Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Tiếp theo kỳ trước

Chương Mười: Dãy điểm cao phía đông

Qua báo cáo, tôi nhận thấy cán bộ chỉ huy của ta tại A1 không nắm vững địch, không nắm vững bộ đội, chắc chắn có khó khăn nào đó chưa thể giải quyết được ngay. Tôi nói với anh Thái ra lệnh 308 trao lại nhiệm vụ phòng ngự trên đồi A1 cho 174; 174 cũng chỉ cần để lại một bộ phận nhỏ, củng cố công sự thật vững chắc, bảo vệ phần đồn đã chiếm được, chuẩn bị cho cuộc tiến công sau này, đại bộ phận rút ra ngoài, tạm ngừng chiến đấu.

Tôi quyết định triệu tập hội nghị sơ kết đợt 2 chiến dịch vào ngày 6 tháng 4 năm 1954, và chỉ định một số cán bộ trực tiếp chiến đấu trên đồi A1 về gấp sở chỉ huy mặt trận.

Điện Biên Phủ  Điểm hẹn lịch sử
Ngày 14/4/1954, ta tấn công vị trí phía Bắc sân bay Mường Thanh, tiêu diệt một đại đội của địch. Ảnh:  Tư liệu TTXVN

Sau năm ngày chiến đấu, ở phía đông, ta đã chiếm được bốn ngọn đồi hiểm yếu, làm chủ một phần điểm cao then chốt A1, địch đã phải kéo pháo chạy khỏi cứ điểm 210, ở phía tây, ta chiếm thêm được các cứ điểm 106, 311. Phạm vi chiếm đóng của địch thu hẹp khá nhiều, lực lượng của chúng cũng bị tổn thất lớn. Nhưng ta chưa hoàn thành tất cả những mục tiêu đề ra, đặc biệt là chưa chiếm được hoàn toàn A1. Đây lại chính là một mục tiêu trọng yếu của đợt tiến công này!

Sáng ngày 3 tháng 4, anh Thái gọi điện thoại báo tin các đồng chí Hùng Sinh, Nguyễn Hữu An cùng với ba cán bộ tiểu đoàn của 102 và 174 đã về sở chỉ huy mặt trận. Mọi người đều quá mệt mỏi sau nhiều đêm không ngủ, đồng chí Hùng Sinh muốn được báo cáo ngay. Tôi nói cần để anh em tắm rửa, ăn uống, nghỉ ngơi cho lại sức trước khi làm việc, riêng hai đồng chí trung đoàn trưởng sẽ gặp tôi và anh Thái vào buổi chiều.

Buổi chiều, tôi và anh Thái cùng nghe báo cáo. Hùng Sinh cao lớn bước vào với một chiếc băng trên trán và đôi mắt sâu trũng vì thiếu ngủ.

Tôi hỏi:..

- Vết thương thế nào!

- Thưa, vết xước mảnh đạn thôi. Băng để tránh nhiễm trùng.

Tôi nói:

- Tin tức ở đây nắm được thì quân địch ở A1 tổn thất rất nhiều, có lúc bọn chỉ huy ở Mường Thanh tưởng là đã mất A1! Tại sao các đồng chí đánh mãi vẫn không giải quyết được!

- Báo cáo anh, chúng tôi rất cố gắng nhưng vướng phải cái hầm ngầm trên đỉnh đồi! Anh em đã đặt vào đó 80 kilôgam bộc phá giật nổ, nhưng nó vẫn trơ trơ.

- Sao không tìm cửa hầm mà đánh vào!

- Chúng tôi đã tìm nhiều lần, nhưng không thấy cửa hầm. Chắc cửa hầm nằm ở phía trong, anh em không vào được vì pháo bắn chặn, chúng bắn cả trên nóc hầm.

Tôi hỏi cả Hùng Sinh và Nguyễn           Hữu An:

- Theo các đồng chí, giờ phải đánh tiếp cách nào thì giải quyết được A1!

Nguyễn Hữu An nói:

- Phải huấn luyện và tổ chức một đội đánh hầm ngầm, do một cán bộ có quyết tâm cao chỉ huy, mang nhiều bộc phá đánh vào cửa hầm.

Hùng Sinh cân nhắc rồi nói thêm là suốt quá trình chiến đấu, bộ đội ta hầu như không lúc nào có ưu thế hơn địch. Địch tăng viện nhanh hơn ta. Ngoài pháo bắn chặn, chúng còn có cả xe tăng.

- Như vậy, vấn đề còn ở chỗ ta không chặn được quân viện từ Mường              Thanh lên!

- Thưa đúng. Mình bố trí binh lực để tiêu diệt quân địch ở A1, nhưng trong thực tế, phải đánh với toàn bộ quân viện ở khu trung tâm!

- Địch có khả năng đánh bật ta ra khỏi A1 không!

- Nếu ta tổ chức phòng ngự tốt thì địch không thể đánh bật được ta. Mấy ngày vừa qua, giữa ban ngày, có lúc chúng tôi chỉ còn hơn chục người, giữ cả một hướng phản kích, nhưng địch không vượt được qua.

Cả hai đồng chí trung đoàn trưởng đều hăng hái đề nghị cho đơn vị mình được tiếp tục tiêu diệt A1.

Tôi nói với anh Thái, cần trao nhiệm vụ cho các cơ quan nhanh chóng thu thập toàn bộ ý kiến về trận A1 của cán bộ về dự hội nghị, tìm gặp ở địa phương những người biết về cái hầm đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc trên quả đồi này, và chuẩn bị một kế hoạch tiêu diệt A1 thật chu đáo, vì chỉ có tiêu diệt được vị trí này mới có khả năng kết thúc sớm trận đánh.

Buổi tối, căn lán nhỏ rực rỡ hẳn lên dưới ánh đèn măng xông. Toàn bộ Đảng ủy Mặt trận có mặt để chào mừng những chiến sĩ A1. Văn phòng tổ chức bữa cơm với một số đồ hộp chiến lợi phẩm các đơn vị vừa gửi tặng. Mấy đồng chí cán bộ đều bỡ ngỡ trước quang cảnh này, vì họ tưởng bị Bộ chỉ huy chiến dịch gọi lên để thi hành kỷ luật do không hoàn thành nhiệm vụ!

Sau này, qua những tài liệu của phương Tây, chúng ta biết nửa đêm 30 tháng 3, tại A1 chỉ còn một nhúm lính Bắc Phi và lính dù, chúng đều nghĩ là sắp bị tiêu diệt. Chúng không tin ở mắt mình khi thấy bộ đội ta tạm ngừng tiến công, rút từ trong đồn ra ngoài. Lănggơle, chỉ huy khu trung tâm, đã viết trong hồi ký: "Nếu Điện Biên Phủ đã không bị mất đêm đó là do kẻ thù bị bất ngờ vì giành được những mục tiêu chỉ định quá nhanh chóng nên không đủ khả năng khai thác những thắng lợi ban đầu” .

Nguyên nhân không tiêu diệt được A1 chủ yếu là do 174 nổ súng chậm nửa giờ, khi pháo địch đã hoàn hồn tập trung bắn vào cửa đột phá tiêu hao nhiều lực lượng ta trước khi lọt vào đồn. Chiếc "hầm ngầm" ở A1, như sau này chúng ta biết, không quá khó đối với Nguyễn Hữu An, người đã từng tiêu diệt cứ điểm boong ke của Đờ Lát ở đồng bằng. Trong hội nghị tổng kết đợt 2, Nguyễn Hữu An đã bị phê bình nghiêm khắc vì mở cửa đột phá chậm. Đây là thất bại đầu tiên trong những trận đánh công kiên của anh. Nhiều năm sau đó, một lần tôi vào thăm sư đoàn 325 ở Đồng Hới, Nguyễn Hữu An lúc này là sư đoàn trưởng, mới nói:

- Ngày đó anh phê bình oan tôi, vì người chịu trách nhiệm ra lệnh nổ súng là đại đoàn. Khi thấy pháo bắn, tôi gọi điện thoại hỏi đại đoàn thì điện thoại bị đứt, liên lạc bằng vô tuyến điện cũng không được, tôi phải chạy tới sở chỉ huy tiền phương hỏi tham mưu trưởng, tham mưu trưởng cũng không biết vì ở đây cũng mất liên lạc với sở chỉ huy cơ bản. Mặc dù không có lệnh đại đoàn, tôi đã chủ động ra lệnh cho anh em bắt đầu tiến công địch.

- Sao ngày đó cậu không nói ngay!

Giữa lúc đơn vị chưa hoàn thành nhiệm vụ, nói ra tôi ngại mọi người hiểu: đã đánh không được lại còn "lý do lý trấu”!

Nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm Chiến thắng Điện Biên Phủ gặp lại Nguyễn Hữu An ở Bảo tàng Quân đội, tôi bắt tay            anh, nói:

- Mình công nhận hồi ở Điện Biên Phủ cậu bị phê bình oan!

- Tôi cảm ơn anh đã thông cảm. Việc đó đối với tôi đã qua rồi, nhưng được anh nghĩ tới và cư xử công bằng như vậy tôi hết sức trân trọng.

Đó là những điều thường gặp trong chiến tranh. Nếu có kinh nghiệm, ta có thể khắc phục được. Nhưng chúng ta chỉ là một quân đội non trẻ đang phải làm một công việc vượt quá sức mình.

Trận đánh những điểm cao phía đông là những ngày căng thẳng khó quên trong chiến dịch. Tôi không khỏi tự hỏi: Nếu như trước đây ta đã chọn cách đánh nhanh thắng nhanh? Và khi đó cũng chưa nghĩ đợt tiến công thứ hai đang đưa chúng ta tới gần chiến thắng.

(Còn nữa)

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy