kita group giới thiệukita group dự ánkita group liên hệkita group STELLA MEGA CITYkita group STELLA RESIDENCE
Nhớ hội võ vật Phúc Châu

Nhớ hội võ vật Phúc Châu

"Ra đi chín tổng mười làng/ Đừng quên cháo loãng, cơm vàng Phúc Châu"; "Dù ai buôn đâu, bán đâu/ Nhớ ngày lễ hội Phúc Châu ta về"… đã bao đời nay, người dân Phúc Châu (Hợp Lý, Lý Nhân) tự hào truyền tụng nhau câu ca cửa miệng mà bao thế hệ dân làng từng ghi lòng tạc dạ về nguồn cội, gốc gác quê hương mình - vùng đất trù mật, bình yên có bề dày truyền thống về tinh thần thượng võ bên dòng Châu Giang xanh mát…

Điểm nhấn nổi bật trước hết trong nét văn hóa truyền thống của dải đất đồng bãi bên dòng Châu Giang này thể hiện ngay ở chính tên gọi Phúc Châu. Phúc Châu (Bãi Phúc), địa danh mang ý nghĩa thật đẹp, thật sâu xa là mảnh đất bồi đắp, hội tụ những điều phúc đức, tốt lành. Điểm nổi bật đáng chú ý nữa là cùng với những di sản vật thể thường thấy ở nhiều làng quê khác (chùa, đình… thờ Phật và những vị thánh thần tài đức, có công lao với quê hương, đất nước), Phúc Châu còn có ngôi cổ miếu lâu đời (thờ ông Tổ võ vật) cùng lễ hội võ vật truyền thống đầu xuân đặc sắc. 

Nhớ hội võ vật Phúc Châu
Một trận thi đấu tại hội vật mùa xuân thượng võ năm 2016 tại làng Phúc Châu, xã Hợp Lý, Lý Nhân. Ảnh: T.S

Theo ngọc phả còn lưu giữ và những giai thoại mà các cụ cao niên truyền lại, ngôi cổ miếu Phúc Châu thờ Tổ vật Trần Lực (hiệu là "Đô Hồ Nhà Trấu") - một võ tướng lừng danh dưới thời nhà Trần. Tương truyền, vào khoảng năm 1236 thời vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh), trong  khí thế bừng bừng của quân dân Đại Việt đang nhất tề hưởng ứng chiếu lệnh vua Trần, dốc lòng chuẩn bị cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ nhất, võ tướng Trần Lực buổi ấy đang trên đường về kinh thành Thăng Long, khi qua vùng đất Phúc Châu thấy trai đinh khắp làng rậm rịch luyện võ chuẩn bị phòng giặc đã động lòng cảm kích mà dừng chân và đích thân truyền dạy một số thế võ vật bí truyền độc đáo. Như cờ gặp được gió, trai làng Phúc Châu từ đó càng thêm háo hức, hăng say luyện tập võ vật và ra sức đua tài lập công góp phần cùng quân đội nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên - Mông. 

Đất nước thái bình, nhớ công ơn vị võ tướng tài đức họ Trần, dân làng Phúc Châu thành tâm tôn vinh ngài là Tổ vật, chọn thế đất đẹp lập ngôi miếu để quanh năm hương khói phụng thờ. Hằng năm, ngoài những kỳ việc làng, tế lễ tưởng niệm (nhân ngày sinh: 18 tháng Tám, ngày hóa: 30 tháng Chín) ông Tổ võ vật Phúc Châu - Đô Hồ nhà Trấu, dân làng còn đặt lệ duy trì sới vật để giữ gìn các ngón, thế bí truyền và mở hội vật mùa Xuân thượng võ để tôn vinh, tri ân tài đức, công lao của vị võ tướng lừng danh thời Trần. Lò vật Phúc Châu, hội vật Phúc Châu, nhờ thế được duy trì, lưu truyền thành tên, thành lệ qua gần tám trăm năm cho đến tận bây giờ.

Và cũng từ đó, các thế hệ người dân Phúc Châu, đời này tiếp nối đời sau tự hào lưu truyền cho con cháu trong làng tinh thần thượng võ cùng những lề tục đẹp của lò vật, hội vật độc đáo quê hương mình. Lò vật, hội vật Phúc Châu theo thời gian, thời cuộc, dẫu có khi thăng, khi trầm nhưng vốn quý võ vật cổ truyền của Tổ vật để lại với những bài khổ luyện (dồn gân, giữ hơi…), những động tác cơ bản trong 36 miếng thế nền tảng (18 miếng đánh, 18 miếng đỡ) cùng tôn chỉ theo học võ vật thì vẫn luôn được giữ gìn, lưu truyền nghiêm ngặt.

Tôn chỉ của lò vật, hội vật Phúc Châu định rằng: người theo học môn võ vật cổ truyền để rèn luyện ý chí can đảm, táo bạo, kiên cường, để rèn luyện sức khỏe, sự dẻo dai, nhanh nhẹn...; những người theo võ vật không ăn cơm, chỉ ăn cháo (cho nhẹ người); đặc biệt, nghiêm cấm đô sinh dùng miếng đánh hiểm khi tranh giải và chỉ khi gặp kẻ thù mới được dùng đến độc thủ…

Tiếp nối truyền thống của tiền nhân, đời nối đời, lò vật, hội vật Phúc Châu được các đô vật bạn bè cùng khách thập phương xa gần biết đến và ngưỡng mộ với bao giai thoại lưu truyền về những đô vật nổi danh nức tiếng như: đô vật Trương Nhi sức khỏe hơn người được phong biệt hiệu "Nghé Hoa"; đô vật Nguyễn Văn Cạn biệt danh "Bè Cạn", có độc chiêu ôm đối thủ chắc lỳ như bó bè dưới sông; đô vật Phó Mục, nước da đen bóng như đồng hun, vật hay, lại giỏi sông nước nên được mệnh danh "Trắm Đen"… Không ít kỳ hội võ vật đầu xuân, những đô vật làng Phúc Châu đã từng đọ tài cao thấp và thắng giải trước nhiều đô vật nổi danh các xứ như: đô vật “Voi Vàng” của xứ Đoài (Hà Tây xưa), đô vật “Tàu Đồng” của xứ Thanh… Bởi thế mới có câu ca được người dân Phúc Châu tự hào truyền tụng, tán thưởng đến tận bây giờ: "Bè Cạn làm đổ Tàu Đồng/ Nghé Hoa húc ngã cả ông Voi Vàng"…

Bước sang thời kỳ xây dựng đời sống mới, lò vật, hội vật Phúc Châu tiếp tục nổi danh cả nước bởi có đô vật Nguyễn Văn Khanh (1922-1973) với chức vô địch toàn quốc đầu tiên năm 1959 (Hình ảnh đô vật Nguyễn Văn Khanh đã từng được in trên con tem Bưu chính Việt Nam thời đó). Cũng từ sới vật Phúc Châu, nhiều đô vật và bao thế hệ vận động viên thuộc nhiều lứa tuổi đã từng tham gia các giải toàn quốc, giải khu vực, mang lại tiếng thơm cho làng vật.

Trong phong trào thể thao quần chúng, suốt một thời gian dài Câu lạc bộ Võ vật dân tộc Phúc Châu được coi là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng các thế hệ đô vật trẻ, cung cấp những vận động viên thuộc nhiều tuyến cho tỉnh và huyện Lý Nhân. Cũng từ dải đất đồng bãi nơi hội tụ bồi đắp những điều phúc đức tốt lành này, nhiều đô vật Phúc Châu tình nguyện viết đơn lên đường ra chiến trường, nhiều người trưởng thành và không ít người anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. “Bảng vàng thành tích” của lò vật Phúc Châu hiện vẫn còn lưu giữ những con số vô cùng ấn tượng về việc những thế hệ đô vật của làng đã giành gần 100 huy chương tại nhiều giải đấu quan trọng qua các thời kỳ; 7 vận động viên được tôn vinh, trao tặng “Huy chương Vì sự nghiệp thể dục, thể thao”; đô vật Nguyễn Văn Thuần được công nhận vận động viên đạt chuẩn kiện tướng quốc gia…

Nhớ hội võ vật Phúc Châu
Miếu thơ Tổ vật Đô Hồ Nhà Trấu- Trần Lực.

Những năm gần đây, trong lễ hội đầu xuân (rằm tháng hai), cùng với ôn lại truyền thống lịch sử, tôn vinh những thành tích trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, người dân Phúc Châu phấn khởi, hào hứng tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao quần chúng, đặc biệt là hội vật mùa Xuân thượng võ. Dẫu điều kiện, kinh phí còn có phần eo hẹp, nhưng hội vật luôn thu hút rất đông các đô vật thuộc nhiều thế hệ trong và ngoài làng tham dự. Bước vào sới vật, dù là đô vật tuổi trên bảy mươi, hay những đô trẻ tuổi mới 13, 14… đều hừng hực tinh thần thượng võ, cùng háo hức đua tài, giành giải, cùng trân trọng tôn vinh những chuẩn mực giá trị cao đẹp của võ vật truyền thống dân tộc.

Thật phấn khởi là năm 2015, Cụm di tích Miếu thờ Tổ vật và Đền Trong, Đền Ngoài của Phúc Châu được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Phấn khởi hơn nữa là trước thềm Xuân Nhâm Dần 2022 này, sới vật Phúc Châu đã được tôn tạo khang trang, sẵn sàng chào đón những đô vật xa gần về tụ hội, so tài vật võ. Cùng với đó, sân vận động trung tâm xã và sân bóng rổ dành cho thanh niên (vừa hoàn thành bởi sự hỗ trợ của tổ chức đoàn thanh niên và các nguồn lực xã hội hóa) sẽ góp phần tiếp tục thúc đẩy phong trào thể thao quần chúng của Phúc Châu nói riêng, Hợp Lý nói chung đi vào chiều sâu thiết thực, bền vững... 

Hy vọng, những nét đẹp văn hóa truyền thống của ông bà xưa để lại và được gìn giữ, lưu truyền đến hôm nay sẽ tiếp tục là cội nguồn sức mạnh nội sinh tiềm tàng để người dân Phúc Châu thêm tự hào, tự tin, thêm đoàn kết, nỗ lực thi đua xây dựng mảnh đất mang biểu tượng hội tụ những điều tốt lành của quê hương ngày càng giàu đẹp, tiến bộ, văn minh.

Thế Vĩnh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy