Bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên”

Trong số những ca khúc thuộc nền âm nhạc cách mạng Việt Nam có liên quan đến các sự kiện, thời khắc lịch sử quan trọng của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, ca khúc “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận (*) được rất nhiều công chúng yêu âm nhạc biết đến, yêu thích và thuộc nằm lòng.

Tròn 70 năm đã qua kể từ ngày ra đời đúng vào thời khắc Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, âm hưởng từ bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận vẫn làm rạo rực, mê say trong tâm thức hàng triệu người Việt Nam nhiều thế hệ, nhất là khi mỗi dịp tháng năm về.

“Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/ Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui/ Bản mường xưa nương lúa mới trồng/  Kìa đàn em bé giữa đồng nắm tay xòe hoa”… mang âm hưởng của hồi kèn loan báo tin mừng thắng trận bất ngờ vang vọng, vút cao, lan tỏa, “Chiến thắng Điện Biên” thu hút người nghe ngay từ những ca từ đầu tiên của khổ nhạc mở bài. Để rồi người nghe cứ như ngay lập tức cuốn theo bước chân thần tốc của các cánh quân ta đang rầm rập băng đèo, vượt dốc, cuốn theo không khí hân hoan mừng chiến thắng của trận quyết chiến chiến lược mang tên Điện Biên Phủ: “Dọc đường chiến thắng ta tiến về, đoàn dân công tiền tuyến vẫy chào pháo binh vượt qua/Súng đại bác quấn lá ngụy trang/Từng đàn bươm bướm trắng rỡn lá ngụy trang”…

Ảnh tư liệu: Hanoimoi

Tiếp nối âm hưởng của hồi kèn loan tin mừng thắng trận vút lên từ những nốt nhạc, ca từ đầu tiên đầy ngẫu hứng xuất thần trong khổ nhạc mở bài, khung cảnh núi rừng Tây Bắc hùng vĩ với đèo cao, suối sâu, vực thẳm, với những bản làng, nương lúa, nương ngô mở rộng, trải dài… bất ngờ hiện lên vô cùng khoáng đạt, quyện hòa náo nức cùng nhịp bước quân hành của những đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và biết bao gương mặt hân hoan chào vẫy, đón mừng của bà con các dân tộc anh em... “Xiết bao sướng vui từ ngày lên Tây Bắc/Đồng bào nao nức mong đón ta trở về/Giờ chiến thắng ta đã về/Vui mừng đón chúng ta tiến về/Núi sông bừng lên/Đất nước ta sáng ngời/Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”...

Hòa nhịp theo âm hưởng hào sảng, mê say đầy ngẫu hứng của khúc hoan ca mừng chiến thắng, ở khổ nhạc thứ hai, “Chiến thắng Điện Biên” là lời khẳng định về bước trưởng thành vững chắc, mạnh mẽ của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng, của dân tộc Việt Nam anh hùng; đồng thời, khẳng định niềm tin sắt đá của quân và dân Việt Nam trên con đường cách mạng giải phóng dân tộc mà Đảng, Bác Hồ kính yêu đã chọn: “Giải phóng miền Tây/Bộ đội ta đã mau trưởng thành/Giữa trận Điện Biên Phủ càng tin quyết tâm ở trên”… Là một chiến sĩ Điện Biên, trong vai trò cán bộ văn nghệ quân đội đi phục vụ chiến đấu suốt chiều dài chiến dịch, nhạc sĩ Đỗ Nhuận dường như đã thẩm thấu sâu sắc những gian khổ, hy sinh của cuộc chiến cũng như tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn quân và dân ta. Và có phải vì thế nên hòa theo mỗi ca từ, nốt nhạc của “Chiến thắng Điện Biên”, ta như thấy tâm hồn mình cũng ngay lập tức náo nức reo vui cùng nhịp điệu hối hả, khẩn trương của chiến dịch lịch sử “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, để cảm nhận sâu sắc hơn thêm những hy sinh, gian khổ mà quân và dân ta đã phải trải qua mong hướng tới ngày chiến thắng: “Đổ mồ hôi phá núi bắc cầu/Vượt rừng qua suối đắp đường thắng lợi về đây/Phương châm đánh chắc ta tiến lên/Lực lượng như bão táp, quân thù mấy cũng phải tan”.

