Những năm gần đây, cùng với việc duy trì, phát triển các ngành nghề truyền thống, xã Trịnh Xá (thành phố Phủ Lý) đặc biệt quan tâm đến việc phát triển ngành nghề mới nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Tận dụng những cây lục bình (bèo tây) sẵn có tại địa phương, người dân nơi đây đã làm ra những sản phẩm thủ công đem lại giá trị kinh tế cao. Nghề mới phát triển từ năm 2020 trở lại đây tạo việc làm cho nhiều lao động của địa phương.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, người có công đem nghề đan giỏ lục bình đa năng về xã Trịnh Xá là chị Mai Thị Thủy ở thôn An Hoàng. Năm 2000, chị Thủy lấy chồng về tỉnh Ninh Bình, nơi phát triển mạnh những ngành hàng thủ công mỹ nghệ. Nhận thấy tiềm năng của nghề đan giỏ lục bình phù hợp với đại đa số người dân lao động, chị quyết định đưa nghề đan giỏ lục bình đa năng về quê hương (năm 2020) với mong muốn tạo việc làm cho người lao động. Đưa nghề về quê hương một thời gian thì dịch Covid-19 bùng phát, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, lao động bỏ nghề... Mãi đến năm 2023, nghề đan giỏ lục bình đa năng mới có cơ hội được phục hồi, khi chị Lê Thị Hà cũng sinh sống tại thôn An Hoàng đã mạnh dạn liên hệ với Công ty Phong Hưng Thịnh (Ninh Bình) chuyên về mặt hàng thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm từ bèo tây để tìm hướng xử lý số hàng còn tồn đọng, tháo gỡ khó khăn cho bà con tại địa phương. Chỉ sau vài tháng, mọi thứ dần đi vào ổn định, đơn hàng ngày càng nhiều hơn. Chị Hà là người trực tiếp quản lý về khâu kĩ thuật, nhận các đơn hàng, nguyên liệu, khung sắt từ công ty và phân công việc cho bà con ở trong xã. Nghề đã giải quyết tốt việc làm cho người dân lúc nông nhàn, với mức thu nhập hằng tháng từ 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về quyết tâm khôi phục lại nghề đan giỏ lục bình đa năng, chị Lê Thị Hà cho biết: Nghề đan giỏ lục bình không khó, chỉ cần người lao động kiên trì, tỉ mỉ một chút thì ai cũng có thể làm được. Người nhanh chỉ học từ 1 – 2 ngày, người chậm từ 3 - 5 ngày. Trung bình 1 ngày người lao động làm được từ 4 - 7 sản phẩm. Do nhận thấy được tiềm năng của nghề phù hợp với đại đa số lao động lớn tuổi nên tôi quyết tâm khôi phục nghề và mong muốn nghề ngày một thịnh vượng hơn.
Quy trình làm ra một chiếc giỏ lục bình đa năng được chị Hà chia sẻ: Bà con nông dân sẽ đi thu hoạch cây bèo tây, sau đó phơi nắng để cho bèo khô. Thông thường, mỗi một đơn hàng bên xưởng sản xuất sẽ cung cấp các loại khung sản phẩm khác nhau. Căn cứ vào hình dạng sản phẩm để làm ra chiếc giỏ thô, sau đó chờ bên vận chuyển đến lấy đơn hàng đưa về nhà máy xử lý các công đoạn để hoàn thiện sản phẩm như xịt bụi bằng nước, hút ẩm sản phẩm đạt chuẩn để xuất khẩu sang nước ngoài...
Nghề đan giỏ lục bình đa năng không đòi hỏi vốn liếng nhiều, lại tận dụng được nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, góp phần cải thiện môi trường. Muốn có những sản phẩm đẹp, đạt chất lượng, người đan phải rất cẩn thận ngay từ khâu chọn nguyên liệu. Những cây bèo tây được lấy phải có độ dài từ 50 - 60 cm mới đạt tiêu chuẩn để làm nguyên liệu. Giá bèo khô được các hộ dân thu gom có giá dao động từ 25- 28 nghìn đồng/kg. Đến tháng 12 âm lịch trời bắt đầu trở lạnh là lúc không lấy được bèo, các hộ lao động tại đây phải nhập bèo khô từ nơi khác về để làm nguyên liệu đan giỏ. Giá bèo khô nhập vào trung bình từ 25 – 30 nghìn đồng/kg.
Bà Mai Thị Sáu chia sẻ: Tôi đã gắn bó với nghề ngay từ những ngày đầu tiên. Trong lúc nông nhàn nghề cho chúng tôi có việc làm nâng cao thu nhập giúp ổn định cuộc sống, chăm lo cho con cái ăn học, chi tiêu trong gia đình. Ông Mai Hiển Long, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Trịnh Xá chia sẻ: Nghề đan giỏ lục bình là một nghề mới, nhưng đem lại nhiều hiệu quả, tạo việc làm cho người lao động có thêm nguồn thu nhập. Vừa qua, giỏ lục bình đa năng của xã Trịnh Xá đã được công nhận sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Thời gian tới, địa phương sẽ tạo điều kiện để những hộ làm nghề mở rộng quy mô sản xuất, vận động, tuyên truyền về lợi ích của ngành nghề, qua đó giúp người dân có thêm việc làm, nâng cao thu nhập.
Bùi Linh