Mùa cấy

Ngày trước, cấy tay một trăm phần trăm diện tích, nông dân vất vả, cực nhọc hôm sớm cả tháng trời. Giờ chẳng còn cảnh phải ăn cơm trưa ngoài đồng. Mùa cấy, nhà nhà gieo thẳng, nhiều thì chỉ mất ba bốn hôm, nhà ít chỉ một hai hôm là xong hết.

Những ngày cuối tháng hai, mưa xuân cộng với gió mùa tăng cường khiến trời trở lạnh và ẩm ướt. Gần trưa, ở khu vực đồng trũng, khoảng hơn chục nông dân chân ngập sâu trong bùn lầy mải miết, cặm cụi cấy lúa. Chia sẻ với chúng tôi, một bác nông dân bộc bạch chân thành: Nghề nông vất vả lắm. Để  kịp thời vụ, trời mưa mọi người vẫn phải mặc áo mưa ra đồng. Hôm nay là buổi cấy cuối cùng, gia đình tôi huy động tất cả lao động, đồng thời nhờ thêm người quyết cấy cho xong đám ruộng chân trũng này.

Mùa cấy
Nông dân căng dây cấy lúa ở khu đồng trũng.

Tranh thủ ít phút nghỉ tay, bác cởi mở tâm sự: Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng làm ruộng giờ đỡ cực nhọc hơn ngày trước rất nhiều. Nói riêng chuyện cấy, toàn bộ khu ruộng nằm ở khu vực chân cao, việc tưới tiêu thuận lợi nhiều năm qua gia đình tôi thực hiện gieo thẳng. Vừa giải phóng được sức lao động, lại tiết kiệm được giống, vật tư sản xuất. Chỉ hơn một sào ở khu đồng trũng này không thể gieo thẳng, cũng chẳng thể cấy máy nên phải cấy tay truyền thống.

Ngày trước, cấy tay một trăm phần trăm diện tích, nông dân vất vả, cực nhọc hôm sớm cả tháng trời. Nông dân cấy vụ chiêm xuân vào thời điểm tiết trời lạnh kèm theo mưa xuân, cả ngày ngập trong bùn nước, mỗi buổi đi cấy về chân tay tê cứng, đau nhức, người lạnh tím tái. Mùa cấy, dù trời mưa lạnh, buổi sáng vẫn phải ra đồng từ lúc chưa rõ mặt người. Bữa trưa, ngồi ngay bờ ruộng, nhà ít người tranh thủ ăn cơm nắm muối vừng, khoai luộc, xôi, hoặc bánh chưng Tết mang theo rồi làm thông tầm tới tối. Nhà thì con, cháu đi học về là vội vã mang cơm, mang nước ra đồng cho bố mẹ, cô dì, chú bác...

Giờ chẳng còn cảnh phải ăn cơm trưa ngoài đồng. Mùa cấy, nhà nhà gieo thẳng, nhiều thì chỉ mất ba bốn hôm, nhà ít chỉ một hai hôm là xong hết. Tôi được biết, có nơi, nông dân thuê máy cấy, mùa đến, chẳng phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” cấy lúa cho kịp thời vụ. Chúng tôi rất mong, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục quy hoạch đồng ruộng, đầu tư nâng cấp hệ thống kênh mương nông dân sẽ không còn cảnh phải vất vả gieo mạ, cấy tay ngay cả ở khu đồng trũng. 

Cẩn thận hăng dây thẳng tắp từ đầu bờ bên này đến đầu bờ bên kia, một chị nông dân cười giải thích với tôi: Cách một đoạn lại phải căng dây cấy hai hàng vè để lấy lối sau này đi bón phân, phun thuốc... Sau nhiều năm làm có kinh nghiệm, bây giờ nông dân chúng tôi chủ yếu thực hiện gieo thẳng, cấy tay chỉ khu ruộng trũng nên đỡ vất vả nhiều. Nhờ gieo thẳng, cấy máy nên mùa cấy đến, nhà ít lao động cũng không phải lo chuyện người làm, chuyện thời vụ. Nông dân cũng không phải vất vả “hai sương một nắng”, chân lấm tay bùn cả tháng trời mới cấy xong mùa vụ.

Tôi rời cánh đồng khi trời đã về trưa, các bác, các chị nông dân nói cấy thêm mấy hàng nữa cho gọn miếng, gọn mảnh mới về, chiều lại ra đồng sớm, quyết cấy cho xong trong hôm nay. 
Đầu tháng ba, mưa xuân rả rích kéo dài khiến trời trở nên ẩm ướt. Nơi cánh đồng, lúa vừa gieo cấy xong, gặp mưa xuân đang lên xanh mơn mởn, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. 

Phạm Hiền

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy