Đã từ lâu đời, người Việt có tục lệ tính tuổi theo lịch can chi (âm lịch), theo đó, mệnh số mỗi người được gắn với thập nhị chi, tức 12 con vật (có thực và tưởng tượng) tùy thuộc vào năm sinh. Thập nhị chi bao gồm: Tý (chuột), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa), Mùi (dê), Thân (khỉ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn).
Trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc và của tỉnh nhà, trên vùng đất Hà Nam ở tất cả các tuổi đều có những người tài danh. Nhân năm mới Tân Sửu (2021), xin được giới thiệu một số người Hà Nam tuổi Sửu đã in/lưu dấu trong lịch sử Việt Nam, Hà Nam.
Lê Chân (05-43)
Bà sinh năm Ất Sửu, vốn quê Đông Triều (Quảng Ninh). Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa vào năm 40, Lê Chân cũng dấy binh chống quân Đông Hán (Trung Quốc) ở vùng An Biên, An Dương (thành phố Hải Phòng). Chính quyền đô hộ tan rã và sụp đổ nhanh chóng, nền độc lập dân tộc được phục hồi. Bà Trưng Trắc được suy tôn làm vua, đóng đô ở Mê Linh (thành phố Hà Nội).
Tháng 4 năm 42, nhà Đông Hán sai tướng Mã Viện đem hai vạn quân cùng 2.000 thuyền xe sang xâm lược nước ta. Thế lực giặc quá mạnh, quân đội của Hai Bà Trưng kháng cự quyết liệt nhưng bị thất bại. Bà Lê Chân đem quân rút về vùng rừng núi Lạt Sơn (Thanh Sơn, Kim Bảng) lập căn cứ kháng chiến. Căn cứ bị vây hãm, quân sĩ của Lê Chân chống trả kiên cường nhưng bị nhiều tổn thất. Ngày 13 tháng 7 năm Quý Mão (43), nữ tướng Lê Chân rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng bà gieo mình tự vẫn để khỏi sa vào tay giặc.
Tuy không phải người gốc Hà Nam nhưng bà Lê Chân trên vùng đất Hà Nam đã nêu cao khí tiết kiên cường, bất khuất của người phụ nữ nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.
Lê Hoàn (941-1005)
Ông sinh ngày 15 tháng 7 năm Tân Sửu (941), quê làng Bảo Thái, nay thuộc xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm.
Ông có công lớn giúp Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân thống nhất đất nước. Giữ chức Thập đạo tướng quân quản lĩnh toàn bộ quân đội, Lê Hoàn tỏ rõ có tài năng quân sự, giữ vị trí quan trọng trong triều đình nhà Đinh. Năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng bị Đỗ Thích sát hại, triều đình lập con thứ là Đinh Toàn mới 6 tuổi lên làm vua, Lê Hoàn làm Phó vương nắm binh quyền.
Mùa thu năm 980 nhà Tống (Trung Quốc) đem quân sang xâm lược nước ta. Tình thế cấp bách, theo đề nghị của Đại tướng Phạm Cự Lạng và của nhiều tướng khác, Dương Thái Hậu (Dương Vân Nga) đã sai người lấy áo long cổn khoác lên mình Lê Hoàn và chính thức mời Lê Hoàn lên ngôi vua để lãnh đạo cuộc kháng chiến.
Tháng 4/981, quân Tống kéo sang xâm lược nước ta bằng hai đường thủy bộ. Kế thừa kinh nghiệm của Ngô Quyền, nhà vua đã cho đóng cọc trên cửa sông Bạch Đằng (Thủy Nguyên, Hải Phòng). Quân giặc trúng kế bị đánh cho tan tành, đoàn chiến thuyền không còn đủ sức đi sâu vào nội địa. Cánh quân bộ của giặc vừa đến Chi Lăng, chưa kịp đề phòng đã bị quân ta đánh úp, tướng giặc Hầu Nhân Bảo bị giết tại trận. Cuộc xâm lược của nhà Tống đại bại.
Đánh thắng giặc xâm lược, giữ yên bờ cõi, nhà vua còn chăm lo đến sản xuất nông nghiệp, đời sống người dân mùa Xuân năm Đinh Dậu (987), nhà vua tổ chức cày Tịch điền dưới chân núi Đọi (xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên) để khuyến khích dân chúng siêng năng nghề nông, mở ra mỹ tục để các triều đại phong kiến sau này noi theo.
Bùi Đạt (1433-1509)
Ông là Nho sĩ, quan chức thời Hậu Lê (Lê sơ), sinh năm Quý Sửu (1433), người xã Tân Cốc, nay thuộc thị xã Duy Tiên. Bùi Đạt đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Quý Dậu, niên hiệu Thái Hòa 11 (1453) đời vua Lê Nhân Tông. Ông làm quan đến chức Tham Chính, ngoài 50 tuổi xin về dạy học ở quê.
Bùi Đạt tính tình cương trực, xuất thân từ gia đình nghèo, khi hiển đạt ông thường giúp đỡ người nghèo, nâng đỡ kẻ sĩ hàn vi. Ông sáng tác thi ca nhiều, song chỉ còn lưu lại một bài thơ chữ Hán: “Vãng Tam cốc Trần Đế cư xứ” (Thăm nơi vua Trần từng ở trong Tam cốc).
Trần Bích Hoành (1469-1550)
Ông sinh năm Kỷ Sửu (1469), quê ở xóm Tân Châu, xã Điền Xá, huyện Duy Tân (nay là thị xã Duy Tiên). Khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận 3 (1511) đời vua Lê Tương Dực, Trần Bích Hoành đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân. Là người có bản lĩnh, chí khí, dám nói thẳng nên ông được triều đình bổ nhiệm giữ chức Giám sát ngự sử (can gián vua). Tác phẩm của ông hiện còn bài thơ chữ Hán: Khánh Ân tự (chùa Khánh Ân). Ông được vinh danh trên Bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội).
Lý Trần Thản (1721-1776)
Ông người xã Lê Xá (nay thuộc xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên), sinh ngày 12 tháng 3 năm Tân Sửu (1721). Năm 23 tuổi, Lý Trần Thản đi thi Hương đỗ Hương cống được bổ làm Tri huyện Phú Xuyên (niên hiệu Cảnh Hưng thứ tư (1744) đời vua Lê Hiển Tông). Khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Cảnh Hưng 30 (1769) khi đã 48 tuổi, Lý Trần Thản mới thi Hội, thi Đình và đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân, lần lượt được bổ các chức quan trong triều là Thị Độc, Hữu Tư Giảng, Hình bộ Hữu Thị Lang, rồi lại được cử đi giữ chức Trấn thủ Hưng Hóa (Phú Thọ, Sơn Tây). Do có nhiều công lao nên ông được triều đình phong tước Tuy Viễn Hầu. Lý Trần Thản được tôn vinh trên bia Tiến sĩ dựng ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội).
Nguyễn Hữu Tiến (1901-1941)
Bậc tiền bối cách mạng Nguyễn Hữu Tiến sinh ngày mồng 5 tháng 1 năm Tân Sửu (1901) tại thôn Lũng Xuyên, xã Yên Bắc (nay là phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên). Từ nhỏ Nguyễn Hữu Tiến đã được cha đưa đến Kiến An (nay là quận Kiến An, thành phố Hải Phòng) sinh sống, đi học và tốt nghiệp Tiểu học. Thông minh, thích đọc thơ văn yêu nước của nhóm Đông Kinh Nghĩa Thục và của cụ Phan Bội Châu đã tác động đến cậu học trò Nguyễn Hữu Tiến và nhen lên tình cảm yêu nước nơi cậu.
Sau khi cha qua đời, Nguyễn Hữu Tiến trở về Lũng Xuyên mở trường dạy học. Cái tên giáo Hoài có từ đây.
Năm 1926, ông vận động thanh niên cùng quê có tư tưởng tiến bộ xuống thị xã Phủ Lý dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh.
Từ năm 1927, cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Hữu Tiến lật sang trang mới. Ông cùng đồng chí vận động thành lập và là Bí thư Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên đầu tiên của tỉnh Hà Nam. Tháng 9/1930, ông được cử vào Ban Tỉnh ủy lâm thời Hà Nam. Tại Hội nghị đại biểu Đảng bộ Hà Nam tổ chức tại thôn Lũng Xuyên ngày 22/1/1931, ông được vào Ban Tỉnh ủy chính thức, phụ trách công tác tuyên truyền, huấn luyện.
Ngày 22/5/1931, Nguyễn Hữu Tiến và một số chiến sĩ cộng sản của Tỉnh ủy Hà Nam, Nam Định, Thái Bình bị địch bắt ở Hà Nội. Tòa án của thực dân Pháp kết án tử hình Nguyễn Hữu Tiến, ông đã chống lại bản án với lập luận, lý lẽ đanh thép, nên Tòa thượng thẩm của Pháp phải xử lại rút xuống thành khổ sai chung thân, giam ông ở nhà tù Hỏa Lò, Sơn La, rồi đày đi Côn Đảo.
Tháng 4/1935, Chi bộ Đảng Côn Đảo tổ chức cho Nguyễn Hữu Tiến và một số đồng chí vượt ngục về đất liền an toàn. Ông được cử về hoạt động ở Hậu Giang với bí danh Quế Lâm, làm thầy giáo dạy học ở ấp Long Điền Tây, được Đảng phân công phụ trách Liên Tỉnh ủy Tây Nam Bộ. Sau đó ông được Đảng điều động về Sài Gòn, Chợ Lớn phụ trách cơ quan ấn loát của Đảng.
Ngày 23/11/1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng xuất hiện. Nguyễn Hữu Tiến đã góp phần và trực tiếp vẽ lá cờ này – lá cờ Tổ quốc.
Ngày 30/7/1940, Nguyễn Hữu Tiến lại bị địch bắt. Trước Tòa án binh Sài Gòn, Nguyễn Hữu Tiến cùng các đồng chí của mình đanh thép lên án thực dân
Pháp, bác bỏ cáo trạng phi lý. Chúng đã kết án tử hình ông và một số nhà cách mạng cốt cán. Ngày 26/8/1941, thực dân Pháp đã xử bắn Nguyễn Hữu Tiến cùng một số đảng viên cộng sản tại Hóc Môn (Gia Định).
Hồ Xanh (1901-1942)
Khởi đầu từ nghề dạy học, Hồ Xanh đã sớm giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản, Nhà báo cách mạng đúng nghĩa, có vị trí xứng đáng trong nền báo chí cách mạng Hà Nam nói riêng, Việt Nam nói chung.
Ông tên thật là Nguyễn Văn Nheo, thường dùng họ tên Nguyễn Thượng Cát, bút danh Hồ Xanh, sinh năm Tân Sửu (1901), quê thôn Mễ Thượng, xã Mễ Tràng, tổng Mễ Tràng, huyện Thanh Liêm (nay là Phường Lương Khánh Thiện, thành phố Phủ Lý). Sau khi thi đỗ cao đẳng tiểu học, ông dạy học ở tổng Cao Trại, huyện Thụy Anh (Thái Bình). Năm 1926, ông về quê dạy học và tham gia hoạt động cách mạng trong Chi hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Năm 1927, ông cùng đồng chí Lương Khánh Thiện tuyên truyền cách mạng vào Mễ Tràng và thị xã Phủ Lý. Ông là một trong những đảng viên đầu tiên ở Mễ Tràng. Trong hai năm 1930-1931, Nguyễn Thượng Cát tham gia vận động phát triển các tổ chức quần chúng của Đảng. Với bút danh Hồ Xanh, ông viết nhiều bài đăng trên các báo “Tin tức”, “Hồn trẻ” tuyên truyền vận động quần chúng. Đặc biệt, ông đã viết nhiều bài báo sắc sảo ủng hộ Nhà báo cách mạng Hải Triều, người chủ trương “Nghệ thuật vị nhân sinh” trong cuộc tranh luận gay gắt với phái chủ trương “Nghệ thuật vị nghệ thuật” – Ông còn tự mình dịch “Tư bản luận” của Các Mác từ tiếng Pháp sang tiếng Việt vào năm 1936, đồng thời, Hồ Xanh cùng cơ sở Đảng ở Phủ Lý tổ chức quần chúng thành những nhóm bạn đọc, góp tiền mua, đọc sách báo của Đảng và sách báo tiến bộ.
Năm 1938, Hồ Xanh bị địch trục xuất khỏi tỉnh Hà Nam. Ông lên Hà Giang tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1942, ông bị sốt rét ngã nước, phải về quê chữa bệnh và mất tại Bệnh viện Phủ Lý do bị kẻ địch tiêm thuốc độc sát hại. Năm 2001, Nhà nước công nhận ông là liệt sỹ và cấp bằng “Tổ quốc ghi công”./.
Mai Khánh