Người phụ nữ từng là 'tổng thống bí mật' của nước Mỹ - Kỳ cuối

Để bảo vệ danh tiếng và quyền lực của chồng, bà Edith đã không cho ai tiếp cận với ông Woodrow và bắt đầu một chính phủ bên giường bệnh.

Kỳ cuối: Những quyết định thay đổi lịch sử

Về cơ bản, các nhân viên, thành viên nội các và quốc hội không được gặp Tổng thống Wilson. Trong một cuộc gặp chiếu lệ với Thượng nghị sĩ Gilbert Hitchcock và Albert Fall vào ngày 5/12, ông Wilson và bà Edith thậm chí còn cố che giấu phần nào tình trạng liệt bằng cách đắp chăn bên trái người ông. Thượng nghị sĩ Fall, một trong những đối thủ chính trị đáng gờm nhất của Tổng thống, đã nói với ông: “Tôi hy vọng ngài sẽ nghĩ tôi chân thành. Tôi đã cầu nguyện cho ngài, thưa ngài”.

Người phụ nữ từng là tổng thống bí mật của nước Mỹ  Kỳ cuối
Chân dung bà Edith ở tuổi 15 năm 1887. Ảnh: Thư viện Quốc hội

Sau đó, bà Edith nhớ lại rằng chồng bà ít nhất cũng đủ khỏe để nói đùa: “Như thế nào hả, Thượng nghị sĩ?”.

Có lẽ đây là một câu chuyện hay, nhưng người viết tiểu sử của Tổng thống Wilson là ông John Milton Cooper, Jr. nghi ngờ tính xác thực của câu chuyện. Ông nói rằng cả bà Edith và bác sĩ Grayson đều không ghi lại lời đáp lại thông minh như vậy trong bản ghi nhớ bằng văn bản của họ ngày hôm đó.

Đến tháng 2/1920, tin tức về cơn đột quỵ của Tổng thống bắt đầu xuất hiện trên báo chí. Tuy nhiên, toàn bộ chi tiết về tình trạng này của Tổng thống Woodrow Wilson và việc vợ ông quản lý công việc của ông không được người dân Mỹ hoàn toàn hiểu vào thời điểm đó.

Vấn đề là vào năm 1919, vẫn chưa có những hướng dẫn rõ ràng trong hiến pháp liên quan những việc cần làm về mặt chuyển giao quyền lực tổng thống, khi người đứng đầu đất nước bị bệnh nặng. Khoản 6 trong Mục 1 thuộc Điều II của Hiến pháp Mỹ nói về vấn đề kế nhiệm quyền tổng thống như sau: "Trong trường hợp tổng thống bị cách chức hoặc qua đời, từ chức hoặc không có khả năng thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của mình, thì quyền hạn và nhiệm vụ sẽ được trao cho phó tổng thống; và theo luật, trong trường hợp cả tổng thống và phó tổng thống bị bãi nhiệm, tử vong, từ chức hoặc mất năng lực, thì quốc hội sẽ tuyên bố quan chức nào sau đó sẽ giữ chức tổng thống và quan chức đó sẽ hành động tương ứng cho đến khi không còn tình trạng mất năng lực hoặc bầu được tổng thống".

Người phụ nữ từng là tổng thống bí mật của nước Mỹ  Kỳ cuối
Vợ chồng Tổng thống Woodrow Wilson. Ảnh: Viện Smithsonian

Nhưng tất nhiên Tổng thống Wilson vẫn chưa chết và không sẵn sàng từ chức vì tình trạng sức khỏe. Kết quả là, Phó Tổng thống Thomas Marshall đã từ chối đảm nhận chức vụ tổng thống trừ khi quốc hội thông qua nghị quyết rằng trên thực tế, chức vụ này bị bỏ trống và chỉ sau khi bà Wilson cùng bác sĩ Grayson đã chứng nhận bằng văn bản, sử dụng ngôn ngữ được Hiến pháp quy định, về việc tổng thống không có khả năng thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của mình. Không bao giờ có một nghị quyết như vậy.

Trên thực tế, phải đến năm 1967, Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ mới được phê chuẩn, trong đó quy định một phương thức chuyển giao quyền lực cụ thể hơn khi tổng thống qua đời hoặc bị tàn tật. Nhiều học giả nghiên cứu về sức khỏe tổng thống tiếp tục lập luận rằng ngay cả Tu chính án thứ 25 cũng chưa đủ rõ ràng về việc kế nhiệm chức tổng thống và cần sửa đổi, đặc biệt là trong bối cảnh y học thế kỷ 21 khi cơ hội sống sót ngày càng tăng dù mắc những căn bệnh nghiêm trọng.

Trong suốt quãng đời còn lại của mình, bà Edith Wilson kiên quyết khẳng định chồng bà phải thực hiện mọi nhiệm vụ tổng thống sau cơn đột quỵ. Như sau này bà đã tuyên bố trong cuốn tự truyện “Hồi ký của tôi” xuất bản năm 1938: "Vì vậy, tôi bắt đầu công việc quản lý của mình, tôi nghiên cứu mọi giấy tờ được gửi từ các bộ trưởng hoặc thượng nghị sĩ, đồng thời cố gắng hiểu và trình bày vắn tắt những thứ phải đến tay Tổng thống. Bản thân tôi chưa bao giờ đưa ra một quyết định nào liên quan đến việc giải quyết các công việc chung. Quyết định duy nhất của tôi là điều gì quan trọng và điều gì không, và quyết định rất quan trọng là khi nào nên trình bày vấn đề với chồng tôi".

Trong thế kỷ qua, các nhà sử học đã tiếp tục đào sâu vào quá trình hoạt động của chính quyền Tổng thống Wilson và rõ ràng là bà Edith Wilson đã hành động không chỉ như là một “người quản lý” đơn thuần. Về cơ bản, bà điều hành quốc gia cho đến khi nhiệm kỳ thứ hai của chồng bà kết thúc vào tháng 3/1921.

Bà Edith đã thay mặt Tổng thống lên tiếng và hành động. Bà quản lý Văn phòng Tổng thống. Hầu hết các nhà sử học hiện nay đều thừa nhận công việc này đã ảnh hưởng đến cả chính sách đối nội và quốc tế của Mỹ khi đó.

Trong gần ba năm, bà Edith đã xác định những thư từ và các vấn đề quốc gia nào đủ quan trọng để thu hút sự chú ý của Tổng thống đang nằm liệt giường. Bà cũng xác định vấn đề nào sẽ được giao cho các thành viên trong nội các xử lý. Bà làm tất cả những việc đó và giấu kín tình trạng của chồng với Phó Tổng thống Thomas Riley Marshall.

Điều đáng chú ý nhất có lẽ là bà Edith đã làm việc ở hậu trường trong quá trình phê chuẩn Hiệp ước Versailles. Đây là hiệp ước hòa bình được ký vào ngày 28/6/1919, chấm dứt tình trạng thù địch giữa Đức và hầu hết các cường quốc phe Đồng minh.

Hiệp ước này chưa bao giờ được Mỹ phê chuẩn. Tuy nhiên, điều quan trọng là nó đã giúp xây dựng một hiệp ước hòa bình riêng với Đức.

Người phụ nữ từng là tổng thống bí mật của nước Mỹ  Kỳ cuối
Tổng thống Wilson và bà Edith. Ảnh: Thư viện quốc hội

Gần ba năm sau, Tổng thống Woodrow Wilson qua đời tại nhà riêng ở Washington, D.C., lúc 11:15 sáng chủ nhật ngày 3/2/2024.

Theo tờ The New York Times ra ngày 4/2, cựu tổng thống đã nói những cuối cùng vào thứ sáu ngày 1/2: “Tôi là một cỗ máy hỏng. Khi máy móc hỏng - tôi đã sẵn sàng”. Và vào thứ bảy ngày 2/2, ông đã nói lời cuối cùng của mình: Edith.

Có thể nói ngày 2/10/1919 là lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ có một phụ nữ trở thành tổng thống trong thực tế, cho dù bà Edith chưa bao giờ chính thức giữ chức vụ này.

Cho đến những ngày cuối đời, cựu Đệ nhất phu nhân Edith Wilson vẫn khẳng định bà chưa bao giờ thực thi toàn bộ quyền lực tổng thống. Bà nói bà chỉ sử dụng một số đặc quyền thay mặt cho chồng mình.

Nhưng trong những năm gần đây, các học giả ngày càng chỉ trích nhiều hơn nhiệm kỳ Đệ nhất phu nhân của bà Edith Wilson. Giờ đây, họ có thể xem xét những ảnh hưởng lâu dài trong thời gian bà là “tổng thống bí mật”.

Nhà sử học Phyllis Lee Levin đã tuyên bố rằng hiệu quả các chính sách của Tổng thống Woodrow Wilson đã bị vợ ông cản trở một cách không cần thiết. Nhà sử học này gọi bà Edith là “người phụ nữ có quan điểm hạn hẹp và lòng quyết tâm dữ dội”.

Các nhà phê bình khác đã tuyên bố rằng bà Edith đã đánh giá thấp vai trò của chính mình trong nhiệm kỳ tổng thống của chồng một cách ngây thơ. Mặc dù bà có thể không đưa ra những quyết định quan trọng, nhưng bà đã ảnh hưởng đến chính sách trong nước và quốc tế. Bà góp phần quyết định vấn đề nào cần được chồng chú ý. Bà ưu tiên những vấn đề này theo giá trị và hiểu biết của mình về chính trị.

Tương tự, nhà sử học y học Howard Markel nhấn mạnh rằng bà Edith về cơ bản là người điều hành quốc gia cho đến khi nhiệm kỳ thứ hai của chồng bà kết thúc vào tháng 3/1921.


 

Thùy Dương/Báo Tin tức

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy