Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phê duyệt kế hoạch đấu tranh, phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021 – 2025, thời gian qua, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT trực thuộc tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm, nhất là đối với hoạt động kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đánh giá của ngành chức năng, tình hình kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là một trong các hành vi vi phạm diễn ra phổ biến nhất trong hoạt động kinh doanh thương mại. Thực tế, việc tiêu thụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Qua kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy, nhiều đơn vị kinh doanh các mặt hàng không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ, không có căn cứ xác định được nguồn gốc, xuất xứ.

Theo đó, để hạn chế vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực hiện sự chỉ đạo của Cục QLTT, thời gian qua, các đội QLTT trực thuộc đã đẩy mạnh kiểm tra kết hợp với tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật trong kinh doanh thương mại, mức xử phạt đối với việc kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;  đẩy mạnh tuyên truyền về Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định quy định: Hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ là hàng hóa lưu thông trên thị trường không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa bao gồm thông tin được thể hiện trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tài liệu kèm theo hàng hóa; chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hợp đồng, hoá đơn mua bán, tờ khai hải quan, giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với hàng hóa và giao dịch dân sự giữa tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa với bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Về mức xử phạt, Nghị định số 98/2020/NĐ-CP cũng nêu rõ: Hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 300.000 đồng đến 50.000.000 đồng căn cứ vào giá trị của hàng hóa vi phạm; phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… Đối với tổ chức vi phạm thì bị phạt tiền gấp hai lần mức phạt trên. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường phối hợp với Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh kiểm tra mặt hàng thực phẩm đông lạnh tại hộ kinh doanh thực phẩm ở thôn Nhật Tựu, xã Nhật Tựu, Kim Bảng. Ảnh: Hân Hân

Thống kê của Cục QLTT tỉnh cho thấy, giai đoạn 2021-2023, qua kiểm tra, lực lượng QLTT toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 118 vụ vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ với tổng trị giá hàng hóa vi phạm gần 1,6 tỷ đồng, thu nộp ngân sách nhà nước trên 948 triệu đồng. Điển hình là cuối tháng 5/2023, Đội QLTT số 3 (Cục QLTT) phối hợp với Phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) kiểm tra đối với hộ kinh doanh thực phẩm tại thôn Nhật Tựu, xã Nhật Tựu (Kim Bảng). Qua kiểm tra đã phát hiện trên 5 tạ thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc xuất xứ và 4,5 tạ thực phẩm đông lạnh nhập lậu. Cục QLTT tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và kinh doanh hàng hoá nhập lậu với tổng số tiền 51 triệu đồng; đồng thời buộc tiêu huỷ toàn bộ số hàng hoá vi phạm.

Tiếp đó, tháng 8/2023, Đội QLTT số 3 phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế (Công an thành phố Phủ Lý) kiểm tra hộ kinh doanh mặt hàng thời trang, đồ chơi trẻ em tại phường Minh Khai, thành phố Phủ Lý. Kết quả, đoàn kiểm tra phát hiện và thu giữ 316 đơn vị hàng hoá gồm quần áo, đồ chơi trẻ em các loại với tổng trị giá hàng hóa trên 51,3 triệu đồng. Cục QLTT tỉnh đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25 triệu đồng đối với hộ kinh doanh về hành vi kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ và tịch thu toàn bộ số hàng hoá vi phạm trên theo đúng quy định của pháp luật.

Cùng với công tác kiểm tra, các đội QLTT đã tổ chức ký hàng nghìn bản cam kết với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại trên địa bàn về việc không kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Trao đổi về kết quả đạt được trong công tác đấu tranh, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh cho biết: Thực trạng kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra khá phổ biến ở cả thành thị và nông thôn. Trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng các website thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để bán sản phẩm hàng hóa ngày càng trở nên phổ biến.Tuy nhiên hoạt động buôn bán này chưa được kiểm soát hiệu quả, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ bị trà trộn với hàng thật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, quyền, lợi ích của người tiêu dùng. Phần lớn hàng hóa vi phạm là đồ điện tử, quần áo, giày dép, đồng hồ đeo tay, đồ điện tử, điện lạnh, phụ tùng xe ô tô, xe máy, thuốc tân dược, thực phẩm, mỹ phẩm, chăn, ga, gối, đệm, đồ chơi trẻ em… Vì vậy, Cục QLTT tỉnh đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 888/QĐ-TCQLTT ngày 22/3/2021 của Tổng cục QLTT nhằm ngăn chặn có hiệu quả các vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên địa bàn. Theo đó, nhiều vụ việc vi phạm đã được lực lượng chức năng xử lý kịp thời, đúng đối tượng, mang tính răn đe cao. Hầu hết các cơ sở vi phạm trong năm trước không tái phạm trong năm sau.

Trong thời gian tới, Cục QLTT tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật và ký cam kết không bày bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, nhất là với các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử và kinh doanh trên các nền tảng số; kiên quyết xử lý các trường hợp kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ theo đúng quy định của pháp luật. Phấn đấu, đến hết năm 2025, có 100% cơ sở kinh doanh có hành vi vi phạm trong năm 2024 về buôn bán hàng không rõ nguồn gốc không tái phạm; 100% cơ sở kinh doanh không bày bán công khai hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng số được tuyên truyền, ký cam kết không kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc…

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy