Tết Trung thu: Hạnh phúc người già, niềm vui con trẻ

Mỗi mùa Trung thu về, vui và háo hức nhất là các em nhỏ. Bởi lẽ, Tết Trung thu các em được tham gia cắm trại cùng bạn bè, vui liên hoan văn nghệ, phá cỗ trông trăng… Không chỉ các em nhỏ, đón Tết Trung thu, người già cũng ngập tràn niềm vui, niềm hạnh phúc. Bởi, Tết Trung thu còn được gọi là Tết đoàn viên, Tết của sự sum họp đầm ấm bên gia đình, Tết con cháu luôn nhớ và mong muốn được trở về đoàn tụ bên ông bà, cha mẹ. 

Ngay từ những ngày đầu tháng tám (âm lịch), không khí chuẩn bị đón Tết Trung thu đã nhộn nhịp, rộn ràng, tươi vui khắp nơi nơi. Từ thành phố tới các vùng nông thôn, đi tới đâu cũng bắt gặp những chiếc đèn ông sao năm cánh lung linh sắc mầu. Đi tới đâu cũng bắt gặp bánh nướng, bánh dẻo đủ hình dáng, kích cỡ, chủng loại... được bày bán ở các cửa hàng. Trẻ nhỏ háo hức, mong chờ đêm phá cỗ trông trăng cùng các bạn. Người già mong ngóng, đợi chờ ngày con cháu trở về, cả nhà được hội ngộ sau thời gian xa cách. 

Đón Tết Trung thu, nhiều làng quê tổ chức cắm trại, nấu ăn tập trung cho các cháu thiếu niên nhi đồng. Nhìn những nụ cười rạng rỡ, những ánh mắt trong trẻo sáng ngời niềm vui của thế hệ cháu con, bao bận rộn, vất vả lo chợ búa, cơm nước... của các bà, các mẹ, các chị bỗng tan biến. Mọi người như được sống lại những mùa trăng cổ tích đã qua của chính mình, được hòa cùng niềm vui, niềm hân hoan phấn khởi của con trẻ hôm nay. Đêm rằm, đợi trăng lên, các em nhỏ quây quanh mâm cỗ được bày khéo léo, đẹp đẽ và công phu với đủ các loại bánh kẹo, hoa quả; đặc biệt không thể thiếu bánh nướng, bánh dẻo - hai loại bánh đặc trưng chỉ bán mỗi dịp trung thu về. Xem bạn bè cùng các anh chị phụ trách biểu diễn các tiết mục văn nghệ, trẻ nhỏ ngồi dưới sân khấu vỗ tay cổ vũ không ngớt. Trong ánh sáng lung linh của muôn ánh đèn mầu, tất cả cùng hò reo vui sướng khi chứng kiến vầng trăng tròn vành vạnh từ từ lên cao. Cả một khoảng sân rộng ngập tràn tiếng cười nói, vui đùa tưởng chừng không thể dứt. Sau khi phá cỗ, mỗi bạn nhỏ đều có một phần quà riêng (được các cô, các bác chuẩn bị sẵn từ trước) mang về nhà. Đường làng đang im ắng chợt huyên náo trong ít phút bởi tiếng chuyện trò, chia tay của trẻ nhỏ rồi lại chìm vào tĩnh lặng.

Tết Trung thu - con cháu xa gần đều muốn được trở về sum vầy bên ông bà, cha mẹ. Trong cháu con, có người thành đạt, có địa vị trong xã hội; có người vẫn phải vất vả ngược xuôi long đong, lận đận, khó khăn chồng chất... nhưng với ông bà cha mẹ, tất cả đều được yêu quý, trân trọng như nhau, con nào cũng là con, cháu nào cũng là cháu. Bày cặp bánh nướng, bánh dẻo (quà con cháu mua về biếu) lên bàn thờ thắp hương gia tiên, ông bà xúc động nghẹn ngào. Đã qua rồi những năm tháng nghèo khó, qua rồi cảnh phải chạy ăn từng bữa... Nay con cháu đã khôn lớn, trưởng thành, biết quý trọng ông bà, cha mẹ, thành kính với tổ tiên, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau... còn hạnh phúc nào hơn. Người già chỉ mong có vậy! Trong ánh trăng rằm sáng vằng vặc, nơi hiên nhà, mọi người trong gia đình cùng ăn bánh, uống trà tâm sự, truyện trò đến khuya...

Tết Trung thu - Tết đoàn viên, Tết của biết bao niềm vui thơ trẻ, Tết của niềm hạnh phúc tuổi già, Tết của những mùa trăng cổ tích nối tiếp nhau đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc trọn vẹn cho mỗi gia đình, mỗi xóm làng thân thuộc. 

Mùa Trung thu - mùa Trăng rằm đẹp nhất trong năm đã về!

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy