. Tuy nhiên, chị cho biết gia đình luôn thống nhất, việc lễ bái du xuân ở mức vừa phải, thành tâm là chính, và trước hết phải quan tâm đến tổ tiên hai bên nội, ngoại, các điểm tâm linh nơi mình sinh sống hoặc ở quê, rồi sau đó mới đến các điểm ở xa. Năm nào cũng thế, mùng 1 Tết gia đình chị cùng nhau ra lễ ở chùa nơi gần nhà, sau đó về quê nội cùng làm cơm cúng bố mẹ, gia tiên ở nhà thờ dưới quê. Mùng 2 sang quê ngoại. Cả ở hai bên nội, ngoại, suốt những ngày Tết anh em con cháu trong gia đình tụ họp làm cơm cúng bố mẹ, tổ tiên, đi chúc Tết làng xóm, họ hàng, lúc rảnh ra đền, chùa ở quê lễ đầu năm. Cho đến hết ngày mùng 4 Tết, khi đã hóa vàng, đóng cửa nhà thờ hai bên nội, ngoại, gia đình chị chọn 1 - 2 điểm du lịch tâm linh trong, hoặc ngoài tỉnh để vừa du xuân, cũng là lễ bái đầu năm cầu xin những điều tốt đẹp cho toàn gia đình trong năm mới. Chị thường chọn một điểm ở ngoài tỉnh, năm đi Chùa Hương, năm đi Yên Tử, cũng có năm đi Văn Miếu Quốc Tử Giám, hoặc Đền Trần Nam Định, chợ Viềng, Phủ Giầy. Mấy năm nay một số điểm du lịch trong tỉnh nổi lên, gia đình chị chọn một địa điểm trong tỉnh, như chùa Địa Tạng Phi Lai, hoặc chùa Cây Thị, chùa Tam Chúc, chùa Bà Đanh. Chị Lộc chia sẻ, ga đình chị đã duy trì nếp vãng cảnh du xuân đầu năm như thế từ nhiều năm nay, và thấy rất thoải mái, mang lại những cảm xúc tích cực khởi đầu cho một năm mới thuận hòa, mọi việc suôn sẻ.

Du khách du xuân, vãng cảnh chùa Ninh Tảo, Thanh Bình, Thanh Liêm. Ảnh: Lê Dũng

Các điểm du lịch cũng ngày càng thu hút nhiều khách là các bạn trẻ. Vừa vãng cảnh, cầu chúc cho mình và người thân một năm mới bình an, mọi điều hanh thông suôn sẻ, những chuyến du xuân đầu năm đến các điểm du lịch tâm linh, di tích văn hóa, lịch sử cũng là dịp các bạn trẻ hiểu hơn về lịch sử, cội nguồn của dân tộc. Nguyễn Kim Anh, ở Tân Sơn, Kim Bảng cho biết, em đang là sinh viên một trường đại học ở Hà Nội. Sau những ngày Tết bên gia đình, trong khi chờ đến ngày lên trường em cùng bạn bè ở quê đến các điểm du lịch, các lễ hội ở tỉnh như chùa Tam Chúc, Tịch điền, chùa Địa Tạng Phi Lai, chùa Cây Thị, Từ đường Nguyễn Khuyến,… Được đi vãng cảnh cùng bạn bè đồng lứa trong tiết trời mùa xuân mát mẻ, phong cảnh hữu tình, em rất thích. Việc đến thăm quan các địa điểm du lịch văn hóa, di tích đầu năm cũng giúp Kim Anh và các bạn hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, truyền thống quê hương. Kim Anh cho biết, em lên Hà Nội trước 1, 2 ngày đi học để cùng bạn bè đi thăm thú một số địa điểm du lịch ở Hà Nội và vùng lân cận, rồi về tập trung vào việc học.

Du xuân vãng cảnh, thăm thú các điểm du lịch đầu năm, nhất là du lịch tâm linh là một văn hóa đẹp của người Việt và nhiều người, nhiều gia đình đang duy trì. Tuy nhiên, cũng có những người hơi thái quá trong việc này, ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc, sức khỏe và gia đình. Có những người ngay từ mùng 2 Tết đã bắt đầu lịch trình du xuân cùng hội nhóm đến các điểm du lịch tâm linh. Gần như tất cả các điểm du lịch tâm linh nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc họ đều đến, thời gian du xuân của họ kéo dài đến hết cả tháng Giêng. Người làm ở cơ quan thì trốn việc, tranh thủ ngày nghỉ, hoặc thậm chí nghỉ phép. Người làm ngoài, kinh doanh thì tạm ngưng công việc để theo đoàn suốt từ tỉnh này sang tỉnh khác.

Chị Nguyễn Thị Lộc, nhà ở phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý kể rằng: Tôi có biết một phụ nữ kinh doanh hàng tạp hóa. Năm nào cũng vậy, người phụ nữ này gần như dành cả tháng Giêng để đến các điểm du lịch tâm linh khắp trong Nam ngoài Bắc du xuân vãng cảnh, lễ lạt kêu cầu những điều tốt đẹp cho gia đình, cho công việc làm ăn phát đạt. Năm nào chị cũng đi, không biết công việc làm ăn có phát đạt hơn không, nhưng thấy rõ là gia đình bất hòa mỗi khi chị đi du xuân dài ngày bỏ bê con cái và việc nhà cho chồng. Về sức khỏe, đợt nào tháng Giêng cũng thấy chị hốc hác mệt mỏi vì suốt ngày đi từ tỉnh này đến tỉnh khác.

Du xuân, trảy hội đầu năm giúp mỗi người được thăm thú những danh lam thắng cảnh, hiểu về văn hóa, truyền thống, đồng thời lễ cầu những điều tốt đẹp cho mình và người thân trong năm mới. Tuy nhiên, sau những ngày nghỉ Tết cũng cần phải bắt tay ngay vào công việc, rồi việc gia đình, sức khỏe cũng không thể lơ là. Vì thế, việc du xuân trảy hội chỉ nên ở mức vừa phải, phù hợp với sức khỏe, điều kiện gia đình, để du xuân thực sự mang lại những tác động tích cực đến mỗi người, gia đình, để mọi người phấn khởi bước vào một năm mới với khí thế mới.

Đỗ Hồng

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy