Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Tin liên quan
Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười Ba: Đợt tiến công cuối cùng

Hơn hai chục bác sĩ và mấy chục nhân viên quân y Pháp cũng bị đói, thân hình gày guộc, mệt mỏi, phờ phạc. Anh Khánh cho biết có người nữ hộ lý duy nhất, tên là Đờ Gala (Geneviève de Galard), đã được những thương binh Pháp coi là "thiên thần". Tôi nói điều ngay tới một đội điều trị kết hợp với nhân viên y tế của Pháp cứu chữa thương binh, có thể cho phía Pháp xuống lấy thương binh nặng như ta đã làm ở Thất Khê trong chiến dịch Biên Giới. Phải tổ chức ngay việc tẩy uế chiến trường để tránh dịch bệnh, cho chuyển thương binh địch từ dưới hầm lên khỏi mặt đất. Và sớm cho cô hộ lý duy nhất tại đây trở về với gia đình.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến-Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng.
Ảnh tư liệu/TTXVN     

Sau đó đội điều trị 3 đã được điều tới Điện Biên Phủ đảm nhiệm công việc vất vả này. Để có vôi bột tẩy uế chiến trường, quân y ta đã phải tìm một chiếc lò vôi hỏng ở cây số 15 (cách Điện Biên Phủ 60 kilômét), tìm trong dân công những người biết dùng đá nung vôi. Những chị em dân công được chọn làm hộ lý, sôi sục căm thù quân địch đã cướp bóc, đốt phá làng mạc quê hương, cướp đi của họ những người thân ngay trên chiến trường này, khi được giải thích kỹ chính sách của Đảng đã cùng các chiến sĩ quân y của ta di chuyển thương binh địch lên mặt đất và cứu chữa cho chúng. Ít ngày sau, được phép của ta, máy bay Pháp hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh để chở đi những thương binh nặng. Từ chiến dịch Biên Giới, đây là lần thứ ba ta cho quân Pháp làm việc này. Một người lính da đen trước khi rời Mường Thanh đã ứa nước mắt nói với một bác sĩ ta: “Thưa ông, từ khi tôi có trí khôn, ngoài mẹ tôi ra, bây giờ tôi mới biết đến sự dịu dàng và lòng yêu thương”.

Phải chở đợi hồi lâu mới có người dẫn lên xem A1, “chiếc chìa khóa" của Điện Biên Phủ. Anh em đã mất nhiều công dọn một lối đi an toàn giữa những bãi mìn.

Tôi đứng nhìn đường hào sâu chạy từ chân đồi lên đỉnh. Đây chính là con đường tiếp viện kín đáo đã làm cho trung đoàn 102 của Hùng Sinh ôm hận. Đường chiến hào của 14 chạy men theo hàng rào của cứ điểm A3, đâm thẳng vào "Cây đa cụt", như vết chém của thanh kiếm khổng lồ cắt rời điểm cao này ra khỏi khu trung tâm nằm dưới cánh đồng. Trước ngày nổ súng đánh A1 lần cuối, Bộ chỉ huy chiến dịch đã theo dõi từng đêm bước tiến đầy gian khổ của đường hào này.

Trên đỉnh đồi, là chiếc xe tăng, nòng pháo đã gục xuống, lỗ chỗ vết đạn. Mỗi tấc đất đều mang dấu vết của cuộc chiến đấu quyết liệt. Dưới chân tôi toàn một thứ đất đỏ nát vụn như cám, trộn đầy những mảnh gang, những đầu đạn đồng lớn, nhỏ, những đoạn dây thép gai.

Một đồng chí cán bộ chỉ cho tôi cái hầm ngầm nằm náu kín dưới ụ đất cao. Cách đó một quãng, khối thuốc nổ một tấn đã để lại trên mặt đồi một hố hình phễu khá sâu.

Tôi vào xem hầm ngầm. Nó không phải một công trình phòng ngự chiến đấu, chỉ là một khối gạch đá và xi măng kiên cố được bồi đất dày bên trên, nối với những hào sâu chạy về phía sau, khi ta tiến công thì địch rút vào đây, và dùng pháo bắn bên trên để ngăn chặn. Đường hầm của ta đưa thuốc nổ vào, dài 47 mét, nhưng vẫn còn cách hấm ngầm địch hơn 30 mét, nói lên trình độ nắm địa hình, xác định vị trí hầm ngầm của ta còn thiếu chính xác. Tuy nhiên, về sau ta biết khối bộc phá trên đồi A1 đã tiêu diệt gần hết một đại đội phòng ngự của địch và tạo ra một cửa mở ở phía đông nam nơi mũi chủ công của ta đánh vào tung thâm.

Từ đỉnh đồi A1, có thể nhìn rõ toàn bộ hình thái của tập đoàn cứ điểm và trận địa chiến hào của ta. Một công trình lao động khổng lồ bày ra trước mắt. Cơ quan tham mưu ước tính bộ đội ta đã đào khoảng hai trăm kilômét giao thông hào. Đây chính là cái vòng lửa ghê gớm đã thiêu đốt con nhím Điện Biên Phủ. Tôi chợt nghĩ tới một nhiệm vụ của bộ đội, là phải trả lại cánh đồng không còn dây thép gai và mìn cho đồng bào làm mùa, trước khi tiếp tục đi đánh giặc trên những chiến trường khác.

Sau đó, đi thăm sân bay, thăm đồi Độc Lập. Từ đồi Độc Lập trở về, chúng tôi đi Hồng Cúm. Trên đường, ghé qua bản Long Nhai, nơi bom địch đã tàn sát một lúc mấy trăm đồng bào ta bị chính chúng tập trung ở đây. Xe không thể đi tiếp đến Hồng Cúm vì đường hào trục vẫn còn cắt ngang.

Đêm hôm đó, tôi ở lại Điện Biên Phủ trong sở chỉ huy của Đờ Cát, nơi đã trở thành trụ sở của ban tiếp quản.

Niềm vui chiến thắng đã lắng lại. Bao nhiêu đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, những đồi C, đồi D...! Những người hầu hết còn ở lứa tuổi đôi mươi. Sự hy sinh của các anh không uổng phí. Các anh đã cho quân xâm lược một bài học nhớ đời! Sau này đọc cuốn sách của một thầy thuốc ở Điện Biên Phủ, tác giả kể lại nhiều binh lính Pháp chết không hề có thương tích! Những gì ta mang lại cho quân địch đã vượt lên sức chịu đựng của những con người không biết mình đang chiến đấu cho ai, chiến đấu để làm gì.

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy