Phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 16), tỉnh Hà Nam đã, đang tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực cho công tác phát triển đô thị và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 48,1%; huyện Kim Bảng được công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV, tiến tới thành lập thị xã trước năm 2025; thành phố Phủ Lý phát triển theo mô hình đô thị tăng trưởng xanh và thông minh.

Thực hiện Nghị quyết số 16, những năm qua, tỉnh Hà Nam đã làm tốt công tác lập, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung đô thị, cụ thể là phê duyệt các đồ án quy hoạch chung thị trấn trên địa bàn các huyện Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm như điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung đô thị Nhân Mỹ, đô thị Hòa Hậu (Lý Nhân); điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Bình Mỹ (Bình Lục), thị trấn Vĩnh Trụ (Lý Nhân); hoàn thiện trình thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 2 đồ án trên địa bàn huyện Bình Lục gồm điều chỉnh mở rộng quy hoạch chung đô thị chợ Sông, đô thị Tiêu Động.

UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu đô thị, phân khu chức năng theo đồ án quy hoạch chung đô thị trên địa bàn các huyện Kim Bảng, Lý Nhân, thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý; từng bước xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030 theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 1/8/2018.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng đã thực hiện tốt công tác quy hoạch, lập chương trình phát triển đô thị trên địa bàn. Tại các địa phương trong tỉnh, nhiều dự án phát triển đô thị đã được quan tâm đầu tư, nhất là các dự án về phát triển khu đô thị mới; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị; dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội; các dự án đầu tư xây dựng khu thương mại – dịch vụ; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải...

Đơn cử như tại Phủ Lý, thực hiện Chương trình phát triển đô thị thành phố Phủ Lý đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 10/9/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển đô thị Phủ Lý đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thời gian qua, thành phố  đã chú trọng hoàn thiện các tiêu chuẩn đô thị loại II, hướng tới mục tiêu phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2030. Trong đó, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, mở rộng không gian đô thị; sắp xếp hài hòa các lĩnh vực, khu vực phát triển đô thị thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ về y tế, giáo dục, hạ tầng phát triển du lịch...

Thời gian qua, có nhiều dự án đã được triển khai xây dựng trên địa bàn như dự án khu nhà ở Tân Hà (xã Tiên Tân, Tiên Hiệp); dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở đô thị thuộc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm y tế chất lượng cao của vùng tại địa bàn các xã Liêm Tiết, Liêm Tuyền; các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu thương mại, dịch vụ và nhà ở Thành Đạt, khu đô thị Nam thành phố, khu nhà ở Lam Hạ Center Point tại phường Lam Hạ; dự án đầu tư xây dựng khu dân cư và thương mại phía Đông đường Lê Chân; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị Tây Phù Vân; dự án đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở thuộc quy hoạch đô thị Bắc Châu Giang; dự án đầu tư xây dựng tổ hợp thương mại dịch vụ Tokyo Debiz tại phường Liêm Tuyền…

Đường Biên Hòa, TP Phủ Lý được chỉnh trang đáp ứng tiêu chí phát triển đô thị thông minh, bền vững. Ảnh: Lê Dũng

Ông Đỗ Hoàng Hải, Chủ tịch UBND thành phố Phủ Lý khẳng định: Thành phố Phủ Lý đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển đô thị với mục tiêu, xây dựng đô thị Phủ Lý phát triển đồng bộ theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh và bền vững, kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, trong đó phát triển đột phá ngành thương mại - dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2030, thành phố Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại I, là đô thị vệ tinh của thủ đô Hà Nội. Để đạt mục tiêu đề ra, thành phố xác định các khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ. Đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người đứng đầu các cấp; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, trong đó ưu tiên hạ tầng giao thông, thương mại dịch vụ chất lượng cao; nâng cao chất lượng đô thị, gắn với bảo vệ môi trường và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 16, bên cạnh việc nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch, những năm qua, tỉnh Hà Nam còn làm tốt công tác thu hút đầu tư, kêu gọi được các nhà đầu tư lớn, có tiềm lực và kinh nghiệm vào đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh; quan tâm phát triển nhà ở, khu dân cư đô thị; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư phục vụ các dự án phát triển đô thị; đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị…

Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 16, các sở, ngành, UBND cấp huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt về chủ trương, định hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về xây dựng và phát triển đô thị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành về vai trò động lực của phát triển đô thị trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 48,1%. Số lượng đô thị trên địa bàn tỉnh theo phân loại gồm có 13 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Phủ Lý); 2 đô thị loại IV (thị xã Duy Tiên và huyện Kim Bảng); 10 khu vực loại V gồm 4 thị trấn (Bình Mỹ, Vĩnh Trụ, Kiện Khê, Tân Thanh) và 6 khu vực được UBND tỉnh công nhận (xã Nhân Mỹ, miền Nhân Hậu - xã Hòa Hậu thuộc huyện Lý Nhân; xã Tràng An, An Lão, Tiêu Động thuộc huyện Bình Lục; đô thị Phố Cà - khu vực xã Thanh Tâm và một phần xã Thanh Nguyên, Thanh Nghị thuộc huyện Thanh Liêm).

Như vậy, đến hết năm 2023, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đã vượt so với mục tiêu Nghị quyết số 16 đề ra là đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hoá của tỉnh đạt 47,5% và đạt cao so với với tỷ lệ đô thị hoá trung bình của cả nước. Kết quả này cho thấy, trong những năm gần đây, tốc độ phát triển đô thị tại Hà Nam đạt mức tăng trưởng khá. Trong thời gian tới, tỉnh Hà Nam sẽ tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để xây dựng, phát triển nhanh, bền vững đô thị tỉnh Hà Nam trên nền tảng kinh tế đô thị vững chắc, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh và từng địa phương, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới bền vững hướng tới đô thị văn minh, chú trọng nâng cao đời sống của người dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường…

Với những kết quả đã đạt được đến thời điểm này, tin rằng tỉnh Hà Nam sẽ đạt mục tiêu mà Nghị quyết số 16 đề ra là đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt khoảng 58%; xây dựng thành phố Phủ Lý đạt tiêu chí đô thị loại I, thị xã Duy Tiên đạt tiêu chí đô thị loại III, tiến tới thành lập thành phố; Kim Bảng cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III; xây dựng 3 đô thị đạt tiêu chí đô thị loại IV; triển khai các mô hình đô thị tăng trưởng xanh, đô thị thông minh tại các đô thị loại III trở lên

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy