Hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội (CSXH). Thông qua đó, nguồn vốn tín dụng chính sách đã nhanh chóng phát huy vai trò trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt của tỉnh; ban hành Công văn số 867-CV/TU ngày 14/01/2015 "về triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư; chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, ý nghĩa, vai trò của tín dụng CSXH.

Hằng năm, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đều dành một phần vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh để bổ sung nguồn vốn cho vay. Nhờ đó, tính đến ngày 30/4/2024, tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 3.335 tỷ đồng, tăng 130 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác của ngân sách tỉnh đạt 195 tỷ đồng, tăng 38,9 tỷ đồng so với đầu năm.

Nhân viên Chi nhánh NHCSXH tỉnh giải ngân vốn cho khách hàng vay.

Đối với việc giải ngân nguồn vốn, Chi nhánh NHCSXH đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo nâng cao năng lực hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp và chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách, đặc biệt đã bổ sung chủ tịch UBND cấp xã vào thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH cấp huyện từ năm 2015. Các chủ trương, chính sách về tín dụng ưu đãi được triển khai nhanh chóng. Đến hết tháng 4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 3.330 tỷ đồng, với 48.199 khách hàng đang vay vốn, tăng 128,7 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng trưởng đạt 4,02%, hoàn thành 63,72% kế hoạch tăng trưởng vốn được giao cả năm 2024. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp cho nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá giả hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngăn ở thôn 2, xã Nhân Nghĩa (Lý Nhân) chia sẻ: Trước đây, điều kiện kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, mặc dù có diện tích đất bãi nhiều nhưng lại thiếu vốn sản xuất. Năm 2022, được cán bộ Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình tôi vay 100 triệu đồng từ Chương trình giải quyết việc làm của NHCSXH để đầu tư trồng cây ăn quả và kinh doanh giống cây trồng. Có vốn tín dụng ưu đãi, hiện gia đình tôi đã trồng được hơn 200 gốc bưởi Diễn và nhập được nguồn cây giống về bán, hằng năm thu nhập từ bán bưởi và cây giống được hơn 300 triệu đồng.

Cũng giống như gia đình bà Ngăn, gia đình ông Trần Ngọc Minh, ở thôn 2, xã Nhân Nghĩa, trước đây kinh tế rất khó khăn. Năm 2023, nhờ Hội Nông dân xã tín chấp với NHCSXH huyện Lý Nhân cho vay 100 triệu đồng từ Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo để đầu tư mua thiết bị máy móc mở rộng làm xưởng mộc. Từ lúc xưởng có 50m2, đến nay đã sửa chữa lại quy mô 200m2 tạo việc làm cho 3 công nhân với mức lương ổn định từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Nói về hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác từ NHCSXH do Hội Nông dân xã Nhân Nghĩa quản lý, bà Nguyễn Thị Phượng, Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn 2, xã Nhân Nghĩa cho biết: Nguồn tín dụng CSXH là một trong những yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho tổ viên phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Hằng tháng tổ tiết kiệm và vay vốn chủ động triển khai việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn của tổ viên, quán triệt tổ viên thực hiện trách nhiệm vay trả theo đúng quy định; duy trì sinh hoạt tổ tiết kiệm và vay vốn, đôn đốc việc trả nợ, trả lãi của hộ vay, kiểm tra sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Đến nay, dư nợ vốn tín dụng ưu đãi trong tổ đạt 4 tỷ 185 triệu đồng, với 54 tổ viên vay vốn.

Bà Lê Thị Kim Dung, Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Hà Nam khẳng định: Sau 10 năm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu vốn, thiếu việc làm, góp phần ngăn chặn "tín dụng đen" ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương còn thấp; công tác phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội với tín dụng CSXH có lúc, có nơi chưa thật sự gắn kết, chưa đồng bộ; công tác kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội có nơi hiệu quả chưa cao; nhu cầu về vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh còn rất lớn, trong khi nguồn vốn còn hạn chế.

Trong thời gian tới, để chủ trương của Đảng về tín dụng CSXH ngày càng mang lại lợi ích thiết thực, đóng góp nhiều hơn trong công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao sống người dân, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các văn bản của tỉnh về tín dụng CSXH; trọng tâm là Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư; ưu tiên, cân đối nguồn lực từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay, nâng tỷ trọng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiến tới bằng mức bình quân chung toàn quốc và đến năm 2030 đạt 15% theo Quyết định số 05/QĐ-TTg ngày 04/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài các giải pháp trên, Chi nhánh NHCSXH tỉnh tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương xây dựng, lồng ghép các chương trình, dự án về giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, phát triển nhà ở xã hội... với việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tập hợp lực lượng, nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội đối với tín dụng CSXH; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn vay, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách thuận tiện trong việc vay vốn và sử dụng nguồn vốn vay có hiệu quả.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, bảo đảm đúng đối tượng được vay vốn và người vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả.

Trần Hữu

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy