Cần khuyến khích trẻ làm việc nhà

Trong nhịp sống hiện đại ngày nay, nhất là ở khu vực thành thị, trẻ em thường chịu áp lực lớn từ việc học hành. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh lo lắng con vất vả, không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn nên không dám giao việc nhà hằng ngày cho con cái. Điều này đã khiến nhiều đứa trẻ khi lớn lên thiếu tính tự lập, có tâm lý ỷ lại và thậm chí là tỏ thái độ khó chịu, chống đối khi bố mẹ giao làm việc nhà.

Gần đây, trong một lần chở con trai đến trường, tôi đã vô tình bắt gặp đoạn thoại ngắn của hai mẹ con ngay trước cổng trường. Dù đã đi vào sân trường một đoạn khá xa nhưng cậu bé vẫn ngoảnh mặt lại tìm mẹ rồi nói với theo: “Con bận học thi học kỳ quá nên trưa nay con không kịp phơi quần áo, chiều thi về con làm mẹ nhé”. Người mẹ mỉm cười nhẹ nhàng đáp: “Ừ, không sao con ạ”. Cũng là một phụ huynh có hai con đang lứa tuổi học sinh, hình ảnh ấy, đoạn thoại ấy thực sự khiến tôi có ấn tượng mạnh. Tôi đã chủ động đến gần và tranh thủ ít phút trước giờ đi làm để trò chuyện với chị.

Qua chia sẻ của chị, được biết, chị tên Trịnh Thu Thảo, là giáo viên công tác tại một trường trung cấp nghề ở Hà Nam. Con chị cũng học lớp 7, bằng tuổi với con trai tôi. Để cậu con trai hình thành thói quen làm việc nhà và thực hiện một cách nền nếp như hiện nay, chị Thảo đã có nhiều năm đồng hành, khích lệ và hướng dẫn con trong từng công việc. Chị Thảo cho hay: Hiểu được rằng, hướng dẫn con làm việc nhà sớm sẽ giúp cho con hình thành tính cách, kỹ năng sống trong tương lai, tôi đã lập một “biểu đồ” việc nhà phù hợp với từng lứa tuổi của con. Với mỗi việc con làm như tự chuẩn bị đồ tắm, thu dọn đồ chơi, nhặt rác trên sàn nhà, quét nhà, chuẩn bị bữa ăn, phơi quần áo, gấp đồ, lau nhà, tôi đều chấm điểm và tích điểm số cho con. Theo tháng, tôi tổng hợp số điểm mà con có được và khen thưởng cho con bằng các món đồ, dụng cụ học tập con yêu thích, cho con đi chơi ngày cuối tuần. Hay vào mỗi dịp hè, tôi thưởng cho con một chuyến du lịch cùng cả gia đình. Điều quan trọng là qua đó tôi muốn cho con thấy, những phần thưởng mà con có được là hoàn toàn xứng đáng với những gì mà con đã làm được. Nhờ vậy, hằng ngày, con đều tự giác, chủ động làm các công việc của cá nhân cũng như hỗ trợ bố mẹ các công việc nhà.

Cần khuyến khích trẻ làm việc nhà
Trẻ nhỏ cần được khuyến khích làm việc nhà hằng ngày, nhất là các công việc cá nhân như dọn bàn học, sắp xếp sách vở, quần áo. Ảnh: Hân Hân

Thực tế trong cuộc sống hiện nay, qua những câu chuyện được nghe kể có thể thấy rõ, mức độ lao động ở nhà của trẻ trung học, tiểu học ở khu vực thành phố là rất thấp. Phần lớn học sinh trung học, tiểu học ở thành phố không làm các việc nhà như gấp chăn màn khi ngủ dậy, cũng không quét nhà, rửa bát, giặt quần áo, không rửa rau, nấu cơm. Cá biệt, có những trẻ trung học vẫn cần bố mẹ chuẩn bị quần áo đi học hay sắp xếp, thu dọn sách vở, bàn học mỗi ngày. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này không chỉ xuất phát từ phía cá nhân trẻ mà còn từ phía các bậc phụ huynh với quan điểm: Để bọn trẻ làm thà mình làm cố cho nhanh, con làm không đúng ý nên càng “ngứa mắt” thêm. Thậm chí, một số bố mẹ còn mắng mỏ khi con làm chưa tốt. Điều này vô tình khiến trẻ bị tổn thương, căng thẳng, lâu dài sẽ cảm thấy tự ti vì nghĩ là mình kém cỏi và chúng không còn muốn làm việc trong lần tiếp theo. Việc bố mẹ không khuyến khích, cổ vũ, chia việc cho con làm cũng là nguyên nhân khiến trẻ hình thành thói quen “há miệng chờ sung”. Lâu dần, trẻ sẽ cho rằng bố mẹ làm mọi việc cho mình là đương nhiên mà không hiểu, mình cũng có nghĩa vụ và trách nhiệm quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ người khác.

Theo các chuyên gia tâm lý, đứa trẻ nào cũng mong muốn thấy mình có ích và bản thân có thể làm được nhiều điều có giá trị để giúp đỡ người khác. Một lời khen ngợi, lời cảm ơn chân thành từ người lớn sau mỗi việc trẻ làm có sức mạnh khích lệ to lớn, giúp trẻ nhỏ cảm thấy hứng thú và hài lòng sau khi hoàn thành công việc. Từ đó, chúng có xu hướng chủ động giúp đỡ người lớn trong những năm tháng tiếp theo mà không cần phải thúc ép hay đòn roi. Cùng nhau làm việc cũng góp phần quan trọng tăng cường sự gắn kết tình cảm gia đình, tạo cơ hội để trẻ bộc lộ bản thân, giúp trẻ rèn luyện sự kiên nhẫn, biết sắp xếp, bố trí công việc phù hợp với quỹ thời gian và điều kiện sinh hoạt của gia đình. Đây cũng là kỹ năng quan trọng giúp trẻ trưởng thành hơn ở môi trường trường lớp hay ngoài xã hội. Theo đó, đã có không ít phụ huynh thành công trong việc khích lệ, tạo cho con thói quen, nền nếp làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ. Chẳng hạn như ở độ tuổi 3-4 tuổi, bố mẹ đã hướng dẫn con làm các công việc đơn giản như thu dọn đồ chơi sau khi dùng; tự đánh răng, chải tóc, rửa tay; lau sạch góc bàn ăn của mình sau khi dùng bữa; sắp xếp sách, truyện, bút màu lên kệ, giá sách; giúp bố mẹ lau bụi trên bàn, ghế. Ở độ tuổi 5-7 tuổi, con có thể làm nhiều việc khó hơn như gấp gọn chăn, màn mỗi khi ngủ dậy; tự mặc quần áo, sắp xếp quần áo vào tủ cá nhân; mang rác đi đổ; rửa rau, sắp xếp bàn ăn… Con lớn dần, bố mẹ giao cho con làm các công việc như lau sàn nhà, rửa bát, sử dụng máy hút bụi, tự là quần áo đơn giản, thay ga trải giường, tự đi mua các món đồ dùng trong gia đình theo hướng dẫn của bố mẹ.

Tuy nhiên, làm như thế nào để tạo sự hứng thú cho con trong các công việc nhà vẫn là điều không hề dễ dàng với hầu hết các bậc phụ huynh hiện nay. Theo chia sẻ của những phụ huynh đã thành công trong việc rèn con làm việc nhà, đầu tiên là cha mẹ phải kiên trì hướng dẫn cho trẻ cách làm từng việc một. Nếu trẻ làm sai, cha mẹ không la mắng con mà vui vẻ hướng dẫn trẻ làm lại, khích lệ động viên  để trẻ thấy rằng, thất bại hay sai lầm không có gì đáng trách, chỉ cần cố gắng là sẽ làm được. Cha mẹ cũng nên giao việc nhà cho trẻ phù hợp theo độ tuổi nhằm xây dựng thói quen và nâng cao tính trách nhiệm cho trẻ chứ không đặt yêu cầu quá cao đối với khả năng của trẻ.

Theo thời gian, khi trẻ lớn lên, những công việc hằng ngày sẽ tự được rèn rũa, sắp xếp và hoàn thành với chất lượng cao hơn. Cha mẹ cũng hãy cùng làm với con những công việc nhà để chúng không cảm thấy áp lực quá lớn mà lại tạo thêm cơ hội gắn kết giữa cha mẹ và con cái. Việc được làm việc chung với cha mẹ cũng cho trẻ cảm giác được tôn trọng, được đối xử như người lớn. Cha mẹ cũng nên hướng dẫn, cho trẻ lên kế hoạch và quyết định các công việc chúng cần làm trong ngày. Dù trẻ sắp xếp chưa thật hợp lý, cha mẹ cũng không nên phủ định ngay lập tức mà để đến hôm sau cùng trẻ tổng kết, để chúng đưa ra ý kiến sửa đổi, sau đó góp ý kiến bổ sung. Thông qua công việc nhà, thông điệp quan trọng nhất mà cha mẹ muốn con trẻ hiểu được, đó là: Con cần rèn luyện tính tự lập và sống có trách nhiệm với bản thân, bởi cha mẹ không thể suốt đời ở bên và chăm lo cho con.

Nguyễn Oanh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy