Người mắc bệnh tiểu đường có nên ăn mít?

Mít chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Nhưng loại quả có vị ngọt này liệu có tốt cho bệnh nhân tiểu đường?

Mít là nguồn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng tuyệt vời bao gồm vitamin C, vitamin B, magie, kali và chứa nhiều chất chống oxy hóa tăng cường sức khỏe. Theo một số nghiên cứu, mít có tác dụng hạ đường huyết và chứa các chất dinh dưỡng hỗ trợ sức khỏe tim mạch cũng như giảm nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe khác.

Người mắc bệnh tiểu đường có nên ăn mít
Ảnh: Healthline

Mít giúp điều chỉnh lượng đường trong máu?

Mít chứa các chất dinh dưỡng và chất phytochemical có đặc tính làm giảm lượng đường trong máu. Mít cũng là nguồn cung cấp chất xơ tốt, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa và tốc độ glucose đi vào máu.

Loại quả này cũng rất giàu proanthocyanidin và flavonoid, là những hợp chất thực vật có đặc tính trị đái tháo đường mạnh mẽ. Kết quả nghiên cứu cho thấy các hợp chất này ức chế một số enzyme liên quan đến quá trình tiêu hóa tinh bột, từ đó làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn.

Mặc dù nghiên cứu còn hạn chế, nhưng một nghiên cứu khác năm 2021 cho thấy khi những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 tiêu thụ 1 ounce bột mít (khoảng 28 gr) mỗi ngày trong 12 tuần, họ đã giảm đáng kể lượng đường trong máu lúc đói và sau bữa ăn so với những người dùng bột giả dược.

Các tác giả lưu ý nghiên cứu thực hiện đối với bột mít xanh được làm từ mít chưa chín, nên mít chín có thể có tác động khác đến lượng đường trong máu. Vì lý do này, cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu đầy đủ về tác động của các sản phẩm từ mít, bao gồm cả mít tươi, đến việc điều hòa lượng đường trong máu.

Người mắc bệnh tiểu đường có nên ăn mít
Ảnh: facs.org

Ngoài thịt mít, hạt mít ăn được cũng có khả năng cải thiện việc kiểm soát đường huyết. Theo các nghiên cứu được thực hiện trên động vật, chất chống oxy hóa, chất xơ và caroten có trong hạt mít có thể giúp giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cũng cần có nhiều nghiên cứu hơn để khẳng định tác dụng điều trị bệnh tiểu đường tiềm năng của hạt mít.

Tóm lại, khi mắc bệnh tiểu đường, bạn vẫn có thể ăn mít bình thường nhưng nên ăn với lượng phù hợp theo khuyến nghị của bác sĩ.

Mít giúp cường sức khỏe tim mạch

Mít rất giàu chất dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tim mạch, bao gồm kali. Kali điều chỉnh huyết áp bằng cách làm giãn mạch máu và thúc đẩy bài tiết natri qua nước tiểu.

Các nghiên cứu cho thấy những người có lượng kali thấp có nhiều khả năng bị huyết áp cao hơn.

Ngoài kali, mít còn chứa các chất dinh dưỡng khác có lợi cho tim, chẳng hạn như magie và chất xơ.  Magie cũng rất quan trọng trong việc điều hòa huyết áp, trong khi chất xơ giúp hỗ trợ mức cholesterol khỏe mạnh.

Người mắc bệnh tiểu đường có nên ăn mít
Ảnh: Sergio Mendoza Hochmann/ Getty Images

Rủi ro khi ăn mít

Hầu hết mọi người đều an toàn khi ăn mít, nhưng một số nhóm người nhất định có thể bị dị ứng với loại quả này.

Những người dị ứng mủ cao su và phấn hoa bạch dương thường có nhiều khả năng bị dị ứng với mít hơn.

Ngoài ra, vì mít là nguồn cung cấp kali dồi dào nên những người có chế độ ăn hạn chế kali (chẳng hạn như người theo chế độ ăn kiêng dành cho bệnh thận ở giai đoạn nặng) nên ăn mít và các thực phẩm giàu kali khác một cách điều độ.

Theo vov.vn

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy