Tổ chức phiên tòa giả định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Chiều 12/3, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý phối hợp với Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam tổ chức Phiên tòa giả định vụ án “trộm cắp tài sản” để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho gần 300 sinh viên nhà trường.

Theo tình huống giả định: Do cần tiền tiêu sài nên khoảng thời gian từ tháng 9/2023 đến tháng 11/2023 Trần Văn Sáng (Sinh năm 2004; đăng ký nhân khẩu thường trú tại Tổ 2, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định; chỗ ở: Phòng 442, nhà ký túc  C17 trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cơ sở Hà Nam, là sinh viên của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) đã thực hiện hành vi “trộm cắp tài sản” 2 chiếc xe máy điện tại cửa hàng cho thuê xe máy điện của anh Dương Văn Cương (sinh năm 1984, trú tại thôn 1, xã Phù Vân, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) và 1 chiếc ti vi (nhãn hiệu SONY 55 inch) của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, cơ sở Hà Nam. Tổng trị giá tài sản Sáng chiếm đoạt là 28.100.000 đồng.

Phiên tòa giả định tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam
Đông đảo sinh viên Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam theo dõi phiên tòa giả định.

Qua phân tích tại phiên tòa, đã xác định nguyên nhân sâu xa của hành vi “trộm cắp tài sản”: Do bị cáo còn trẻ, vừa qua tuổi vị thành niên, nhận thức, ý thức trách nhiệm còn hạn chế; sự buông lỏng trong quản lý, giáo dục của gia đình; việc quản lý tài sản của nhà trường còn lỏng lẻo, việc giáo dục ý thức, tuyên truyền pháp luật cho sinh viên còn hạn chế…

Phiên tòa giả định tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam
Quang cảnh phiên tòa giả định vụ án "trộm cắp tài sản".

Căn cứ đề nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố, tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo 12 tháng tù về hành vi “trộm cắp tài sản”.

Với kịch bản công phu, chi tiết, gần sát thực tế đời sống sinh viên, phiên tòa giả định diễn ra nghiêm túc, đúng trình tự, thủ tục tố tụng, đầy đủ các thành phần (chủ tọa, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký phiên tòa, luật sư, bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan, người làm chứng), tạo sự thích thú, cuốn hút đối với sinh viên.

Thông qua phiên tòa giả định nhằm tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu cho sinh viên về những quy định của Bộ luật Hình sự, những hành vi cố ý gây thương tích, từ đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh, sinh viên, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh.

Phiên tòa giả định tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam
Sau phiên tòa giả định, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý và sinh viên đã có nhiều nội dung hỏi đáp, giao lưu sôi nổi, bổ ích.

Sau phiên tòa giả định, ban tổ chức đã tiến hành tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật qua hình thức giao lưu, trả lời câu hỏi về những tình huống vi phạm pháp luật thường xảy ra, giúp sinh viên hình thành kỹ năng cần thiết trong nhận biết những hành vi vi phạm pháp luật, từ đó nâng cao nhận thức trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật.

Phiên tòa giả định tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cơ sở Hà Nam
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý trả lời những câu hỏi của sinh viên liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật. 

Phát biểu tại phiên tòa giả định, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý cho biết: Thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội trẻ hóa dần, tỷ lệ trẻ chưa thành niên phạm tội có xu hướng gia tăng, nhất là nhóm tội phạm xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người khác, tội phạm vi phạm quy định về an toàn giao thông, gây rối trật tự công cộng, xâm phạm sở hữu... Nguyên nhân ý thức chấp hành pháp luật chưa nghiêm, một phần cũng là do công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn dù đã được các cấp, ngành quan tâm nhưng hình thức tuyên truyền chưa thực sự mang lại hiệu quả thiết thực. Để đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa pháp luật vào thực tiễn, năm 2023, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phủ Lý đã có sáng kiến tổ chức phiên tòa giả định tại các cơ sở giáo dục và địa bàn dân cư .

Việc tổ chức phiên tòa giả định là một hình thức sân khấu hóa để đưa thực tiễn pháp luật vào cuộc sống. Kịch bản phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên những vụ án có thật được "mềm hóa" các quy định của pháp luật giúp đông đảo sinh viên thay vì tiếp cận các điều luật khô khan, thì từ tình huống thực tế, chân thật, sinh động sẽ giúp các em dễ hiểu, dễ nhớ, từ đó dễ tiếp thu, nắm bắt những nội dung của pháp luật và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của bản thân khi tham gia các quan hệ xã hội làm sao không vi phạm pháp luật.

Nguyễn Khánh

Bình luận bài viết

Bình luận

BÁO HÀ NAM ĐIỆN TỬ

Giấy phép xuất bản số 68/GP-BTTTT do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp ngày 16/2/2017

Địa chỉ: Đình Tràng, phường Lam Hạ, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam

Tổng Biên tập: Nguyễn Duy Tuấn

Điện thoại: (0226) 3852.773 - 3853.342 | Fax: (0226)3853.342

Email: baohanam.dientu@gmail.com

Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản. Nha khoa Daisy