Cùng với âm hưởng chủ đạo reo mừng chiến thắng vĩ đại, lớn lao của đất nước, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” còn ngân lên trang nghiêm những thanh âm tha thiết thể hiện lòng ngưỡng vọng và thành kính biết ơn từ muôn triệu người dân Việt Nam hướng về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại. Bằng những ca từ giản dị, quyện hòa trong giai điệu khẩn trương, sôi nổi,  “Chiến thắng Điện Biên” đã khẳng định: Thắng lợi vẻ vang của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ là thắng lợi thể hiện sự đúng đắn, tài tình trong đường lối kháng chiến “toàn dân, toàn diện” của Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu; cũng đồng thời là chiến công của quân dân Việt Nam kính dâng lên vị “Cha già dân tộc”: “Vang lừng tiếng súng khi mừng công/Thỏa lòng ta dâng Bác bấy lâu chờ mong”. Ở một bình diện khác bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” còn là lời khẳng định: Chiến thắng lịch sử của cách mạng Việt Nam không những đánh sập ý chí ngông cuồng cùng mưu đồ, tham vọng đen tối của chế độ thực dân mà còn minh chứng cho thắng lợi tất yếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đem lại cơm áo, ấm no cho mọi người, mọi nhà “Xiết bao sướng vui nhìn đồng quê phơi phới, nông dân hăng hái khi chúng ta trở về/Ruộng đất chúng ta đã về, vui mừng đón chúng ta tiến về”. Ở một tầm cao hơn, rộng hơn, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” còn như lời khẳng định thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam chính là niềm cổ vũ cho các dân tộc bị áp bức và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới thêm tin tưởng, vững vàng, thêm kiên trì, bền bỉ với sự nghiệp đấu tranh cách mạng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc, thực dân, giành độc lập, tự do cho đất nước: “Chiến sĩ Điện Biên, thế giới đang đón chờ/Chiến dịch đại thắng lợi góp sức xây dựng hòa bình”…

Lời nối lời, đan trải trào dâng trong nhịp điệu khẩn trương, sôi nổi, rộn rã, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” mang đậm chất âm hưởng của một khúc nhạc quân hành hùng tráng, hào sảng, khỏe khoắn, tươi vui… Và có một điều đặc biệt ở “Chiến thắng Điện Biên” là bừng lên trong âm hưởng trào dâng bất tận của bản hùng ca báo tin chiến thắng, ta nghe như có tiếng sáo, nhịp trống dồn rộn rã của làn điệu chèo “Lới lơ”, có tiếng khèn bè, khèn môi réo rắt ngân vang núi rừng, đồi nương của bà con các dân tộc Thái, dân tộc Mường, như có tiết tấu náo nức, tươi vui của vòng xòe hoa, của điệu múa sạp trong ngày hội mừng Tết cổ truyền, mừng cơm lúa mới…

Trung thành với nhịp điệu sôi nổi… khúc thức đơn giản, gọn gàng với hai trổ đoạn, “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ tài hoa Đỗ Nhuận dường như phác họa rất nhanh, rất phóng khoáng bức tranh tổng thể cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ mà dân tộc ta đã từng trải, để rồi trong tâm tưởng mỗi người nghe dường như đều thấy hiển hiện rất rõ âm hưởng bản hùng ca mừng chiến thắng, thấy hiển hiện rất rõ nét cả nước mắt và nụ cười trên gương mặt của muôn triệu người dân đất nước Việt Nam yêu dấu đã dũng cảm vượt lên những đau thương, mất mát để có thể đón hưởng trọn vẹn niềm vui ngày chiến thắng. Điều đặc biệt về thủ pháp nghệ thuật tạo nên sự thành công của bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” được khẳng định bởi sự tinh tế, khéo léo của nhạc sĩ Đỗ Nhuận khi kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa âm hưởng nhạc hiện đại với âm hưởng nhạc cổ truyền dân tộc, giữa chất liệu dân ca, chèo vùng đồng bằng Bắc Bộ với chất liệu dân ca của bà con các dân tộc miền Tây Bắc. Chính vì thế nên mặc dù nhịp điệu, tiết tấu rất khẩn trương, mạnh mẽ, đậm chất quân hành nhưng “Chiến thắng Điện Biên” của Đỗ Nhuận thể hiện rất rõ nét âm hưởng mượt mà, réo rắt, tươi vui trong mỗi nốt nhạc, ca từ.

Sau Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/5/1954, bản hùng ca “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã chính thức được chọn là nhạc hiệu mở đầu chương trình phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam mỗi buổi bình minh thức dậy, hằng ngày lan tỏa âm hưởng náo nức, tự hào đến mỗi thính giả nghe đài nhiều thế hệ của đất nước Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế. Trong nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng như những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, của dân tộc và Quân đội Việt Nam anh hùng, “Chiến thắng Điện Biên” luôn là một trong những tiết mục nổi bật, tạo dấu ấn nghệ thuật sâu đậm trong cảm nhận của công chúng. Trong bộ phim lịch sử “Hoa ban đỏ” (Đạo diễn Bạch Diệp), giai điệu “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tạo nên hiệu ứng nghệ thuật mạnh mẽ, góp phần vào thành công của tác phẩm điện ảnh này.

Tròn bảy thập kỷ đã qua, cứ mỗi độ tháng năm về, âm hưởng từ bản hùng ca bất hủ “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sĩ tài hoa Đỗ Nhuận lại thêm một lần hào sảng vút cao, trao truyền, lan tỏa trong nhiều thế hệ người dân Việt Nam yêu nước một niềm tự hào, náo nức không dễ diễn tả thành lời.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy