Dấu ấn mùa Thu lịch sử

Từ đường Lý Thường Kiệt (phường Lê Hồng Phong, TP Phủ Lý) rẽ vào khu hồ Vân Sơn có một con đường mang tên: Đường 24 tháng 8. Con đường chạy qua tổ 3, tổ 4 của phường Lê Hồng Phong với nhiều hộ dân sinh sống và kinh doanh buôn bán. Những ngày đầu thu cây cối hai bên đường rợp mát, những lá cờ đỏ sao vàng thắm tươi rực rỡ trong nắng suốt hai bên đường chào mừng kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Bác Trần Xuân Viện, năm nay 69 tuổi sinh sống bên đường 24 tháng 8 cho biết, gia đình bác và nhiều hộ dân sống hai bên đường 24 tháng 8 đều biết lịch sử của tên đường - đó là ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Phủ Lý - 24/8/1945.

Dù sinh ra sau thời điểm lịch sử đặc biệt 2/9/1945 hơn chục năm, nhưng qua lời kể của cha ông, qua sử sách, phim ảnh, các phương tiện thông tin đại chúng,… bác Viện biết nhiều về những ngày lịch sử giành chính quyền của thị xã Phủ Lý trước đây. Nhiều người dân khác ở đây cũng biết về những ngày lịch sử đặc biệt này. Khoảng đầu những năm 30 của thế kỷ XX, Phủ Lý là thị trấn của huyện Thanh Liêm. Từ năm 1934 Phủ Lý được nâng cấp lên thị xã. Dưới ách thống trị của thực dân phong kiến người dân chịu sự bóc lột sưu cao thuế nặng, bất bình nhất là thuế thân (thuế đánh vào đàn ông từ 18 tuổi trở lên). Rồi tệ nạn xã hội, cho vay nặng lãi phát triển khiến nhiều gia đình đã nghèo lại càng rơi vào cảnh cùng quẫn. Tuy nhiên, cũng như mọi vùng quê trên mảnh đất hình chữ S, đây là vùng đất có phong trào yêu nước, đấu tranh cách mạng mạnh mẽ. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và lãnh đạo cách mạng, Phủ Lý có nhiều người con ưu tú cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như Lương Khánh Thiện, Nguyễn Thượng Cát (Hồ Xanh), Trần Lung,…

Tháng 8/1945, sau khi phát xít Nhật đầu hàng đồng minh vô điều kiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh các địa phương trên cả nước đứng lên giành chính quyền. Một số đảng viên ở Phủ Lý đã bí mật chuẩn bị khởi nghĩa. Tin tức khởi nghĩa ở các tỉnh liên tiếp truyền về đã động viên, cổ vũ khí thế cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thị xã. Một số cán bộ cách mạng mua vải để may sẵn cờ đỏ sao vàng, vận động nhân dân trong phố chuẩn bị sẵn sàng đợi lệnh khởi nghĩa. Sau khi các huyện Duy Tiên, Lý Nhân, Kim Bảng tổ chức khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, tối ngày 21/8/1945, Ban Cán sự Đảng tỉnh Hà Nam tổ chức họp tại Điệp Sơn (Duy Tiên) bàn kế hoạch cụ thể giành chính quyền tỉnh Hà Nam. Để tránh đổ máu, hội nghị quyết định huy động lực lượng lớn quần chúng cách mạng của Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm, Kim Bảng và thị xã Phủ Lý, lấy lực lượng vũ trang của các cơ sở làm lực lượng nòng cốt cho biểu tình bao vây thị xã; phân hóa cao độ bọn chỉ huy Bảo An binh, bức địch đầu hàng, tránh xung đột gây căng thẳng bất lợi cho ta.

Đường 24 tháng 8 ghi dấu sự kiện ngày Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Phủ Lý năm 1945.

Ngày 23/8/1945, sau khi chính quyền thực dân phong kiến bàn giao toàn bộ vũ khí, ấn tín, hồ sơ, giấy tờ và chính quyền cho chính quyền cách mạng, cán bộ Việt Minh, các cơ sở cách mạng của Phủ Lý làm việc liên tục, không ngủ. Mọi người hối hả hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Người thì chịu trách nhiệm vận động nhân dân đun nước uống, người thì chịu trách nhiệm chuẩn bị cơ số thuốc cùng các phương tiện cứu thương để phục vụ nhân dân các huyện. Cùng với đó, tích cực vận động các tầng lớp tiểu thương, thợ thủ công, viên chức giúp đô, các cửa hiệu bán vải cho chịu tiền, các cửa hiệu may khẩn trương may đủ số cờ đã đặt.

