Nón lá vốn là hình ảnh thân thuộc, gần gũi, gắn bó với cuộc sống của người dân vùng nông thôn. Với người dân xóm Giải Tây, thôn Phù Tải, xã An Đổ, Bình Lục (trước là thôn Giải Tây), chiếc nón lá không chỉ là vật dụng dùng để che mưa, che nắng mà còn thể hiện được nét đẹp văn hóa đặc trưng mà bao thế hệ người dân nơi đây luôn mong muốn được gìn giữ, bảo tồn.
Về Giải Tây chúng tôi dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân ngồi thành hàng dài ở khắp các ngõ xóm để khâu nón lá. Nói về nghề truyền thống của quê hương, ông Lê Văn Lâm, Trưởng thôn Phù Tải cho biết: Đã là người dân Giải Tây thì ai cũng biết khâu nón lá. Không ai biết rõ nghề này có từ khi nào nhưng từ khi còn nhỏ tôi đã thấy ông bà, bố mẹ mình khâu nón và luôn tự hào về nghề truyền thống mà cha ông để lại. Điều đáng mừng là trong khi không ít nghề truyền thống ngày càng bị mai một thì nghề khâu nón lá ở Giải Tây vẫn tồn tại, phát triển và được nhiều khách hàng trong cả nước biết đến, tìm về đặt hàng. Hiện nay, ngoài xóm Giải Tây, nghề khâu nón lá còn được nhân rộng ra khắp cả xã, nhiều nhất là ở các thôn: Cói, Sông… Thế nhưng, nón khâu đẹp nhất vẫn là ở Giải Tây. Tuy là nghề phụ nhưng nghề khâu nón lá đã và đang giúp cho người dân Giải Tây có cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.
Được biết, xóm Giải Tây hiện có trên 300 hộ dân thì có khoảng 250 hộ tham gia làm nghề khâu nón lá. Ngoài lực lượng lao động chính làm nghề là người cao tuổi, phụ nữ có con nhỏ và trẻ em thì ngoài giờ làm hành chính, đi làm công nhân trong các công ty, hầu hết người dân ở Giải Tây đều tranh thủ thời gian rảnh vào buổi tối hay các ngày nghỉ trong tuần để khâu nón. Bình quân cứ 2 buổi tối, một người có thể khâu xong một chiếc nón lá. Bà Lê Thị Yến, 75 tuổi, một trong những người có thâm niên trong nghề khâu nón ở Giải Tây chia sẻ: Từ thế hệ của tôi, tầm tuổi lên 9, lên 10 là được bà hay mẹ dạy khâu nón. Nghề làm nón lá đã nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây. Mặc dù bây giờ ở tuổi của tôi không phải lo về vấn đề kinh tế nữa nhưng chúng tôi vẫn thích rủ nhau ngồi khâu nón lá và luôn muốn truyền lại niềm yêu thích làm nghề cho các con, cháu của mình.
Theo người dân Giải Tây, để có được một chiếc nón lá bền, đẹp, người thợ phải thật tỉ mỉ, cẩn thận ở tất cả các công đoạn, từ chọn lựa nguyên liệu gồm lá, cước, nứa cho đến việc là lá, vót vanh, khâu nón, cạp vành và làm nhôi. Nón lá ở Giải Tây có nhiều loại. Bình thường, một người có thể khâu được 2-4 chiếc nón mỗi ngày với giá bán từ 50-60.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, với những chiếc nón đẹp, người khâu phải mất gần 2 ngày mới hoàn thiện. Với loại nón này, từng đường kim khâu phải thật đều và đẹp như đường may. Vì thế, nón lá loại đẹp được bán với giá cao hơn 3-4 lần so với nón thường. Chị Trần Thị Ngọc, một trong những thợ khâu nón đẹp ở Giải Tây cho biết: Cũng như các chị em khác ở Giải Tây, tôi biết cầm kim khâu nón từ khi mới lên 9 tuổi. Khâu được nón không khó nhưng để khâu được nón đẹp theo yêu cầu đặt hàng của khách, đặc biệt là nón cưới thì không phải ai cũng làm được. Muốn làm được chiếc nón đẹp, người thợ phải biết cách chọn loại lá rộng và trắng. Lá được bóc một cách khéo léo rồi đem là phẳng. Tre, nứa làm vanh phải vót thật tròn, đều; khi khâu tránh làm đứt cước. Các mũi khâu phải ngắn, đều chằn chặn như đo. Hơn nữa, các mối nối sợi phải được giấu đi một cách kín đáo sao cho khi nhìn vào chiếc nón chỉ thấy những mắt sợi mịn màng. Trước khi sử dụng, nón lá thường được quang một lớp dầu và đem ra phơi nắng vài giờ đồng hồ để nón bóng, đẹp và bền hơn với thời gian.
Một chiếc nón lá ở Giải Tây hiện được bán với giá từ 40.000 đồng đến 200.000 đồng/chiếc, tùy thuộc vào đơn đặt hàng của khách và chất lượng của nón. Sau khi trừ chi phí nguyên liệu, một người khâu nón nhanh có thể đạt mức thu nhập 3-4 triệu đồng/tháng. Nón lá Giải Tây làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, chủ yếu được đem bán chợ hoặc làm theo đơn đặt hàng của thương lái trong tỉnh và các tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn... Với lượng hàng sản xuất như hiện nay, mỗi năm, xóm Giải Tây bán ra thị trường khoảng 500.000 chiếc nón các loại. Qua đó, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Nhiều gia đình ở Giải Tây còn có của ăn, của để và nuôi con ăn học trưởng thành nhờ nghề làm nón.
So với giá ngày công lao động hiện nay thì công khâu nón không cao. Thế nhưng, người dân Giải Tây vẫn yêu thích, gắn bó với nghề bởi nó không kén công lao động, phù hợp với tất cả mọi đối tượng. Và quan trọng hơn cả là người dân nơi đây yêu nghề khâu nón truyền thống, tự hào khi làm ra những chiếc nón đẹp mà nhiều nơi không có được. Tuy nhiên, làm sao để xây dựng được thương hiệu nón lá Giải Tây, để sản phẩm không chỉ được bày bán tại các phiên chợ mà còn có thể đến được với khách du lịch và nhiều hơn nữa các tỉnh, thành trong cả nước luôn là mong muốn của chính quyền địa phương và người dân nơi đây. Khi xây dựng được thương hiệu sản phẩm, bà con có thể yên tâm sản xuất, không phải lo giá cả lên, xuống theo từng phiên chợ hay phụ thuộc vào thương lái. Như vậy, người dân sẽ có thu nhập ổn định, nghề khâu nón lá sẽ mãi được bảo tồn, phát triển.
Nguyễn Oanh