Hưởng ứng chương trình xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, nhân dân trong toàn tỉnh đã tích cực tham gia hiến đất, dịch tường, dịch giậu, chặt bỏ cây cối, tháo dỡ công trình phụ… để mở rộng đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, khi đường được mở rộng, nhiều tuyến cột điện trước đây nằm sát mép đường, nay lại nằm ở vị trí ngay giữa đường rất nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cột điện trước khi mở rộng đường giao thông nông thôn hiện đang là vấn đề khó đối với các địa phương.
Theo quy định của UBND tỉnh, khi xây dựng đường giao thông ở các thôn xóm, nếu dịch chuyển cột điện, UBND các xã, thị trấn chủ động kinh phí phục vụ mua sắm vật tư, bố trí máy móc thi công; ngành điện chỉ hỗ trợ bảo đảm an toàn kỹ thuật, cắt điện khi thi công, tháo dỡ công tơ, hướng dẫn kỹ thuật đào hố chôn cột, nghiệm thu kỹ thuật, đóng điện trở lại cho bà con. Căn cứ vào đó, UBND các xã, thị trấn khi mở rộng đường giao thông, thông báo với ngành điện để có kế hoạch phối hợp thực hiện. Điện lực các huyện, thị xã, thành phố cử nhân viên hỗ trợ địa phương bảo đảm công trình được triển khai nhanh nhất.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng bố trí được kinh phí để dịch chuyển cột điện khi mở rộng đường giao thông nông thôn nên nhiều cột điện vẫn “án ngữ” ngay giữa lòng đường. Tại xã Tiên Ngoại (thị xã Duy Tiên), phường Lam Hạ, xã Phù Vân, Phường Trần Hưng Đạo (thành phố Phủ Lý)… mặc dù đã thi công mở rộng đường giao thông song các công trình điện như: trạm biến áp, cột điện vẫn nằm giữa lòng đường chưa được di dời, gây cản trở giao thông, mất mỹ quan đô thị và bức xúc cho nhân dân.
Ông Lưu Đại Nghĩa, Giám đốc Điện lực thành phố Phủ Lý chia sẻ: Cột điện nằm giữa lòng đường không chỉ ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngành điện. Bởi, khi cột điện nằm giữa đường, chẳng may người tham gia giao thông không chú ý xảy ra tai nạn thì chúng tôi cũng bị liên đới. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cột điện theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi sẵn sàng bố trí công nhân phối hợp, còn các xã, phường phải bố trí phương tiện, máy móc, vật tư và mặt bằng thi công. Trong quá trình triển khai thực hiện, các địa phương cần tính toán dự trù nguồn kinh phí, thuê nhân công thực hiện, còn ngành điện phối hợp hỗ trợ về mặt kỹ thuật, bảo đảm an toàn để cùng địa phương di dời cột điện, góp phần bảo đảm mỹ quan và an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.
Còn ông Phan Công Toàn, Giám đốc Điện lực Bình Lục cho biết: Có những năm cao điểm Điện lực Bình Lục phối hợp chuyển gần một trăm cột điện hạ thế. Tuy nhiên, không ít kỳ họp HĐND huyện, cử tri các xã đều kiến nghị nhanh chóng chuyển cột điện khi mở rộng đường giao thông. Việc này Điện lực Bình Lục cũng trả lời rất rõ ràng, trách nhiệm của địa phương đến đâu và ngành điện đến đâu. Theo tôi, các ngành và địa phương cần tính toán kỹ, có phương án, kế hoạch di dời cột điện trước khi mở rộng đường giao thông.
Trần Hữu