Sáng sớm ngày 24/8/1945, lực lượng cách mạng hùng hậu bao gồm các hội viên cứu quốc, tự vệ chiến đấu và quần chúng cách mạng của 5 huyện: Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Bình Lục, Lý Nhân rầm rập từ các ngả tiến về thị xã Phủ Lý phối hợp với lực lượng thị xã tập kết theo giờ, địa điểm đã quy định. Trong trại Bảo An binh, cán bộ Việt Minh cùng đội nữ tự vệ và lực lượng bảo an tiến ra sân vận động. Để bảo vệ cuộc mít tinh được an toàn, các đơn vị tự vệ bố trí chốt chặn xung quanh doanh trại quân Nhật đóng trong thị xã, một trung đội tự vệ nhanh chóng tiếp nhận số súng đạn của đội nữ binh Phủ Lý để sẵn sàng chiến đấu. Mở đầu cuộc mít tinh là những loạt đạn bắn lên trời đề khuyếch trương lực lượng. Trên sân vận động Phủ Lý hàng vạn người dự niềm vui tràn ngập trong rừng cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay. Đồng chí Lê Thành, Chủ tịch Ủy ban Quân sự cách mạng tỉnh Hà Nam đọc diễn văn nêu rõ đường lối cứu quốc của Việt Minh và tuyên bố chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân. Những tiếng hô “Ủng hộ Việt Minh! Chính quyền cách mạng muôn năm! Chính quyền cách mạng muôn năm!” nối tiếp nhau vang động trời xanh.

Cuộc mít tinh với lượng người khổng lồ sau đó đã chuyển thành cuộc tuần hành biểu dương lực lượng quanh thị xã. Dòng người bước theo nhịp bài “Tiến quân ca" hùng tráng. Đoàn quân cách mạng vừa đi vừa hát, tiến về chiếm dinh Tỉnh trưởng, Sở Cảnh sát, trại Bảo An binh và các công sở của địch.

Ngày 24/8/1945, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại thị xã Phủ Lý đã diễn ra nhanh gọn, an toàn và giành thắng lợi rực rỡ. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở thị xã Phủ Lý ngày 24/8/1945 là một mốc son lịch sử đánh dấu sự đổi đời sau hàng nghìn năm sống dưới ách áp bức bóc lột của chế độ thực dân, phong kiến. Các tầng lớp nhân dân lao động được sống trong cảnh tự do, bình đẳng, mọi người tự quyết định vận mệnh của mình.

Từ mùa thu cách mạng năm ấy, các thế hệ người dân Phủ Lý vừa xây dựng cuộc sống mới, xây dựng quê hương, vừa tích cực tham gia các phong trào cách mạng, đánh đuổi các đế quốc sừng sỏ, góp phần vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Phủ Lý bây giờ đã là một thành phố năng động, phát triển. Ngoài đường 24 tháng 8, thành phố Phủ Lý còn có phường Lương Khánh Thiện. 3 trường học trên địa bàn phường gồm mầm non, tiểu học, THCS đều mang tên nhà cách mạng tiền bối của đất Phủ Lý xưa. Nhà tưởng niệm đồng chí Lương Khánh Thiện được xây dựng trong khu quần thể di tích lịch sử văn hóa tâm linh Đình Tràng (phường Lam Hạ). Ở thành phố Phủ Lý còn có đường Trần Thị Phúc. Đây là tên Bí thư Chi bộ Đảng đầu tiên của Phủ Lý. Những con đường gắn liền với lịch sử, những “địa chỉ đỏ” ghi dấu, nhắc nhớ những thế hệ người dân Phủ Lý sau này mãi nhớ về những thời khắc lịch sử, các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì độc lập tự do của mảnh đất này, để tiếp tục chung sức một lòng phấn đấu xây dựng thành phố ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Đỗ Hồng 

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy