kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Đưa Chèo đến gần nhân dân

Đưa Chèo đến gần nhân dân

Chèo là nghệ thuật sân khấu dân gian Việt Nam do những nghệ sỹ nông dân và các nho sỹ bình dân đồng sáng tạo. Sự tồn tại và phát triển của chèo gắn liền với đời sống của nhân dân. Trong bối cảnh sân khấu truyền thống gặp khó khăn về nhiều mặt, việc đưa chèo đến gần nhân dân bằng các hình thức khác nhau cũng là cách tạo mở con đường để chèo tiếp tục đi sâu vào đời sống, thấm sâu vào tinh thần nhân dân.

Khai thác lợi thế của cuộc cách mạng 4.0

Thời đại 4.0 tạo nên một cuộc cách mạng công nghệ phát triển như vũ bão, tạo nên những lợi thế cho các loại hình nghệ thuật hiện đại tiếp cận nhanh với công chúng. Còn với những loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống, như: chèo, tuồng, cải lương… bị “tụt lại” trong sự thờ ơ của người xem, đặc biệt là giới trẻ. Thêm nữa, những đổi mới trong công tác tổ chức bộ máy các nhà hát, các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ năm 2018 đến nay đã “đưa đẩy” nhiều đơn vị nghệ thuật chèo đến những khó khăn và bế tắc. Nhà hát Chèo Hà Nam cũng trong guồng đổi mới đó, nhưng đã từng bước vượt qua những khó khăn để tiếp tục tạo nên những giá trị cho sân khấu truyền thống “Chèo Hà Nam”. Bình quân mỗi năm, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh dàn dựng được một vở chèo mới, tham gia một số liên hoan sân khấu chuyên nghiệp và đoạt giải cao, tạo cơ hội cho các nghệ sỹ được giao lưu, học hỏi và có thành tích trong sự nghiệp của mình. Bên cạnh đó, trung tâm đã thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng tài năng và phát triển phong trào văn nghệ quần chúng ở nhiều địa phương. Vì thế, nhiều chiếu chèo cổ được khôi phục, phát triển đã tác động, làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

Đưa Chèo đến gần nhân dân
Nghệ thuật chèo vẫn sống và có ảnh hưởng đến tinh thần của con người trong đời sống tự nhiên .
Ảnh: Giang Nam

Một số cán bộ Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh chia sẻ: Chúng tôi đã học hỏi các đơn vị nghệ thuật lớn, khai thác lợi thế từ công nghệ 4.0 để đưa nghệ thuật truyền thống đến với nhân dân. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nghệ sỹ ở nhà thực hiện quy định giãn cách, phải nhờ chiếc điện thoại smartphone, mạng internet để anh em nghệ sỹ kết nối với nhau, trao đổi nghiệp vụ. Sau đó đưa những trích đoạn, những bài hát chèo lên các trang mạng xã hội. Rất nhiều bà con ở các địa phương mê chèo, say chèo đã liên lạc và kết nối để giao lưu, trao đổi nghiệp vụ nhằm phát triển các câu lạc bộ chèo, dân ca. Sau đại dịch, các chiếu chèo trên địa bàn tỉnh phục hồi, phát triển. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức gặp mặt các chiếu chèo đầu xuân để tạo sân chơi cho những người đam mê sân khấu truyền thống vào những ngày đầu xuân, đồng thời đưa chèo đến gần công chúng hơn.

Trong những năm qua, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật quy mô quốc gia và quốc tế, như: Liên hoan các trích đoạn hay sân khấu toàn quốc, Liên hoan Sân khấu Chèo toàn quốc, Liên hoan Tài năng trẻ sân khấu chèo toàn quốc, Giao lưu Văn hóa nghệ thuật Chèo truyền thống và kịch Kyogen Nhật Bản… Sở cũng đã phối hợp với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nam tổ chức truyền hình trực tiếp, thu hình để phát sóng nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật chèo truyền thống trên các nền tảng công nghệ hiện đại, như: truyền hình, báo điện tử, trang fanpage… Nhờ đó, chèo đã có cơ hội để đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ. Đạo diễn Thế Công, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh cho rằng: Trong cái khó ló cái khôn. Đã có lúc những người làm sân khấu truyền thống thấy lo lắng vì sự lấn át của các loại hình nghệ thuật hiện đại thời đại 4.0. Thế nhưng, với những sáng tạo không ngừng, người nghệ sỹ nói riêng, các đoàn nghệ thuật truyền thống nói chung đã từng bước khai thác công nghệ một cách hiệu quả để tận dụng nó như một lợi thế tạo mở con đường đến với công chúng, nhân dân tiện lợi hơn.

Vừa thực hiện bảo tồn, vừa thích ứng với cuộc sống

Nghệ sỹ Ưu tú (NSƯT) Huy Toàn, một trong những nghệ sỹ chèo nổi tiếng của Hà Nam Ninh, Nam Hà, Hà Nam cho rằng, chèo là nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống do những nghệ sỹ nông dân và các nho sỹ bình dân đồng sáng tạo. Sự tồn tại và phát triển của chèo sẽ gắn liền với đời sống của nhân dân. Trách nhiệm của những người trong ngành chèo nói riêng, những nhà quản lý văn hóa nói chung cần làm tốt công tác bảo tồn những giá trị văn hóa vốn có trên cơ sở bồi đắp phông văn hóa, nhu cầu thẩm mỹ của khán giả. Đồng thời, sân khấu chèo phải tương thích với đời sống của nhân dân hôm nay. Chèo phải trải nghiệm cuộc sống mới, khai thác những đề tài hiện đại, cách tân trong thể hiện, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, vẻ đẹp của nghệ thuật dân gian truyền thống – những yếu tố đã đi vào lòng nhân dân hàng trăm năm nay không có gì thay đổi được.

Lấy thí dụ từ vở diễn “Cô Đào và cụ Tam Nguyên” vừa mới được Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh dàn dựng, NSƯT Huy Toàn nói: “Đây là tác phẩm của Tiến sỹ Trần Đình Ngôn, kể về một danh nhân văn hóa của Hà Nam - cụ Tam Nguyên Yên Đổ chán ghét triều đình bù nhìn, cáo quan về quê ở ẩn, hòa mình vào cuộc sống cùng nhân dân. Trước đây, tác phẩm đã từng được dàn dựng dưới bàn tay của hai đạo diễn chèo nổi tiếng là NSND Bùi Đắc Sừ và NSND Lê Huệ. Bây giờ, dưới bàn tay đạo diễn của NSND Trịnh Thúy Mùi, vở chèo tiếp tục có một con đường đi mới đến với công chúng trong thời đại 4.0. Tác phẩm sẽ được làm mới bởi các nghệ sỹ trẻ, các công nghệ hiện đại của nhà hát, của sân khấu, của trang phục… để thích ứng với nhu cầu của khán giả xem chèo hôm nay. Đó là điều chúng tôi mong chờ để chèo tiếp tục có chỗ đứng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân Hà Nam.

Đưa Chèo đến gần nhân dân
 Cảnh trong trích đoạn Thị Màu lên chùa (nghệ sỹ Kim Dung đóng vai Thị Màu) diễn tại không gian Phố đi bộ thành phố Phủ Lý . Ảnh: Giang Nam

Mới đây, tại Hội thảo Khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản trình diễn dân gian và nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” được tổ chức ở thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình), ông Ngô Thanh Tuân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có tham luận, chia sẻ công tác bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật chèo trên đất Hà Nam. Theo ông Ngô Thanh Tuân, vùng đất này đã đóng góp cho nền sân khấu dân tộc một sản phẩm độc đáo, đó là chiếu chèo, với những làn điệu chèo, những nghệ nhân chèo tiêu biểu, như: NSND Bạch Trà, Dịu Hương, Ngọc Viễn, Lê Huệ, Lương Duyên, NSƯT Huy Toàn, Duy Cổn...  Song hành với những đóng góp to lớn của sân khấu chèo chuyên nghiệp, những chiếu chèo truyền thống hiện hữu ở nhiều làng quê, thôn xóm trong tỉnh từ nhiều đời nay, nhiều năm nay vẫn lặng thầm tồn tại, dệt nên một nét đẹp, một bản sắc trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng độc đáo, riêng có. Những chiếu chèo đã trở thành điểm sáng của phong trào văn nghệ quần chúng bao năm qua, tiêu biểu như: chèo Xuân Khê, chèo Hợp Lý, nhất là chèo Đức Lý (Lý Nhân). Câu chuyện về chèo ở hai huyện miền núi dọc sông Đáy Kim Bảng, Thanh Liêm được nối dài bởi những cái tên chèo Lê Hồ, Đồng Hoá, Liêm Sơn, Thanh Hà… Đặc biệt là chèo làng Tháp (Kiện Khê, Thanh Liêm), một làng không chỉ nổi đình đám về phong trào hát chèo, hát dân ca quần chúng trong huyện, trong tỉnh, mà còn đóng góp cho ngành chèo chuyên nghiệp cả nước tới mấy chục nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công. Đến nay, riêng lĩnh vực nghệ thuật chèo, Hà Nam có 3 nghệ nhân ưu tú (NNƯT), đó là: NNƯT Trương Duy Thọ (xóm 4, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân), NNƯT Hoàng Văn Hởi và NNƯT Nguyễn Thị Sao (thôn Phương Thượng, xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng); là quê hương của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh nghệ thuật chèo, như: cố NSND Dịu Hương, cố NSND Bạch Trà, cố NSND Lê Huệ, NSND Lương Duyên…

Trong những con đường đưa chèo đến gần nhân dân, chèo phải được bảo tồn và phát huy các giá trị trong đời sống. Hà Nam sẽ chú trọng các hoạt động đầu tư, dàn dựng vở, tổ chức truyền dạy, giảm thiểu nguy cơ mai một, bảo đảm sức sống lâu dài cho chèo; tích cực phối hợp với tỉnh Thái Bình và các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Hồng xây dựng hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và đệ trình UNESCO công nhận nghệ thuật hát Chèo (đồng bằng sông Hồng) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

 Chu Uyên

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy