kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Tượng đá Kinari - Dấu ấn Chăm Pa trên đất Hà Nam

Tượng đá Kinari - Dấu ấn Chăm Pa trên đất Hà Nam

Ở Việt Nam, yếu tố Chăm Pa để lại rõ rệt và phổ biến trong các chùa thời Lý, tiếp theo là các chùa thời Trần. Còn ở Hà Nam, yếu tố Chăm Pa để lại rõ rệt ở phù điêu (tượng) Kinari đầu người mình chim trong một số bộ phận kiến trúc thời Lý, tiêu biểu là ở chùa Đọi và tháp Sùng Thiện Diên Linh (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên).

Hình tượng đầu người mình chim là một nhân vật thần thoại trong văn hóa Ấn Độ mà Chăm Pa có ảnh hưởng sâu đậm. Các nhân vật đầu người mình chim chuyên lo việc ca múa trong các chùa tháp Phật giáo.

Tại chùa Đọi, qua đợt khai quật khảo cổ học vào tháng 10 năm 2001, tại khu vực được cho là chân đế của ngôi Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Hà Nam đã thu được nhiều di vật quý ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa thời Lý, trong đó có 2 tượng Kinari của văn hóa Chăm Pa. Đó là một tượng người chim mất đế, chân, đuôi; tóc búi cao trên đỉnh đầu, hai cánh chim xòe ra, hai tay đánh trống. Một tượng người chim Kinari cao 58 cm, bị sứt, đứng trên bệ hình vuông, tóc búi cao trên đỉnh đầu, hai cánh chim xòe ra, hai tay giữ nhạc cụ, đuôi chim vểnh cao xòe rộng. Qua xác định những tượng Kinari này có niên đại thời Lý, năm 1121. Các tượng Kinari này đều được tạc bằng đá màu xám ráp nguyên khối.

Tuy có kích thước khác nhau, nhưng các tượng đều chung cách tạo dạng và bố cục. Tượng có khuôn mặt người đầy đặn, với đôi mày thanh tú, cặp mắt hơi xếch, mũi dọc dừa cao thẳng, làn môi khép như thoáng nở nụ cười. Các chi tiết trên vẻ mặt mang nhiều yếu tố hiện thực thể hiện sự trầm tư, dịu dàng nhưng cũng rất rạng rỡ. Bộ tóc được tết thành búi trên đỉnh đầu và được thắt bằng một dải riềm hoa buộc lại trên trán. Khuôn mặt người gắn với chiếc cổ cao ba ngấn, bộ ngực nở nang, đôi tay tròn mập biểu diễn một loại nhạc cụ. Phần chim ở tượng người chim thể hiện ở đôi chân chim gắn với thân người. Đôi chân ngắn, khỏe, có 3 móng sắc bám lấy bệ tượng. Cùng với đó là đôi cánh xòe rộng, dựng đứng áp sát thân, hình dáng như đang dướn bay lên. Trên đôi cánh chim là những đường cong khắc chìm vòng quanh vành ngoài, bên trong có những đường xoáy ốc cách điệu thành hình hoa lá chạm nổi. Cả khối tượng đó đứng trên một bệ đá liền khối. Toàn bộ tượng được thể hiện rất công phu, độc đáo, kỳ dị, nhưng thoải mái.

Tượng đá Kinari  Dấu ấn Chăm Pa trên đất Hà Nam
Tượng đầu người mình chim khai quật được tại chùa Đọi.

Trong kiến trúc Bảo tháp Sùng Thiện Diên Linh, những khối tượng đầu người mình chim được bố trí ở mặt ngoài của tháp, vừa giữ vai trò như những con sơn ở trên những chạc đỡ mái thuộc những tầng tháp khác nhau, vừa có tác dụng trang trí mặt ngoài của ngôi bảo tháp. Tượng có nhiều họa tiết trang trí quen thuộc của thế kỷ XI, XII. Đó là những đóa hoa nhỏ nhiều cánh kết thành dải trên đầu tượng như một vòng vương miện rực rỡ. Đó còn là những hình xoắn ốc tiếp nhau ở riềm, đuôi hay tiếp tuyến với nhau ở mặt ngoài của đuôi cánh hoa được bắt nguồn từ nền nghệ thuật Đông Sơn. Theo các nhà nghiên cứu, trên sườn chim ẩn dưới cánh là hình tượng con rồng thời Lý với nếp uốn trơn tru và mềm mại.

Ngoài tượng người chim, khu vực chùa Đọi, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện dấu ấn Chăm Pa qua con rồng chạm nổi ở mặt trên của đế bia Sùng Thiện Diên Linh. Hình rồng này được tổng hợp những yếu tố của nhiều con vật khác nhau, trong đó cơ bản là từ con rắn. Những con vật này của nghệ thuật Chăm Pa đã góp phần tạo nên con rồng thời Lý–Trần, mà đặc sắc nhất là chiếc mào lửa. Và những viên gạch hình vũ nữ dâng hoa giống như tư thế của vũ nữ Apsara tạc trên các tháp Chăm miền Trung. Hay những viên gạch trang trí hình rồng uốn lượn theo hình lá đề.

Những dấu ấn Chăm Pa qua các hiện vật ở chùa Đọi cho thấy, nhà Lý chỉ tiếp thu nghệ thuật của người Chăm ở hình tượng, còn phong cách và nhất là trang trí lại thể hiện rất đậm dấu ấn nghệ thuật của thế kỷ XI, XII. Để làm rõ vấn đề này, tới đây, Bảo tàng tỉnh sẽ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiếp tục tiến hành khai quật để phát hiện thêm các dấu ấn thời Lý tại khu vực chùa Đọi.

Chu Bình

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy