Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận tại tổ

Ngày 23/5, tiếp tục chương trình làm việc ngày thứ 4, kỳ họp thứ 7, buổi sáng Quốc hội tiến hành phiên thảo luận ở tổ. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam tham gia thảo luận tại tổ 18 gồm các tỉnh Hà Nam, Thanh Hóa, Trà Vinh

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận tại tổ
Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu thảo luận tại tổ.

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận các nội dung: đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024. Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023. Kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023.

Thảo luận đối với nội dung đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cho rằng: Tình hình thế giới có rất nhiều biến động, khôn lường, trong đó, mới nhất là chiến tranh giữa Israel và Hamas... ảnh hưởng đến nguồn cung cấp dầu, giá dầu; làm đứt gãy chuỗi cung ứng và gây nhiều khó khăn… Mặc dù vậy, trong nước, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, nợ công, nợ quốc gia được bảo đảm.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nam thảo luận tại tổ
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam thảo luận tại tổ.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng đưa ra một số đánh giá về những hạn chế trong thời gian qua: Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nguồn lực cho phát triển văn hóa còn hạn chế. Tình trạng quá tải ở một số bệnh viện tuyến trên vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế còn diễn ra cục bộ ở một số địa phương (cử tri và nhân dân đã có những phản ánh, kiến nghị về vấn đề này). Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra…

Về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công còn chậm mặc dù đến 30/4/2024 đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên để đạt được kế hoạch năm thì cần phải có sự vào cuộc của các cấp, ngành; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu và cần có những giải pháp cụ thể, hiệu quả.

Theo đồng chí cần tập trung đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, quan trọng của quốc gia, đường cao tốc, các dự án liên vùng… Bên cạnh đó, việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội còn chậm. Thực tế cho thấy, nguồn vốn đầu tư phát triển ngân sách trung ương phân bổ chậm; việc lồng ghép nguồn vốn giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia khó thực hiện; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách trung ương còn chậm. Tỷ lệ đối ứng vốn địa phương cao, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, trong khi nguồn thu ngân sách nhiều địa phương hạn chế.

Việc giao các tỉnh chủ động cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu là rất khó khăn, nhất là đối với tỉnh điều kiện kinh tế còn khó khăn. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, bổ sung, thậm chí còn chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản, nhất là lĩnh vực đất đai, đầu tư… gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân (thời gian giải quyết các thủ tục còn dài, thông qua nhiều bước, nhiều quy trình nhất là các thủ tục liên quan đến thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất…) từ đó cũng có tác động đến tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án…

Về giải pháp thực hiện thời gian tới, đồng chí Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam nhất trí với các giải pháp đã nêu trong báo cáo, đồng thời đề nghị cần quan tâm, tập trung vào một số nội dung: Cần có các giải pháp cụ thể để thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thu ngân sách nhà nước. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024; kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm như đường cao tốc, liên vùng.

Sửa đổi, bổ sung các quy định để khắc phục hạn chế, mâu thẫu bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật…Tạo thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (giảm thủ tục hành chính và điều kiện đầu tư, kinh doanh...); tháo gỡ những tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài, nhất là trong phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong xử lý các vấn đề có tính liên ngành.

Quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện nay việc triển khai đầu tư khu công nghiệp chậm, kể cả khu công nghiệp đã được quy hoạch. Vì thế cần phải đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp để thu hút nhà đầu tư từ nước ngoài có công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

PV

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy